Thứ bảy 20/04/2024 23:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Việt Nam: Cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện quyền trẻ em

12:21 | 14/11/2019

(Xây dựng) – Trong 30 năm qua, Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong việc thực hiện quyền trẻ em, giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mặc dù, trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới xâm phạm quyền trẻ em nhưng các em cũng có những cơ hội mới để thực hiện quyền của mình.

Việt Nam: Cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện quyền trẻ em
Năm 1990, trong chuyến thăm Việt Nam, Đại sứ thiện chí của Unicef, nghệ sỹ diễn viên Audrey Hepburn phân phát sách bài tập do UNICEF cung cấp cho học sinh dân tộc tại tỉnh Hoàng Liên Sơn xa xôi ở miền Bắc Việt Nam. (Ảnh: Unicef.org).

Quyền có tuổi thơ cho mọi trẻ em

Năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em – một bộ luật quốc tế cho trẻ em.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990. Trong suốt 3 thập niên qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước.

Cụ thể, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm ¾. Hơn 7 triệu trẻ em đã được tiêm chủng và tỉ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi. Tỉ lệ trẻ em duy dinh dưỡng thấp còi giảm một nửa. Tỉ lệ người được sử dụng nước sạch tăng gấp đôi.

Các bà mẹ đang đi làm cũng được hưởng các điều kiện tốt hơn để chăm sóc con nhỏ. Luật Lao động năm 2012 đã nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Chính phủ ủng hộ việc tăng cường nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thông qua việc ban hành Nghị định 100/2014/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nghị định đã hạn chế việc quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ em.

Về giáo dục, 95% trẻ em trai và gái nhập học đúng tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học.

Về hành lang pháp lý, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 là một bước tiến bộ về bảo đảm quyền trẻ em với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Trong các điều khoản của Hiến pháp, Luật trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em.

Tuổi thơ hôm nay: Hiểm họa và cơ hội

30 năm qua, những điều được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn có giá trị thực tiễn. Tuy nhiên những thay đổi trên toàn cầu cũng như sự phát triển của công nghệ số, biến đổi của môi trường sống… đã làm thay đổi tuổi thơ của các em. Trẻ em ngày nay phải đối mặt với những mối đe dọa mới xâm phạm quyền trẻ em nhưng các em cũng có những cơ hội mới để thực hiện quyền của mình.

Ngày nay, Chính phủ đã tiến hành nhiều hoạt động mạnh mẽ hơn đẻ đảm bảo trẻ em được sống và phát triển, được bảo vệ khỏi những nguy cơ và được tham gia tích cực hơn vào xã hội. Song vẫn còn nhiều trẻ em không được hưởng tuổi thơ một cách trọn vẹn.

Những vấn đề mới phát sinh

Theo Báo cáo số 475/BC-CP ngày 11/10/2019 về kết quả thực hiện quyền trẻ em và thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em từ khi Luật Trẻ em có hiệu lực, hiện nay, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 2 năm 2017 – 2018 cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3% trong các vụ xâm hại.

Tình trạng mua bán trẻ em diễn ra phức tạp, các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo, thực hiện các hành vi mua bán trẻ em.

Các nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy, trẻ em Việt Nam đã bị bắt nạt và quấy rối trên mạng, tự đặt mình vào nguy hiểm khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng.

Theo Tổ chức y tế thế giới, hàng năm có khoảng 1.000 trẻ dưới 14 tuổi tử vong do các nguyên nhân liên quan đến biến đổi khí hậu, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi. Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến trẻ em ngay khi còn là bào thai trong bụng mẹ, ô nhiễm có thể làm trẻ bị ốm, không đi học được, ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển của trẻ.

Theo báo cáo học sinh ngoài trường học của Việt Nam năm 2017, Unicef Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo, hơn 8% trẻ em từ 11-14 tuổi và gần 30% trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em ngoài trường học. Các em bị thiếu những kỹ năng cần có để có thể tìm kiếm việc làm và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Hiện có gần 6% trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và thêm 10% người trong độ tuổi 5-19 bị thừa cân. Tổng cộng, Việt Nam có khoảng 2 triệu trẻ em và thanh niên bị thừa cân. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu đường loại 2 và bệnh tim (Theo báo cáo tình trạng trẻ em thế giới năm 2019, Unicef).

Đã đến lúc phải hành động: Quyền cho mọi trẻ em

Tại Việt Nam, bảo vệ trẻ em vẫn còn là vấn đề cần hành động mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là Việt Nam cần đẩy mạnh khung pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bao gồm: Nâng cao độ tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em lên 18 tuổi, để các em có thể được hưởng lợi từ hệ thống bảo vệ trẻ em.

Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo lực, trừng phạt thân thể, quấy rối hoặc bất kỳ hình thức khiêu dâm trẻ em hay xâm hại tình dục. Do đó, cần có một hệ thống công tác xã hội mạnh hơn, có thể đảm bảo một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm tại cấp cơ sở, cho đến các dịch vụ chuyển gửi và bảo vệ trẻ em chuyên biệt.

Việt Nam hiện đang đối mặt với “những thách thức ở chặng cuối cùng” trong việc không để lại phía sau bất cứ trẻ em hay người chưa thành niên nào. Để vượt qua thách thức này, cần hành động mạnh mẽ và tăng cường đầu tư hơn nữa để giảm tử vong ở trẻ em và bà mẹ, phòng ngừa và điều trị trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, đẩy mạnh giáo dục chất lượng và hòa nhập…

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load