Thứ sáu 19/04/2024 07:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tranh Đông Hồ: Ước vọng hồi sinh

04:28 | 11/08/2014

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030”, với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Đây được coi là động thái lớn nhằm gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa của dòng tranh quý này.


Các dòng tranh dân gian Đông Hồ

Cả làng chỉ còn 2 nhà làm tranh

Chúng tôi tìm về làng tranh Đông Hồ vào những ngày cuối tháng 7 khi cái nắng chỉ vàng nhẹ, đủ để lấp lánh ngôi làng cổ trầm mặc, thơ mộng và hữu tình đã đi vào thơ của Hoàng Cầm: “Bên kia sông Ðuống/Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trong giấy điệp”...

Trong căn nhà xây theo lối kiến trúc đậm chất Đồng bằng Bắc bộ - nơi đây giờ là Trung tâm Lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ - nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, nghề làm tranh Đông Hồ có từ thế kỷ 16, đến nay đã tồn tại trên 500 năm. Trước năm 1944, dòng tranh này phát triển cực thịnh. Khi đó, cả làng Đông Hồ có 2 nghề chính là vẽ tranh bán Tết và làm vàng mã. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, làng có tới 17 dòng họ cùng làm tranh. Thông thường, từ tháng giêng đến rằm tháng 7 (âm lịch), cả làng làm vàng mã. Nhưng từ tháng 8 đến hết tháng 12 (âm lịch), cả làng lại nhộn nhịp, rộn ràng chuyển sang làm tranh bán Tết.

Tuy nhiên, do sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ, thói quen chơi tranh của người dân, đặc biệt là tác động của kinh tế thị trường và sự xuất hiện của nhiều loại tranh hiện đại…, đã làm cho làng tranh Đông Hồ bị rơi vào quên lãng. Đến nay cả làng chỉ còn 2 gia đình nghệ nhân già làm tranh, các gia đình còn lại đã chuyển hẳn sang làm hàng mã để sinh sống.

Hiện tranh Đông Hồ chủ yếu bán cho khách du lịch, nhưng 2 năm nay, lượng du khách mỗi năm chỉ có vài chục lượt, nên tranh bán ra không nhiều. Tuy nhiên, mỗi năm có hàng ngàn học sinh, sinh viên các trường học trên cả nước về đây xem tranh và học nghề làm tranh Đông Hồ. Điều này đã làm cho những gia đình làm tranh thêm yêu nghề và thấy cần gìn giữ nghề hơn.

Và ước vọng hồi sinh

Với quyết tâm không thể để mất một di sản văn hóa của dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng con cháu đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ trên diện tích 5.500m2.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh Đông Hồ với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Anh Nguyễn Ngọc Chiến- con rể nghệ nhân Nguyên Đăng Chế - hồ hởi: “Chúng tôi rất vui mừng. Đây là cơ hội tốt cho làng tranh Đông Hồ có điều kiện để bảo tồn và phát triển. Bởi từ khi tỉnh có chủ trương phục hồi làng tranh đến nay thì mới đầu tư cho Trung tâm Lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ khoảng 50 triệu đồng, còn đa phần do gia đình tự bỏ vốn”.

Theo ông Nguyễn Văn Phong- Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bắc Ninh, đề án trên sẽ được thực hiện từ năm 2014 đến 2016, bao gồm các hạng mục: Phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ (giai đoạn 2014-2016); xây dựng trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ (2014-2020); xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2014-2016).

Bên cạnh dự án này, Bắc Ninh cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu – chùa Bút Tháp – làng tranh Đông Hồ; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới các trường học và thị trường quốc tế.

Với sự đầu tư, vào cuộc của đông đảo cơ quan chức năng và lòng yêu nghề của người làng tranh, hy vọng một ngày không xa làng tranh Đông Hồ lại tấp nập, rộn ràng như những câu thơ vui vẻ của Tú Xương:“Đì đẹt ngoài sân chàng pháo chuột/Om sòm trên vách bức tranh gà”…

 

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load