Thứ sáu 20/09/2024 00:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

11công trình kiến trúc xanh

10:13 | 20/04/2012

Năm 2012, lần đầu tiên Hội KTS Việt Nam tổ chức tuyển chọn công trình Kiến trúc xanh với 5 nhóm tiêu chí là địa điểm bền vững; môi trường bên trong có chất lượng; sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, bản sắc. Kết quả, trong số có 27 đơn vị đăng ký tham gia bình xét công trình kiến trúc xanh, Hội KTS Việt Nam đã công nhận 11 công trình, cụm công trình là công trình kiến trúc xanh.

Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho biết: Vì là năm đầu tiên tuyển chọn, công trình kiến trúc xanh nên Hội KTS Việt Nam còn bình xét thiên về định tính hơn là định lượng.

Dự kiến, tối 21/4, trong đêm giao lưu VIETARC tại Hà Nội, Hội KTS Việt Nam sẽ chính thức công bố kết quả bình chọn công trình kiến trúc xanh năm 2012 ở tất cả các thể loại công trình. BĐS&VLXD mời bạn đọc chiêm ngưỡng 3 trong số 11 công trình được công nhận là Kiến trúc xanh đầu tiên của Việt Nam.

Khu khách sạn du lịch Eo Xoài (Mango Bay Resort), huyện đảo Phú Quốc, Khánh Hòa: Trở về với thiên nhiên hoang dã

Eo Xoài do ông Andrew Carr Ellison làm chủ đầu tư, KTS Dương Hồng Hiến thiết kế được xây dựng giữa quanh cảnh nguyên sơ rộng 3ha với vẻn vẹn 20 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 phòng tiếp tân… Phòng khách sạn “cao cấp” (bungalow) của Eo Xoài có tường bằng đất nện, chặn nền là đá hộc được khai thác tại chỗ, mái lợp lá dừa, nền sử dụng đá mài dăm, hàng rào là cây trầm… Công trình được thông gió tự nhiên, mái thấp nhằm tránh nắng hướng tây đồng thời che mát nội thất. Nước sử dụng trong phòng được làm nóng bằng năng lượng mặt trời. Thiết bị vệ sinh đúc tại chỗ. Hệ thống ống thoát nước thải sau khi xử lý từ hầm tự hoại được đưa ra tự nhiên (trong điều kiện không có hệ thống thoát nước công cộng), chôn trải đều theo các rãnh hình xương cá để thấm vào đất tự nhiên.

  

Đáng nói hơn nữa là các bungalow được bố trí nằm trong một khoảng thiên nhiên hoang dã, mát mẻ, yên tĩnh. Toàn bộ cây cối tại đây được giữ lại, không chặt đi bất cứ một cây nào. Đường dẫn vào bungalow thậm chí không có mà do đi lại nên thành đường mòn. Eo Xoài được xem như đi ngược lại quan điểm của hầu hết các resort khác với cảnh quan nhân tạo.

Công trình M house, TP Huế: Tích hợp nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng

Đây là một ngôi nhà cải tạo mở rộng, nằm trên khuôn viên rộng đến 3.500m2 nhưng diện tích xây dựng chỉ vẻn vẹn có 157m2 với diện tích sàn 204m2, trong đó xây mới 84m2, cải tạo 120m2. Ngôi nhà quay hướng tây bắc nên mặt bằng được bố trí giật cấp tạo bóng đổ bản thân, che nắng cho công trình. Trước mặt nhà có một hồ nước rộng 50m2 kết hợp với phun sương, tạo vi khí hậu. Trên sân thượng, đồng thời là mái bằng của công trình là lớp gạch 6 lỗ vuông, tạo khoảng thoáng cách nhiệt. Phía trên bố trí giàn lưới ô vuông kết hợp với dây leo che nắng cho mái bằng. Giải pháp này hạn chế tối đa nắng chiếu trực tiếp lên bề mặt của sân thượng.

  

Vách nhà là kính an toàn tấm lớn, dày 10.38 ly, có lớp ngăn tia tử ngoại. Bên ngoài là hệ thống mành nhôm di động, che nắng cho vách kính. Giữa kính và hệ rèm là khoảng đệm 0,9m, bên trên có bê tông tạo một khoảng đệm thông thoáng.

Sàn phòng làm việc được nâng lên khỏi mặt hồ đồng thời bố trí các lam thông gió dưới sàn đưa không khí đã được làm mát vào công trình. Các lam này có thể điều chỉnh để khóa vào mùa đông.

Ngôi nhà còn có một sân trong với các lam thông gió ở hướng đông nam làm cho không khí được lưu thông tốt. Ngôi nhà dùng gam sơn màu trắng nhằm hạn chế bức xạ mặt trời và sử dụng đèn compact, đèn led cảm ứng, sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm năng lượng. Kiến trúc của công trình hiện đại, tối giản, không gian đa năng, linh hoạt với vật liệu được sử dụng tối thiểu. Kinh phí đầu tư cho công trình chỉ khoảng 14 nghìn USD.

Trường PTCS Phan Chu Trinh (Bình Dương):  Chắt chiu từng không gian tự nhiên

Ngôi trường có diện tích sàn 6.564m2, được xây dựng trong khu đất 5.296m2 với chiều cao không quá 5 tầng để không vượt nhiều chiều cao của cây cối trong khu vực. Công trình được bao bọc bởi các lam làm bằng bê tông đúc sẵn. Ngôn ngữ kiến trúc này - theo KTS thiết kế công trình Võ Trọng Nghĩa - “Không những bảo vệ học sinh tránh khỏi ánh nắng trực tiếp của mặt trời mà còn tạo ra hệ thống thông gió tự nhiên cho không gian hành lang”. Tất cả các phòng kết nối với không gian hành lang. Đây đồng thời là nơi mà giáo viên, học sinh trò chuyện, giao tiếp và thưởng thức giá trị của thiên nhiên.

  

Ngôi trường được thiết kế như một khối lớn liên tiếp để các hoạt động không bị gián đoạn. Thiết kế này cũng nhằm thích ứng với các cơn mưa liên tục của khí hậu nhiệt đới, khí hậu mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Công trình có độ dốc hài hòa với khoảng sân xung quanh và kết nối với mặt đất ở một điểm cuối, mang dạng hình chữ S, uốn lượn xung quanh hai khoảng sân với hai tính chất khác nhau. Khoảng sân phía trước được dùng cho những sự kiện trang trọng, quy mô. Khoảng sân còn lại mang tính chất riêng tư hơn, học sinh có thể ở lại ngồi chơi với nhau. Các phòng giáo viên, thể dục, thí nghiệm, thư viện được bố trí xung quanh khoảng sân chung. Phòng học của học sinh được bố trí quanh khu vực sân sau. Những khoảng mở xuyên suốt các lối lưu thông giúp giáo viên và học sinh tận hưởng những hoạt động đa dạng của cả hai khoảng sân cùng với thiên nhiên phong phú xung quanh.

KTS Võ Trọng Nghĩa kỳ vọng: Ngôi trường sẽ trở thành một phương án thay thế cho những ngôi trường truyền thống ở Việt Nam.

Hương Tâm

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load