Thứ sáu 29/03/2024 07:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Huy động hơn 12.800 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

17:06 | 19/11/2019

(Xây dựng) – Là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm triển khai thực hiện, diện mạo nông thôn ở Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.

Vĩnh Phúc: Huy động hơn 12.800 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Đường ngõ xóm được vệ sinh, trang trí tạo cảnh quan tại xã Nghĩa Hưng.

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (năm 2010), Vĩnh Phúc mới có 14 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 80 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí. Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn...

Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân như Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh ban hành 41 Quyết định cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND tỉnh. Cùng với đó, Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức dân cùng tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động được 12.897 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 101 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 7.800 tỷ đồng, nguồn tín dụng trên 3.200 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp trên 150 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 635 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 109/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện, thành phố là: Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, hết tháng 10/2019, có 112/112 xã đạt chuẩn 13 tiêu chí gồm: Quy hoạch, thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh; 111/112 xã đạt 4 tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 110/112 xã đạt 2 tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật...

Việc xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã nằm ngoài vùng nhưng có tốc độ đô thị hóa cao đã chú trọng và thực hiện tốt việc quy hoạch và triển khai thực hiện các điểm, khu dân cư mới có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới trên địa bàn và khu đô thị lân cận. Các xã nằm trong vùng đô thị đã chú trọng công tác cải tạo, mở rộng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, xây dựng khu dân cư theo hướng đô thị. Thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn ngày càng phát triển.

Vĩnh Phúc: Huy động hơn 12.800 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Giao thông nội đồng được bê tông hóa thuận lợi cho người dân đi lại canh tác.

Với nỗ lực để có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2019 và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành các tiêu chí còn thiếu. Đồng thời, tập trung triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều chương trình, đề án, dự án cụ thể nhằm dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động khu vực nông thôn; xây dựng các vùng chuyên canh, các khu chăn nuôi tập trung với những mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống hơn nữa cho người dân khu vực nông thôn.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load