Thứ sáu 29/03/2024 18:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vì sao doanh nghiệp sợ lớn?

15:00 | 26/11/2019

(Xây dựng) - Cuộc cách mạng CN 4.0 đang mở ra cho các DN cách nhìn mới trong sản xuất. Không chỉ phải đầu tư thiết bị, đào tạo nguồn lực để đáp ứng yêu cầu mới của một nền sản xuất công nghệ cao mà còn là xây dựng quản lý DN theo mô hình mới thế nào để theo kịp dòng chảy thời đại?

Vì sao doanh nghiệp sợ lớn?

Mới thấy thực tế luôn chuyển động đòi hỏi phải thay đổi từ tư duy cho đến chiến lược cách làm. Nhiều chính sách cởi mở thông thoáng, những quy định của pháp luật cũng ngày càng rộng mở cho những ý tưởng sáng tạo và khát vọng vươn tới làm giàu!

Ai cũng nhìn rõ: Mở DN giờ đây đã thông thoáng và dễ dàng hơn. Nhưng áp lực với DN lại không hề nhỏ. DN mở ra có phát triển đi lên được không mới là cái đích cần hướng đến. Trong những con số hàng trăm nghìn DN mới ra đời hàng năm, bao nhiêu DN trụ vững phát triển, bao nhiêu DN phải giơ tay “chịu trận”? Mới hay nhiều chủ DN khi khai trương “trống rong cờ mở”, nhưng khi không trụ nổi trước sức ép rát bỏng của cơ chế thị trường, thì “chết” không “lời điếu”.

Ai đó bảo làm giàu không khó? Ai đó còn nhìn DN mơ hồ mà không tỏ rõ những gian nan, những cam go trong bước chân đi vào khởi nghiệp? Cần phải biết DN làm ăn tử tế đàng hoàng, đĩnh đạc tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật chưa bao giờ có thể nói dễ dàng. Dễ là dễ với các DN “sân sau” được o bế, bợ đỡ. Dễ là dễ với các DN trốn thuế như “làm xiếc”, là nhái giả thương hiệu, ăn vào thương hiệu lừa dối người dùng.

Nhiều diễn đàn về DN mở ra mổ xẻ rất mạnh trước câu hỏi: Vì sao DN Việt không chịu lớn, không muốn lớn? Vì sao DN mới thành lập nhiều, nhưng số DN gục ngã cũng không hề ít?

Đã đến lúc cần nói thẳng: Chủ trương quốc gia khởi nghiệp là tư duy sáng, là chiến lược hay, nhưng các bộ ngành và chính quyền 63 tỉnh thành đã thấm chủ trương này ra sao? Thời gian không biết đợi chờ. Nhưng câu chuyện phát triển DN vẫn cứ loay hoay, vẫn cứ nói nhiều, nhưng làm thì còn ít.

Lắng nghe DN, lắng nghe người dân để ban hành chính sách, nhưng vì sao vẫn không ít chính sách, quy định của bộ này ngành kia không đi vào cuộc sống. Nói bứt bỏ hàng trăm, hàng ngàn thủ tục để làm cho DN và người dân nhẹ lòng, mà DN và người dân vẫn kêu, vẫn than trời, thì những bộ ngành “ban ra” chính sách cần soi lại xem. Có không bứt bỏ thủ tục này, thì những thủ tục khác lại “nhô ra”? Có không những hồ sơ văn bản của DN còn bị “ngâm” ở các cục, vụ trung gian quá lâu để cho DN ngửa cổ chờ? Quốc gia khởi nghiệp tạo ra khát vọng mở mang DN, tạo ra bầu không khí cởi mở thoáng đạt cho nhà nhà đi tới sự giàu, nhưng các cơ quan thực thi chính sách lại chần chừ chậm chạp. Vì sao? Đừng đổ cho tư duy bao cấp chưa thoát hết, đừng vin cớ còn quen cách làm “đường xưa lối cũ”, nên bộ máy hành chính còn nặng nề đủng đỉnh chăng?

DN và người dân nói nhiều đến cái sự “bôi trơn”, đến cái sự “xin - cho” đang bó tay các DN mới thành lập và cả những DN đã có bề dày sản xuất kinh doanh. Liệu có còn nhiều DN bị nhũng nhiễu, sách nhiễu không? Cần nhìn thẳng xem trong đạo quân chống tham nhũng có tham nhũng không? Các công bộc nắm giữ quyền uy của các bộ ngành, giữ trọng trách ở các tỉnh thành có mở “sân sau” cho vợ con người nhà, hay có xòe ô chống lưng cho các DN tư nhân nào không? Ngay cả các cơ quan thanh tra cũng cần soi lại đội ngũ của mình đã thật chuẩn chỉ, nghiêm túc trong thi hành công vụ chưa? Thanh tra DN, địa phương có sách nhiễu dọa nạt cơ sở để “làm tiền” không? Vụ công an Đồng Nai tố cáo “sếp trên” bảo kê cho xe sai phạm. Những cú điện thoại “tới lui” bị ghi âm chính là bằng chứng sống cho ba cái trò “o bế, bảo kê” bát nháo với những “ma trận” làm luật làm tiền nghe quá giật mình về hình ảnh rất xấu của cảnh sát giao thông không chỉ ở Đồng Nai đâu.

Thử nghĩ xem: Thanh tra cơ sở, thanh tra DN, kiểm tra giao thông mà như đi “làm tiền” trắng trợn thế nghe thật quá xót xa(?). Mới thấy: Nhiều cán bộ thực thi theo dõi DN không sống bằng lương mà nhăm nhắm vào phong bao phong bì, đủ thấy nỗi truân chuyên của DN đâu dễ nói cùng ai? Đã nghe DN “kêu trời” vì một năm phải đón thanh tra hết đoàn nọ đoàn kia, thời gian đâu để lo sản xuất kinh doanh. Nhiều DN còn sợ ngành thuế, né nể ngành thuế, thì chính ngành thuế cần soi lại chính mình. Nói thu ngân sách vượt mức rất đáng ghi nhận, nhưng liệu đã thu đủ, thu hết, thu đúng chưa? Có không những cái “bắt tay ngầm” của cán bộ thuế với các chủ hộ kinh doanh? Câu chuyện không mấy vui ở An Giang khi cán bộ thuế đem trả lại tiền vay của hộ kinh doanh. Bạc tiền không lớn chỉ 5 triệu đồng, nhưng rõ ràng hình ảnh cán bộ thuế sao có được cái đẹp trong mắt người dân?

Đất nước hội nhập trong thực trạng DN nhỏ và vừa chiếm phần lớn, số DN tầm cỡ không nhiều thì cách quản lý DN thế nào cũng là việc cần bàn. Vì sao DN không chịu lớn, không thể lớn, và không muốn lớn? Trả lời câu hỏi này đâu khác các bộ ngành chính quyền các tỉnh thành phải vi hành cơ sở mới có thể nghe được những “tiếng lòng” của DN.

Quốc gia khởi nghiệp! Chiến lược đầy nhân văn nằm gọn cả trong những ngôn từ đó. Nhưng xem ra nói nhiều tới quốc gia khởi nghiệp, mà thực hiện từ chính các bộ ngành vẫn còn như níu chân nhau. Không thể chỉ nói “khởi nghiệp” như hô khẩu hiệu, mà phải đi vào thực chất từ những chính sách ban ra. Nâng bước các DN, muốn cho DN lớn nhanh trụ vững cần phải có kế sách dài xa. Ngành thuế phải nhìn các DN mới thành lập để nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải kiểu ép thu, cưỡng thu. Ngành ngân hàng phải biết nhìn DN với con mắt cùng đồng hành, chứ không phải với con mắt “tín dụng ban ơn”.

Vừa qua cuộc hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nhằm khuyến khích mô hình kinh doanh mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rất kịp thời. Nhưng sách lược, chiến lược để các DN Việt Nam đón nhận những mô hình DN mới này cũng không ít vấn đề đặt ra. Chủ động hội nhập 4.0 là không thể khác. Nhưng muốn DN sáng tạo thì chính sách phải xây dựng hướng về DN thế nào? Sáng tạo cũng chính là đồng nghĩa với rủi ro. Nếu thành công không nói làm gì. Nhưng nếu không thành công, thì ai nâng bước các DN này đứng lên, chính sách nào giúp họ gượng dậy khi tài sản bạc tiền ném cả vào cái sự “sáng tạo” ấy?

DN đi vào hội nhập 4.0 điều cần nhất chính là đổi mới thể chế, cơ chế. Thể chế không gì khác là minh bạch, là sản xuất kinh doanh trung thực. Cơ chế không gì khác chính là sự công khai trong đầu vào đầu ra, trong giá thành, xuất xứ và chất lượng sản phẩm làm ra. Nhìn về yêu cầu hàng hóa xuất ra các nước, họ đòi hỏi ngày càng chặt chẽ. Không chỉ thị trường Mỹ, châu Âu, mà ngay cả thị trường các nước kề bên cũng khác xa rồi, họ khắt khe về xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Đừng cho rằng EC rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam là họ gây khó, mà phải coi đó là yêu cầu cho sự làm ăn trung thực tử tế của thời mở cửa. Đó chính là yêu cầu tất yếu của thời hội nhập kinh tế, mà các DN Việt muốn đi lên bền vững phải coi đó là cơ hội để tự thay đổi mình.

Ngay trên nghị trường Quốc hội đang họp lại rất nóng chuyện quản lý hộ kinh doanh với nhiều tiếng nói, góc nhìn trái chiều. Hãy nhìn thẳng xem: Hơn 5 triệu hộ kinh doanh cả nước đang làm ăn thế nào? Bà bán nước góc phố thu đồng tiền lẻ, bác xe ôm hay cô bán nắm cơm muối vừng đầu đường thì thu cái gì từ những hộ kinh doanh này? Nói đưa hộ kinh doanh lên DN, thì ngay cả các quán phở, các cửa hàng tạp hóa cũng chả đủ tiền để thuê kế toán, thuê người để đi họp hành khi phường xã mời, lúc quận huyện gọi! Nhưng nhiều hộ kinh doanh lớn hơn vì sao cũng không thích lớn lên thành DN? Vì họ sợ nộp thuế tăng, sợ hết đoàn này đến kiểm tra, đoàn khác ghé thăm. Mà đã thăm, đã ghé lại chả tránh được phong bì dày mỏng “tiễn chân” mới có thể đón nhận những nói cười vui vẻ(?).

Đã phơi ra: Việc khoán thuế cho hộ kinh doanh lại chính là kẽ hở cho cán bộ thuế tiêu cực với thuế “chia đôi”, thuế “băm ba”, Nhà nước đâu có thu được bao nhiêu, có hay đều vào túi riêng hết.

Quốc gia khởi nghiệp đi vào hội nhập dứt khoát các DN phải bình đẳng trên một “sân chơi”! Xây dựng DN thời 4.0, thì chính các DN phải là “hạt nhân” của quá trình chuyển đổi số. Các chính sách từ vĩ mô ban ra phải theo sát thực tiễn. Hơn thế, chính các bộ ngành phải thực sự hiểu rõ việc chuyển đổi số để đi tới kinh tế số và xã hội số là cái đích của một xã hội văn minh. Chỉ khi thực hiện được việc cốt lõi này mới có thể xây dựng được môi trường kinh doanh mới cho những đổi mới sáng tạo trong cộng đồng DN. Khi đó đất nước mới kỳ vọng nhiều DN lớn nhanh, mới không còn tâm thế DN không chịu lớn, không muốn lớn, sợ lớn như hiện nay.

Đổi mới quốc gia sáng tạo hội nhập 4.0 là cơ hội “ngàn vàng”, các DN Việt đừng để vuột tay.

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load