Thứ năm 25/04/2024 18:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Phát triển trái ngọt trên vùng đất cằn

11:45 | 18/07/2019

(Xây dựng) - Từ một vài hộ trồng ban đầu, đến nay, diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch đã tăng lên hơn 100ha, trở thành cây trồng tạo thu nhập ổn định và cao cho người dân địa phương.


Cây thanh long đem lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân.

Lập Thạch là địa phương vùng trung du, miền núi nên không thuận lợi cho canh tác lúa nước, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào trồng cây lấy gỗ và cây sắn là chính. Do đó, thu nhập không cao, không ổn định, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên người dân và chính quyền luôn muốn tìm một loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tạo thu nhập cao cho người dân. Cây thanh long ruột đỏ đã được lựa chọn và phát triển từng bước trở thành thương hiệu của huyện Lập Thạch và tỉnh Vĩnh Phúc. 

Ban đầu, cây thanh long ruột đỏ trồng ở một vài hộ, đến nay, diện tích đã phát triển hơn 100ha. Vân Trục là xã đầu tiên của huyện trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ với diện tích trên 63ha, đời sống người dân có sự chuyển biến rõ rệt, bên cạnh một màu xanh đốm đỏ của thanh long là những ngôi nhà khang trang trên vùng đất khô cằn.

Trong giai đoạn 2011 - 2013, cây thanh long ruột đỏ được phát triển thí điểm tại 3 xã: Vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa của huyện Lập Thạch trên diện tích 100ha. Sau 7 năm thực hiện dự án, cây trồng này đã khẳng định tính ưu việt: Quả có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng nơi khác. Đặc biệt, cây có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn, quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản. Thời gian cây cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể giữ lại trên cây khoảng 20 ngày, sau khi thu hái cũng để được từ 20 - 25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ vậy, trên thị trường, thanh long ruột đỏ dễ dàng tiêu thụ hơn so với các loại quả khác, giá cả ổn định. Do đó, so với cây trồng khác, cây thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập, lợi ích kinh tế cao hơn hẳn, trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 200 – 250 triệu/ha/năm.


Anh Đỗ Văn Nam giới thiệu thành quả tạo ra thanh long ruột đỏ trái vụ của gia đình.

Sau nhiều năm thực hiện dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ, có thể khẳng định, chưa có cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao như cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch. Theo tính toán của các hộ trồng, 1ha thanh long ruột đỏ cho sản lượng 15- 20 tấn/năm, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 250 - 300 triệu đồng/năm.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch: “Quy trình trồng cây thanh long ruột đỏ hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ được ủ hoai mục. Vấn đề sâu bệnh gần như không có nên người dân hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về sản phẩm”.

Ông Hà Văn Quyết - Phó Chủ tịch huyện Lập Thạch cho biết: Cây thanh long ruột đỏ là cây trồng góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện, đem lại thu nhập cao cho người dân. Cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch từ tháng 5 đến 11 âm lịch, thời gian thu hoạch theo từng đợt. Quả thanh long đã được đưa vào các siêu thị và xuất khẩu đi một số nước. Năm 2018, Lập Thạch xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Úc và 20 tấn sang thị trường Hồng Kông. Hiện nay, quả thanh long đang được đưa đi kiểm tra để xuất khẩu sang thị trường Nga”.

Để phát triển thanh long ruột đỏ UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1474 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ tại huyện Lập Thạch.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, Lập Thạch tiếp tục mở rộng trồng cây thanh long theo 2 hướng là cải tạo 100ha trồng thanh long cũ và nhân rộng thêm 200ha, nâng tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ của Lập Thạch lên 300ha. Để thực hiện dự án đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất về hom giống, trồng dặm, trụ bám, phân bón và các chi phí vật liệu, máy thi công, thiết bị hệ thống tưới tiêu. Các mức hỗ trợ được quy định cụ thể: Đối với 200ha trồng mới, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 234 triệu đồng/ha trồng mới năm thứ nhất; hỗ trợ chăm sóc năm thứ 2 là hơn 21 triệu đồng/ha. Đối với việc cải tạo 100ha thanh long đã có, tỉnh hỗ trợ cải tạo năm thứ nhất là hơn 84 triệu đồng/ha; hỗ trợ chăm sóc diện tích cải tạo năm thứ 2 là gần 30 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ 50% máy xới đất cho các hộ sản xuất; hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (Vietgap); in ấn tem nhãn và hộp carton đựng quả thanh long; xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để ổn định về đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Lập Thạch hỗ trợ người dân mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ thông qua việc ký kết với một số doanh nghiệp như: HTX Bình Minh (Bình Xuyên), Siêu thị Co.opmark, Siêu thị Big C, Hội thanh long của huyện... để đưa thanh long vào bán tại các siêu thị và thị trường trong nước. Đồng thời áp dụng đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo cho cây thanh long trái vụ đem lại hiệu quả cao hơn cho người dân, trở thành thương hiệu của huyện Lập Thạch.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load