Thứ sáu 29/03/2024 05:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Yên Dũng (Bắc Giang): Khởi sắc bức tranh nông thôn mới

18:11 | 11/12/2019

(Xây dựng) - Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, khai thác sự đồng thuận của nhân dân và quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã làm khởi sắc bức tranh nông thôn mới ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn

1.440 tỷ đồng là số tiền toàn huyện Yên Dũng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2019, trong đó phần lớn tập trung cho cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ.

Trong 10 năm, huyện đã xây dựng được hơn 576 km đường giao thông nông thôn, 60 km kênh mương, 14 nhà văn hóa xã, 14 khu thể thao xã đạt chuẩn, 68 công trình trường học được đầu tư xây dựng và sửa chữa…

Cùng đó, huyện quan tâm quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị; duy trì, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có lợi thế của các địa phương như sản xuất lúa hàng hóa ở Tư Mại, Đức Giang; trồng rau màu ở xã Cảnh Thụy, Tiến Dũng; trồng dưa ở Đồng Việt, Tân An..., đồng thời khuyến khích nông dân tập trung đất đai để tăng quy mô sản xuất nông điều kiện cho sản xuất hàng hóa lớn.

yen dung bac giang khoi sac buc tranh nong thon moi
Thị trấn Neo, huyện Yên Dũng đang đổi mới từng ngày.

Tổ chức sản xuất được gắn với thị trường, từng bước chuyển dần từ sản xuất dàn trải, kém hiệu quả sang tập trung chuyên sâu, chuyển nông nghiệp tính toán về số lượng sang chất lượng, giá trị và hiệu quả. 10 năm qua toàn huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được gần 4.700ha đất nông nghiệp tại 107 thôn của 15 xã; đã xây dựng, thực hiện 19 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 38.000m2; 06 mô hình rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích 95ha; 34 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.150ha, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ đó, đến hết năm 2018 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 42,29 triệu đồng/người/năm (tăng 22,29 triệu đồng/người/năm so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,95% (giảm 5,65% so năm 2010) đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Đi đôi với phát triển kinh tế, Yên Dũng cũng tập trung cao cho phát triển văn hóa, đời sống tinh thần cho người dân trong huyện. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển. Nhiều địa phương đã phát triển các hoạt động du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt.

yen dung bac giang khoi sac buc tranh nong thon moi
Nhiều khu đô thị mới mọc lên góp phần thay đổi diện mạo Yên Dũng.

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, các chủ trương, kế hoạch ban hành và đi vào cuộc sống đã tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, mang đến một diện mạo mới cho huyện. Đặc biệt là không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đấy là tinh thần xuyên suốt khi địa phương triển khai thực hiện chương trình. Nhờ đó, diện mạo khu vực từ trung tâm huyện Yên Dũng đến khu dân cư đã có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, đường giao thông nông thôn được xây dựng tạo điều kiện đi lại, giao lưu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tạo đà mạnh mẽ

Với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng nâng cao, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, đóng góp về trí tuệ, công sức và tài chính vào xây dựng nông thôn mới. Việc trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong cách thức triển khai, huy động nguồn lực, chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân, lôi cuốn họ cùng hệ thống chính trị trong toàn huyện cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên; đã phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trên các lĩnh vực công tác ở cấp xã và thôn.

Đến nay đã có 100% xã đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự theo quy định. Sự cố gắng của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, mức đạt tiêu chí nông thôn mới đã tăng lên rõ rệt. Hiện toàn huyện đã có 12/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 thôn đạt chuẩn thôn mới và thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả đã đạt được, huyện Yên Dũng đã rút ra được các bài học kinh nghiệm và mục tiêu, giải pháp cụ thể để hướng đến mục tiêu về đích huyện nông thôn mới.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí của các xã nông thôn mới và 9 tiêu chí huyện mới theo hướng bền vững, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, phấn đấu huyện về đích nông thôn mới vào năm 2021.

Thu Bích - Nguyễn Trường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load