Thứ sáu 26/04/2024 03:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

'Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc'

16:43 | 17/08/2019

 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến xây dựng nông thôn mới.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Ngày 17/8, tại thành phố Vinh, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Ủy ban Nhân dântỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020, định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng gần 600 đại biểu đến từ Thủ đô Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tham dự hội nghị.

Tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng trong xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua. Đây là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả, như: chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định…

Hiện nay khu vực này đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020 (đó là du lịch nông thôn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư, xây dựng mã vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…).

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những những hạn chế, khó khăn, chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt những mục tiêu cao hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng nông thôn mới, với tinh thần: xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có thể dẫn đến sao nhãng công việc. Mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.

Mỗi địa phương phải thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng chất các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, như: nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống ở khu dân cư...

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí quy định hiện hành, đồng thời, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, hướng tới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; tiếp tục có bước đột phá trong ban hành khung chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các xã miền núi, khó khăn tiệm cận với quy định đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới hiện hành.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.

Các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn.

Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế nông thôn, góp phần đưa các tỉnh trong vùng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để đúc rút kinh nghiệm, phát huy hiệu quả nhân rộng toàn quốc.

Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là vùng đất địa linh nhân kiệt với các di tích lịch sử và di tích cách mạnh dày đặc, nơi xuất phát của hầu hết tất cả các triều đại lịch sử của nước Việt, với truyền thống văn hiến nghìn đời cũng như những bãi biển trải dài và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Do vậy, phải đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch nông thôn mới gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển để tạo giá trị lan tỏa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của từng địa phương, từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn, để thực sự được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của các địa phương, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các vùng, các địa phương xung quanh; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng không gian xanh ở nông thôn, nhất là đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa trên các trục đường giao thông thôn, xã.

Phó Thủ tướng đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn sau năm 2020.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, làm rõ nội dung để đưa vào định hướng Chương trình xây dựng nông thôn mới cả nước giai đoạn 2021-2030; tập trung nghiên cứu, đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp xã và cấp huyện, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu hiện tại, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định cụ thể nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Gần 70% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định 10 năm qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo nên tiền đề quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều quyết định trong quá trình triển khai thực hiện nông thôn mới ở cơ sở. Đó cũng là bước chuyển quan trọng để đến nay, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tới gần 70% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước là 50,26%.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp sạch. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của các nước đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết tỉnh có nhiều giải pháp sáng tạo, kiên trì xây dựng nông thôn mới theo 5 nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo; đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất theo thứ tự hợp lý, tránh lãng phí và nợ đọng xây dựng cơ bản; nâng cao dân trí cho người dân, đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, mang bản sắc truyền thống của địa phương, gắn với phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện...

Tại hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các tỉnh trong vùng đã có nhiều tham luận, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thành công, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020./.

Theo Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load