Thứ năm 25/04/2024 08:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Viện Vật liệu xây dựng: Dấu ấn 50 năm xây dựng và phát triển

14:00 | 04/11/2019

(Xây dựng) - Sau 50 năm xây dựng và phát triển (1969 - 2019), Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có những thành tích đáng tự hào, góp phần vào sự phát triển của ngành Xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng.

vien vat lieu xay dung dau an 50 nam xay dung va phat trien
Tiến sĩ Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng.

Dấu ấn 50 năm

Viện VLXD, tiền thân là Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thiết kế Silicat trực thuộc Tổng cục Hóa chất, được thành lập ngày 04/11/1969. Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, bị chiến tranh tàn phá, nhưng từ năm 1969 - 1973 Viện vẫn hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả như: đã nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ sản xuất ngói xi măng cát để thực hiện chủ trương ngói hóa của Đảng, nghiên cứu chế tạo gạch chịu axit phục vụ xây dựng các nhà máy hóa chất Việt Trì, super phốt phát Lâm Thao, đạm Hà Bắc, dệt Nam Định, dệt 8/3; nghiên cứu chế tạo sứ cách điện cao tần phục vụ ngành điện lực; nghiên cứu công nghệ sản xuất và thiết kế xây dựng nhà máy gạch chịu lửa Tam Tầng - nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa đầu tiên của Việt Nam; thiết kế các nhà máy xi măng lò đứng.

Ngày 16/01/1974, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười ký Quyết định số 108/BXD-TCCB đổi tên Viện Silicat thành Viện Vật liệu xây dựng. Đồng thời, bổ sung thêm một số cán bộ của Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng (nay là Viện Khoa học công nghệ Xây dựng) và Viện Xây dựng công nghiệp (nay là Cty Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị - VCC).

vien vat lieu xay dung dau an 50 nam xay dung va phat trien
Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, bị chiến tranh tàn phá, nhưng Viện Vật liệu xây dựng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.

Giai đoạn 1974 - 1993 là thời kỳ đất nước có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, đất nước hoàn toàn thống nhất và xây dựng đi lên chủ nghĩa xã hội, năm 1986 xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp để chuyển sang phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần. Để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn này, Viện đã có những thay đổi về cơ cấu tổ chức, phát triển lực lượng. Đây là giai đoạn Viện có nhiều đơn vị thành viên nhất và lực lượng cán bộ đông đảo nhất, năm 1978 có 19 đơn vị trực thuộc và tổng số cán bộ của Viện là 529 người. Trong giai đoạn này, Viện đã tiến hành quy hoạch đánh giá về khả năng sử dụng và phân bố sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản theo chất lượng của từng khu vực mỏ, giúp cho Nhà nước và Bộ Xây dựng có kế hoạch đưa vào khai thác trong từng giai đoạn; triển khai chương trình cấp Nhà nước về VLXD 26 - 02; xây dựng quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD ở Việt Nam giai đoạn 1991 - 2000 và quy hoạch VLXD cho các vùng kinh tế, các tỉnh, thành phố; nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất cho các DN ở miền Bắc, như: công nghệ sản xuất gạch tuynel sử dụng than cám, sử dụng đất đồi, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn; sản xuất men và màu cho gạch ceramic và sứ vệ sinh; công nghệ sản xuất gạch chịu lửa kiềm tính, cao nhôm; công nghệ sản xuất kính màu chống nắng, thủy tinh cách điện cho ngành điện lực; công nghệ sản xuất xi măng trắng, xi măng giếng khoan dầu khí; công nghệ sản xuất các vật liệu hữu cơ, phụ gia hóa học cho xi măng, bê tông… Trong giai đoạn này, Viện cũng lập nhiều dự án đầu tư và thiết kế xây dựng nhiều nhà máy sản xuất VLXD trong toàn quốc.

Ngoài các hoạt động khoa học ở trong nước, Viện đã mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ VLXD với nước ngoài, như: Liên Xô, Ấn Độ, Cu ba. Đặc biệt với nước bạn Lào và Campuchia, Viện đã cử chuyên gia giúp đỡ khảo sát, thiết kế, vận hành sản xuất và lập quy hoạch VLXD dài hạn, như: công trình xưởng nghiền clinhker xi măng Viêng Chăn, công trình khai thác và phân loại thạch cao Đồng Hến, công trình thiết kế nhà máy xi măng nhỏ 10.000 tấn/năm cho Lào; khảo sát, lên phương án và lập đơn hàng phục hồi nhà máy xi măng Campot công suất 300.000 tấn/năm cho Campuchia.

vien vat lieu xay dung dau an 50 nam xay dung va phat trien
Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam thường xuyên nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển vật liệu xây dựng mới tại địa bàn các tỉnh phía Nam.

Giai đoạn từ 1994 - 2004 là giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên của ngành công nghiệp nước ta nói chung, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Ngày 05/5/1993, một bộ phận chuyên môn tư vấn thiết kế của Viện VLXD được tách ra để thành lập Cty Tư vấn xây dựng công trình VLXD. Viện VLXD tiếp tục tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất, cơ cấu tổ chức của Viện bao gồm 11 đơn vị chuyên môn và 2 tổ sản xuất thực nghiệm trực thuộc. Giai đoạn này, Viện VLXD đã tiến hành nghiên cứu hàng loạt sản phẩm mới, tiêu biểu là: Xi măng giếng khoan dầu khí theo tiêu chuẩn Mỹ, bê tông chịu lửa thế hệ mới, vật liệu composite chống ăn mòn, cát nghiền thay cát nhân tạo để chế tạo bê tông và vữa. Song song với công tác nghiên cứu các sản phẩm mới, công tác nghiên cứu xử lý môi trường và xây dựng tiêu chuẩn cũng bước sang giai đoạn mới. Viện đã thực hiện xây dựng và chuyển đổi hầu hết các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử VLXD để hội nhập với các tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới như: Tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn Mỹ ASTM, tiêu chuẩn châu Âu và Anh BS EN.

Giai đoạn 2005 cho đến nay, có thể coi là giai đoạn ngành công nghiệp VLXD bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Tổng công suất thiết kế và sản xuất của nhiều loại VLXD của Việt Nam đã đứng trong top 5 đến top 10 thế giới như xi măng, kính xây dựng, vật liệu ốp lát ceramic… đã đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, phát triển đô thị nhanh chóng của đất nước và có một phần VLXD tham gia thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn này, nhất là những năm gần đây, một loạt quy hoạch phát triển ngành do Viện nghiên cứu, xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt, tiêu biểu là: Quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản làm VLXD Việt Nam, Quy hoạch tổng thế phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh đến năm 2020 và các Quy hoạch phát triển VLXD của các địa phương trong toàn quốc. Đồng thời, trước tình hình nhiều nhà máy nhiệt điện, gang thép, phân bón, hóa chất... tồn trữ khối lượng lớn chất thải công nghiệp, Viện đã nghiên cứu xây dựng Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD trong các công trình.

Các hoạt động nghiên cứu phát triển của Viện đã mở rộng hơn ra các lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vật liệu mới, nghiên cứu các công nghệ xử lý, tái chế các chất thải để làm nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất VLXD góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra Viện đã tiếp cận và làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ nano để chế tạo ra nhiều loại vật liệu nhẹ, cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng và vật liệu thông minh…

Các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ của Viện cũng được hình thành và phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường, góp phần đáng kể đến tự chủ tài chính về chi thường xuyên từ năm 2015. Viện VLXD trở thành số rất ít đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ được chi thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ tính năm 2019, Viện đã triển khai thực hiện 63 nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm: 4 nhiệm vụ cấp Nhà nước - chương trình KC.02, 29 đề tài RD, 3 dự án sự nghiệp kinh tế, 8 dự án sự nghiệp môi trường, 18 dự án TCVN và 1 nhiệm vụ soát xét QCVN. Hoạt động sự nghiệp có thu về dịch vụ KHCN năm 2019 tiếp tục phấn đấu tăng trưởng, đảm bảo hỗ trợ tự chủ chi thường xuyên cho Viện và giúp cho thu nhập cán bộ viên chức toàn Viện cao hơn các năm trước.

vien vat lieu xay dung dau an 50 nam xay dung va phat trien
Toàn cảnh Trụ sở chính của Viện Vật liệu xây dựng.

Định hướng tương lai, tạo đà phát triển

Với bề dày thành tích đã đạt được trong 50 qua dưới sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Bộ Xây dựng, cùng sự cống hiến, cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức và người lao động, Viện VLXD tin tưởng sẽ hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, để mỗi một giai đoạn phát triển là một dấu ấn vẻ vang. Lãnh đạo Viện đã đề ra chiến lược phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 với quan điểm phát triển Viện thành một tổ chức KHCN mạnh dựa trên 3 trụ cột chính là: Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo và dịch vụ kỹ thuật (phân tích kiểm nghiệm, tư vấn, dịch vụ khác). Trong đó nghiên cứu khoa học công nghệ là trung tâm, động lực chính để phát triển của Viện. Chiến lược cũng đã đề ra mục tiêu phát triển Viện VLXD thành một Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành về VLXD của Việt Nam, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về VLXD của Bộ Xây dựng, có uy tín trong khu vực ASEAN và trên thế giới, thực hiện nghiên cứu các sản phẩm và công nghệ mang tính chiến lược phục vụ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam, ngày càng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tái chế phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt trong sản xuất, chế tạo VLXD. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới làm tiền đề cho các hoạt động tư vấn, dịch vụ, sản xuất và kinh doanh. Mở rộng phạm vi hoạt động của Viện ra nước ngoài.

50 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, Viện VLXD cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển, đổi mới hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật VLXD với nhiều công trình thiết kế tiêu biểu và thành tựu ứng dụng KHCN nổi bật. Với những đóng góp có ý nghĩa quan trọng cho chiến lược phát triển chung của ngành Xây dựng và nền công nghiệp của đất nước, Viện VLXD đã và sẽ luôn xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực VLXD của Việt Nam.

Phần thưởng cao quý Viện được trao tặng trong 50 năm (1969 - 2019)

1. Các phần thưởng Huân Huy chương

• Huân chương Lao động hạng Ba (1977; 1995).

• Huân chương Lao động hạng Nhì (1982; 1985).

• Huân chương Lao động hạng Nhất (1999).

• Huân chương Độc lập hạng Ba (2004).

• Huân chương Độc lập hạng Nhì (2009).

• Huân chương Độc lập hạng Nhất (2014).

• Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2019).

2. Bằng sáng chế

Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTECH)

• Công nghệ sản xuất xi măng giếng khoan chủng loại G.

• Công nghệ sản xuất gạch chịu lửa cao nhôm.

• Công nghệ sản xuất bê tông chịu lửa ít xi măng.

• Công nghệ sản xuất gạch chịu lửa cao nhôm kết dính alumô phốt phát.

• Công nghệ sản xuất phụ gia siêu dẻo để chế tạo bê tông có độ sụt cao.

• Công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nilon và chất thải hữu cơ.

• Nghiên cứu công nghệ tái chế nhựa PET phế thải để sản xuất một số chế phẩm xây dựng.

• Nghiên cứu chế tạo bê tông chịu lửa không xi măng cho ngành công nghiệp luyện kim.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

• Công nghệ sản xuất xi măng bền sun phát cao chứa Bari (HSCR-B40).

• Công nghệ sản xuất xi măng giếng khoan chủng loại G.

Chứng nhận quyền tác giả

• Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất thủy tinh cách điện cao thế dạng đứng 10, 20, 35KV.

• Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất men trắng đục cho công nghiệp gốm sứ trên cơ sở Silicat Zircon Việt Nam.

• Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất phụ gia dẻo hoa cho bê tông từ dịch kiềm đen của các nhà máy giấy dùng nguyên liệu hỗn hợp.

Bằng độc quyền sáng chế

• Vật liệu gia cố trên cơ sở xi măng.

• Xi măng đa cấu tử bền sun phát và nước biển.

TS Lê Trung Thành
Viện trưởng Viện VLXD

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load