Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lên tiếng lý giải cho dự toán chi phí 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam trước thông tin cho rằng suất đầu tư 11 đoạn này cao hơn quy suất đầu tư của Bộ Xây dựng ban hành.
Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được đầu tư công, là 1 trong 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang được gấp rút thi công. Ảnh: LHV. |
Theo Bộ GTVT, 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài tổng cộng 654 km, được Quốc hội thông qua tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng. Tháng 10/2018, Bộ GTVT phê duyệt báo cáo khả thi toàn bộ 11 đoạn dự án, tổng mức đầu tư giảm còn 102.513 tỷ đồng.
Trường hợp chuyển toàn bộ 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT sang đầu tư công, tổng mức đầu tư của 11 đoạn (gồm cả 3 đoạn đang đầu tư công) giảm còn 99.493 tỷ đồng, do giảm chi phí lãi vay nếu đầu tư BOT.
Tuy nhiên, mới đây có một số ý kiến cho rằng, tổng mức đầu tư 11 đoạn cao tốc trên của Bộ GTVT đưa ra còn quá cao, và vẫn có thể giảm tiếp. Cụ thể, theo suất vốn đầu tư cao tốc 124,9 tỷ đồng/km của Bộ Xây dựng ban hành, tổng vốn đầu tư 11 đoạn chỉ khoảng 81.192 tỷ đồng (giảm 18.301 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư đang được Bộ GTVT trình Quốc hội).
Nếu loại trừ khoảng 15.435 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, tổng vốn đầu tư 11 đoạn cao tốc vẫn có thể giảm thêm khoảng 2.866 tỷ đồng.
Lý giải về suất đầu tư cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT cho hay: Tổng vốn đầu tư sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần giảm còn 102.513 tỷ đồng (giảm 16.203 tỷ đồng so với nghị quyết của Quốc hội), gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng là 11.431 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 67.922 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn và khác là 7.782 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 12.358 tỷ đồng; chi phí lãi vay là 3.020 tỷ đồng.
Về suất vốn đầu tư cao tốc do Bộ Xây dựng ban hành tháng 1/2020, chi phí xây dựng 1 km đường cao tốc 4 làn xe tại vùng 2 là 157,48 tỷ đồng/km và 124,985 tỷ đồng/km (chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu, hầm và xử lý nến đất yếu).
Suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng chỉ gồm các chi phí: xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn đầu tư và các khoản chi phí khác. Tuy nhiên, suất vốn này chưa bao gồm một số chi phí như: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng (đối với các dự án có sử dụng vốn vay); chi phí dự phòng và một số chi phí khác.
“Suất vốn đầu tư xây dựng bình quân của 1 km đường cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt khoảng 115,8 tỷ đồng/km, bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu, hệ thống giao thông thông minh, thu phí điện tử, đường gom dân sinh”, Bộ GTVT lý giải.
Nếu không tính dự án Cam Lộ - La Sơn (quy mô 2 làn xe, dài 98,4 km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6 km), suất vốn đầu tư xây dựng bình quân cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT phê duyệt chỉ khoảng 95,6 tỷ đồng/km.
“Nếu theo phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc của Bộ Xây dựng ban hành, không tính chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng, suất vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt trên thấp hơn suất đầu tư của Bộ Xây dựng công bố”, Bộ GTVT khẳng định.
Bộ GTVT cho rằng, suất đầu tư cao của Bộ Xây dựng công bố chỉ mang tính chất tương đối để tham chiếu, còn thực tế xây các dự án đường cao tốc còn nhiều yếu tố khác, như: Cầu, cống, xử lý nền đất yếu, cầu vượt và hầm chui dân sinh, nút giao, đường gom, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi phí lãi vay…
Trước đó, ngày 3/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông báo kết luận phiên họp thứ 45, theo đó thống nhất quan điểm chuyển hình thức đầu tư từ hợp tác công – tư (PPP) sang đầu tư công toàn bộ với 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam, gồm: đoạn Vĩnh Hảo - Phap Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc Lộ 45. Các dự án sau khi được chuyển đổi được thực hiện đầy đủ các thủ tục theo Luật Đấu thầu và thu phí để thu hồi vốn cho nhà nước. |
Theo Lê Hữu Việt/Tienphong.vn
Link gốc: https://www.tienphong.vn/kinh-te/1158-ty-dong-cho-mot-km-cao-toc-bacnam-co-dat-do-1669231.tpo