Thứ ba 16/04/2024 22:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV: Nghĩ về đất quê, người quê!

15:38 | 22/10/2019

(Xây dựng) - Quốc hội đang họp kỳ thứ 8 với nhiều vấn đề hệ trọng mang tầm vóc quốc gia. Những quyết sách mới, những đổi mới trong xây dựng các đạo luật sẽ càng phải đi thẳng vào thực tiễn nóng bỏng. Những chính sách mới, quy định mới phải bám vào các đạo luật được Quốc hội phê chuẩn, lấy người dân và DN làm trung tâm của mọi sự đổi mới.

truoc ky hop thu 8 quoc hoi khoa xiv nghi ve dat que nguoi que

Một đất nước đi lên từ nông nghiệp, càng phải có cách nghĩ, cách nhìn mới về chiến lược “tam nông”, về đất quê, người quê cả trước mắt, và dài xa… Đất quê - nơi ấy là hơn 60% cô bác đang sinh sống. Đất quê là nơi ai đó cả đời đi xa rồi cũng phải tìm về!

Mới hay: Chiến lược xây dựng nông thôn mới đi rất trúng dòng chảy, bắt trúng lòng dân, nên bức tranh các vùng quê giờ khác hẳn xưa. Nông thôn giờ hiện đại hơn, người quê giờ như cũng sang trọng hơn. Cứ những ngày cuối tuần về bất cứ làng quê nào cũng thấy xe hơi đỗ đầy đường làng.

Nếp sống công nghiệp giờ như cũng ùa về các làng quê một thời chỉ thuần khiết cấy trồng, chăn nuôi. Hãy nhìn xem đường trường trạm trại, nhà văn hóa, trụ sở ủy ban các xã, các huyện nông thôn mới khang trang hơn trước. Nhìn xem điện lưới quốc gia phủ gần kín cả các vùng quê xa nẻo mấy chục năm trước người quê nào dám ước? Đường quê đổ bê tông, hai bên đường, nhiều làng quê trồng hoa thay cỏ dại. Hơn 52% số xã cả nước đạt chuẩn, 2 tỉnh Đồng Nai, Nam Định đi đầu cả nước là tỉnh nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện được vinh danh khen thưởng về thành tích đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo. Đó là ghi nhận về những thành tựu của chiến lược “tam nông” mà Đảng ta quyết tâm chỉ đạo trong suốt những năm qua.

Nông thôn mới đang tạo ra chuyển động mới cho các vùng quê. Nông thôn đẹp, nông thôn sạch, nông thôn bình yên, nông thôn ngày càng giàu lên đang là cái đích phải hướng đến.

Nói kinh tế đất nước tăng trưởng, không thể chỉ nhìn cuộc sống ở các đô thị lớn của các tỉnh thành, mà phải nhìn sâu rộng về các làng quê xem thực chất đời sống cô bác thế nào?

Rõ ràng người quê giờ khác xa xưa. Ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, và nhà cửa cũng khang trang bề thế hơn nhiều. Nhưng trong hàng triệu, triệu gia đình người quê bứt lên nhanh, thì những gia cảnh khó khăn cũng đâu đã hết. Những hộ gia đình còn khó khăn đủ bề này đa phần tập trung ở các tỉnh miền núi xa xôi. Càng thấy chiến lược xóa đói giảm nghèo ở những vùng xa nẻo của đồng bào các dân tộc cần phải có những kế sách, chính sách cụ thể hơn.

Nhìn tổng thể bức tranh các miền quê đang thay đổi từng ngày, ai không vui mừng? Nhưng thời hiện đại, thời hội nhập, thì những mặt trái cũng đã lộ ra. Bên cạnh nhiều vùng quê coi trọng nét đẹp văn hóa, thì vẫn cứ thấy thấp thoáng đó đây những chuyện không như kỳ vọng. Nhiều làng quê đẹp lên, nhiều người quê khá lên, nhưng chất thuần khiết bao đời của đất quê, người quê mà cha ông trao truyền lại, giờ lại như nhạt nhòa mai một. Tình làng xóm “tối lửa tắt đèn” liệu có còn đằm thắm như xưa? Cái đức tính tốt đẹp chân thật, chí tình chí nghĩa có trước có sau, liệu có còn được như xưa? Khi cơ chế thị trường ùa về các vùng quê, khi đồng tiền “lên ngôi” đội cao hơn đầu trong cách nghĩ và cả hành động của một bộ phận, rõ ràng cái chân thành, chân thật, cái chân chất của con người ở các vùng quê cũng đã ít nhiều bị “bay” đi.

Nhìn thẳng và nói thẳng như thế cũng là để hiểu đến tận cốt lõi chiều sâu của làng quê, người quê thời hiện đại.

Nông thôn mới là chiến lược dài xa không có điểm dừng cũng là vì thế. Những xã, huyện tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới hôm nay càng không thể dừng lại để thỏa mãn, để quá lạc quan. Những gì đã làm được cũng chỉ là cái mốc đánh dấu cho một bước đi ban đầu. Phía trước là bao kỳ vọng. Kỳ vọng về kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có quốc sách, kế sách gì để bứt lên nhanh. Kỳ vọng về một nông thôn mới đi vào chiều sâu thực chất trong từng mái nhà quê, từng con người quê. Kỳ vọng về một nông thôn hiện đại đáng sống với những sản vật, sản phẩm, nơi để con người dù đi đâu, làm gì cũng đều hướng trái tim mình về!

Từ chỉ đạo vĩ mô, các bộ ngành, chính quyền các tỉnh thành phải tỏ các vùng quê cả nước đang mong gì, cần gì? Trong tâm khảm người quê, trong khát vọng và trăn trở của lớp trẻ ở các vùng quê, Chính phủ, các bộ ngành liệu đã thấu hiểu người quê nghĩ gì, lớp trẻ quê mơ ước khát vọng gì để có giải pháp, quyết sách bắt trúng lòng người quê chưa? Công ăn việc làm cho lớp trẻ quê sẽ lo toan cách gì? Nét đẹp văn hóa quê sẽ chắt lọc ra sao để hội nhập dài xa, nhưng không làm mất đi cái nét đẹp hồn quê thuần khiết.

Hãy nhìn về các dòng sông đang bị ô nhiễm ngày càng lớn để thấy cô bác đang canh cánh nỗi lo thế nào. Hãy nhìn thẳng vào thực trạng biến đổi khí hậu biển chỗ này sạt, sông chỗ kia lở, rồi lũ quét, lũ ống chả năm nào chịu buông tha, để có kế hoạch đầu tư cho các vùng quê này ứng phó ra sao?

Mới thấy chính sách dành cho nhà nông, cho các vùng quê không ít. Nhưng hiệu quả của các chính sách ấy đã bắt trúng mạch nguồn, đã làm “bật dậy” sức mạnh của người quê, đất quê chưa rất cần phải nhìn lại. Nói giờ phải cho cô bác “cần câu” chứ không cho “con cá”. Nhưng “cần câu” ấy là gì, nếu không phải là đất đai nắm trong tay. Nhà nông không có đất sao có thể gọi là nhà nông? Vậy mà các bộ ngành hãy rà soát lại xem cả nước hiện giờ còn bao nhiêu gia đình nông dân không có đất sinh kế, thậm chí không có cả một miếng đất nhỏ để dựng nhà? Nghe thì có vẻ vô lý, vì bao đời nay ở các vùng quê, con người sinh ra đều sống nhờ từ đất. Đất nuôi người, người nuôi đất đã trở thành chân lý ngàn đời.

Mổ xẻ đến tận cùng như thế, để thấy việc quản lý sử dụng đất đai hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng. Vì sao nhiều người “vác” cả vali tiền đi “săn đất” như đi săn người tình để mở trang trại này, xây tư dinh biệt thự kia rộng vung vinh bạt ngàn quá dễ dàng, quá nhẹ nhàng, mà người quê nhiều người khó có thể kiếm cho mình nổi cái nền nhà?

Giàu - nghèo cái khoảng cách ngày càng cách xa nhau cũng là vì thế. Những chính sách quy định gì từ vĩ mô rất cần phải nhìn lại để “căn chỉnh” cái sự giàu - nghèo đang cách xa nhau quá nhanh này? Hãy nhìn từ việc quy hoạch đất nhà nông để mở mang công nghiệp, đền bù cho người dân đã thỏa đáng chưa? Các khu đô thị mở ra ngày càng nhiều, các “đại gia” DN tư nhân “xông” vào lĩnh vực này giầu ngất ngư lên, nhưng người quê bị thu hồi đất, thì chính quyền áp đặt giá rẻ như bèo đang nghèo khó đi kia? Cũng đất ấy của cô bác sau khi trao vào tay các đại gia DN lại bán với giá trên trời do họ tự đặt ra nghe quá lạ? Nghĩ gì khi có chuyện đất thu hồi vài nghìn mét vuông, nhưng tiền đền bù ấy không đủ để mua cái nền nhà hơn trăm mét vuông ngay trên chính mảnh đất bị thu hồi? Những bức xúc của người quê, những bất bình của người quê chính từ những quy định chính sách “áp” xuống cho người quê bằng uy quyền rất vô lý. Nhìn từ câu chuyện cậy uy quyền làm sai làm trái, làm ngược lòng dân ở khu đô thị Thủ Thiêm không thể không xa xót. Cần rà soát lại những vụ khiếu kiện đông người về đất, mới hay những chuyện quyền uy áp đặt ép dân cũng không chỉ có ở Thủ Thiêm đâu! Phải trong tâm thế người đi khiếu kiện, các ngành chức năng mới có thể thấu tận gan ruột người dân. Những khiếu kiện đông người về quy hoạch đất đai về giá cả đền bù khi bị thu hồi đất phải mổ xẻ vì sao người dân chưa đồng thuận? Người quê không phải “quê mùa” mà không biết những trò “làm xiếc” trong phê duyệt ký tá để lấy đất của người quê đâu. Người quê nhìn rõ mặt các đại gia DN tư nhân bắt tay với chính quyền nơi này, nơi kia móc ngoặc, “đi đêm”, chia chác với nhau thế nào?

Nông thôn mới phải là bức tranh đẹp cả bên ngoài và đẹp cả bên trong. Phải xây dựng được nét đẹp văn hóa làng quê thành “hương ước” kỷ cương.

Trăn trở về người quê, đất quê là chuyện nước sạch, rác thải ở các làng quê giờ ra sao, đã lo đến đâu cũng phải có chiến lược xa dài. Kênh mương, ao hồ lấp hết thì nước thải xả đi đâu. Rác thải quê bây giờ cũng là mối lo không nhỏ. Vậy “chuẩn nông thôn mới” sẽ tiếp tục thế nào trong một quy hoạch tổng thể? Đừng nghĩ là nông thôn mới đẹp lung linh thế, sao cứ nói rác thải, nước thải, cứ bàn đến ô nhiễm môi trường làm gì cho nặng nề. Nông thôn mới phải là nông thôn của sự bình an, nhưng trật tự làng quê thời gian gần đây nhiều vụ việc không thể không giật mình. Mới thấy phải đưa lực lượng công an chính quy về tận các xã trong cả nước, đặc biệt các xã biên cương xa nẻo thế nào? Nông thôn mới phải hướng đến cái đích là người quê sinh kế làm giàu ngay trên đất quê, thì việc làm cho người quê, khởi nghiệp cho lớp trẻ cũng phải thực thi hiệu quả thực chất hơn. Cần nhìn thẳng: Người quê ùn ùn kéo nhau về các đô thị lớn quay ngang quay dọc với đủ nghề cũng đâu phải người quê không còn tha thiết với quê. Cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội từ người quê kéo về phố không thể xem nhẹ. Cũng đã thấy lấp ló những bệnh thành tích, phô trương, bệnh công thần trong xây dựng nông thôn mới. Thế nên nông thôn mới phải đi vào thực chất chiều sâu.

Người quê khát vốn, cần tiền để mở mang khởi nghiệp nghe còn có lý. Nhưng người quê nhiều nơi còn thiếu cả đất để mưu sinh, thì rõ ràng chính sách quản lý đất đai từ vi mô đến vĩ mô phải thẳng thắn nhìn lại.

Chiếc “cần câu” trao cho nhà nông, chính là đất đai, chứ đâu khác nhỉ?!

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load