Thứ bảy 20/04/2024 05:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vai trò của nghề playworker trong sân chơi phiêu lưu

23:32 | 19/04/2019

(Xây dựng) – Sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam sẽ ra mắt vào tháng 5/2019 và các playworker (công nhân chơi) sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để phát triển mô hình này.

Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) đang phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản, chủ đầu tư Ecopark và cộng đồng dân cư trong khu vực để xây dựng sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam tại khu đô thị Ecopark. Dự kiến, sân chơi mới có diện tích 400 – 500m2 sẽ ra mắt vào ngày 12/5.

Trong thời gian này, ngoài công việc thiết kế sân chơi, TPG cũng đang tổ chức đào tạo đội ngũ playworker sẽ làm việc tại sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng một playworker sẽ làm những công việc gì trong sân chơi phiêu lưu và những công nhân chơi sẽ có vai trò như thế nào trong công tác vận hành, phát triển mô hình sân chơi mới tại nước ta?


Cuốn sách Playwork, theory and practice viết về công việc chơi đùa cùng trẻ em và nghề công nhân chơi.

Playworker  - Công nhân chơi

Một số nghiên cứu nhận định, người lớn trên khắp thế giới đang trở nên cứng nhắc, độc đoán và tính toán quá mức khi giám sát cách trẻ em sử dụng thời gian rảnh rỗi.

Đáng chú ý, chính quá trình đô thị hóa tất yếu đang chịu một phần trách nhiệm trong chuyện này vì khiến các “sân chơi” trở thành những cấu trúc kim loại khô cứng mà thiếu đi những cảm giác chân thực của một sân chơi tự nhiên gắn liền với cây cỏ, đồng ruộng...

Mặt khác, hoạt động của trẻ nhỏ cũng bị giám sát gắt gao hơn vì phần lớn các bậc phụ huynh đều lo lắng về sự an toàn và nguy cơ bị bắt nạt của con cái.

Nhưng theo đánh giá của nhiều nghiên cứu tâm lý trên thế giới, việc cha mẹ giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ nhỏ chủ yếu vì muốn đo lường kết quả hành động của trẻ và không tin tưởng về khả năng tự học hỏi của trẻ. Nói cách khác, không nhiều bậc phụ huynh sẽ tin rằng con cái của họ có thể tự kiểm soát và định hướng việc chơi đùa.

Nhưng trong tác phẩm “Playwork, theory and practice”, Giáo sư Fraser Brown, một trong những người đầu tiên nghiên cứu về playwork và phát triển nền tảng lý thuyết về nghề playworker đã nhận định, hoạt động chơi đùa cũng cần có “ba yếu tố tự do”.

Trong đó, trẻ em phải được tự lựa chọn cách mà các em muốn chơi, không mất tiền để được chơi, và tự do đi đến bất cứ khi nào các em muốn. Các playworker sẽ chỉ làm những công việc “không phán xét, không định hướng và mang tính phản chiếu”.

Theo định nghĩa của Giáo sư Fraser Brown, playworker là một nhóm người được tập huấn, có khả năng đặt niềm tin vào trẻ em và theo dõi sự tiến bộ trong quá trình học tập của trẻ, đồng thời cũng đóng vai trò quan sát và hỗ trợ các em, nhưng không can thiệp vào cách chơi đùa của trẻ.


Giáo sư Fraser Brown, một trong những người đầu tiên nghiên cứu về playwork và nghề playworker.

Nghề playworker có triển vọng phát triển như thế nào tại Việt Nam?

Trong kế hoạch xây dựng sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp với TPG để tổ chức khóa tập huấn trở thành playworker cho 40 người tại trường Đại học Xây dựng vào ngày 2/4.

Trong hơn 6 giờ tập huấn, các chuyên gia Nhật đã giúp nhiều người hiểu rõ những cách đơn giản để biết lắng nghe vấn đề của một đứa trẻ, thảo luận với trẻ về nguy hiểm cần tránh trong sân chơi và cả lợi ích của những rủi ro mà những đứa trẻ cần có trong một sân chơi phiêu lưu.


Một playworker tại Nhật Bản đang thiết kế thiết bị chơi cho trẻ em trong sân chơi phiêu lưu.

Ở sân chơi phiêu lưu, trẻ em có thể thoái mái chơi đùa dưới sự hướng dẫn và theo dõi của playworker. Việc vận động sẽ giúp cơ thể của trẻ khỏe mạnh hơn, và giảm stress. Nhưng điều quan trọng nhất mà sân chơi phiêu lưu mang lại là trẻ em được làm chính mình tại không gian này.

Sân chơi thông thường vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định và không có sự mới mẻ. Nhưng ở một sân chơi phiêu lưu thì các playworker sẽ giúp trẻ em tự tin hơn và tự giải quyết các vấn đề gặp phải.

Ở một sân chơi thông thường, người lớn sẽ hướng dẫn cho trẻ cách làm để thành công, nhưng các playworker chỉ được đào tạo để quan sát đứa trẻ tự tìm hiểu các vấn đề.


Các playworker chỉ quan sát và hỗ trợ trẻ em trong sân chơi phiêu lưu, nhưng không can thiệp vào cách trẻ chơi đùa.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người sáng lập doanh nghiệp xã hội TPG nhận định: “Việc làm quen với thất bại ở sân chơi phiêu lưu sẽ giúp trẻ em dễ dàng vượt qua các thất bại trong cuộc sống thực tế hơn. Đấy là một trong những điều mà người lớn không thể chỉ dạy cho con cái bằng lời nói”.

Công việc của một playworker khá đa dạng. Họ vừa phải chuẩn bị vật liệu, sắp xếp không gian và chơi với trẻ; vừa phải xử lý các rủi ro sân chơi và làm những công việc để cha mẹ hiểu được giá trị sức khoẻ, tâm lý và cơ hội phát triển sau này đối với mỗi đứa trẻ khi được chơi tự do trong sân chơi phiêu lưu. Vì tính chất công việc đa dạng như vậy nên nghề playworker cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng tổng hợp từ nhiều ngành nghề khác nhau. 

Tuy nhiên, playworker lại không phải là một nghề đáng mơ ước về mặt thu nhập. Một playworker tại châu Âu có thể nhận mức lương hàng chục triệu/tháng, nhưng nghề playworker ở Nhật lại chỉ... đủ sống. Sự khác biệt này phụ thuộc vào Luật lao động và hoàn cảnh phát triển sân chơi ở mỗi nước.


Chuyên gia Hitoshi Shimamura trong buổi tập huấn ở tại Đại học Xây dựng cho các playworker tương lai tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết: “Sự phát triển của sân chơi phiêu lưu sẽ gắn liền với nghề playworker và nhiều thành phố đã không thể xây dựng sân chơi vì không thể tuyển dụng playworker, hay không xin được kinh phí để trả lương cho playworker.

Trước mắt, tôi hy vọng những người đã tham gia khóa tập huấn ở Đại học Xây dựng sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này. Ban đầu, họ có thể làm việc như các tình nguyện viên, còn để playworker thực sự trở thành một nghề tại Việt Nam sẽ là một câu chuyện rất dài. Nhật Bản đã có kinh nghiệm 4 năm, còn mọi chuyện ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu từ con số 0.


Cha mẹ cũng có thể trở thành các playworker trong sân chơi phiêu lưu.

Những playworker đầu tiên có thể là các nhân viên hoạt động xã hội, các tình nguyện viên, một người làm trong ngành giáo dục, hay thậm chí chính là cha mẹ của các em nhỏ. Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào mô hình này, vì đây là một mô hình mở ra những cơ hội để tất cả mọi người cùng đóng góp và tạo ra một giá trị cho xã hội”.

Theo kế hoạch, các chuyên gia Nhật Bản sẽ quay lại Việt Nam vào ngày 12/5 để dự buổi lễ ra mắt sân chơi phiêu lưu đầu tiên tại Ecopark và tổ chức tập huấn cụ thể trên sân chơi.

Hữu Mạnh (Ảnh: Think Playgrounds)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load