Thứ tư 24/04/2024 13:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trăm tỉ chi khống tại dự án điện 500kV: Có thoái thác được trách nhiệm?

14:38 | 25/05/2019

Trong bản báo cáo dài 13 trang mà TCty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) - cơ quan trực tiếp quản lý, điều hành dự án trạm biến áp 500kV Đức Hòa - bị "kể tội" như một đơn vị cứng đầu và quyết làm sai. Vậy liệu EVNNPT có thoái thác được trách nhiệm liên đới?


 Một dự án điện lực của SPMB.

Biến báo, quyết làm sai

Như báo Lao Động đã đưa tin, trong quá trình triển khai dự án Trạm biến áp 500kV Đức Hòa (Long An), đơn vị thay mặt Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, điều hành là Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, theo công văn của ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng Giám đốc EVNNPT gửi EVN để báo cáo về tình hình cung cấp cột thép lô 13.1 &13.2 dự án Trạm biến áp 500kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối cho thấy: Tại dự án này đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng như lập hồ sơ giả chi khống 117 tỷ đồng, báo cáo sai sự thật nhiều vấn đề liên quan đến các hợp đồng; thực hiện hợp đồng năm 2017, 2018 về các dự án…


Báo cáo của EVNNPT gửi EVN cho thấy SPMB quyết làm sai.

 Đặc biệt, bản cáo báo cho thấy SPMB quyết làm sai đến cùng khi viết:

 - Toàn bộ các báo cáo theo quy định như báo cáo tuần, báo cáo trên Hệ thống phần mềm Quản lý ĐTXD, báo cáo hợp đồng vào báo cáo thực hiện hợp đồng năm 2017 và hàng tháng trong năm 2018 về dự án của SPMB đều không báo cáo đúng sự thật.

 - Văn bản SPMB gửi Cty CP Cơ khí và Kết cấu thép Sóc Sơn (TUSSO) có đề nơi nhận là EVNNPT để thay báo cáo nhưng thực tế EVNNPT không nhận được trên hệ thống văn thư và e-office.

 - SPMB đã hoàn thành quá nhanh các hồ sơ thanh toán dẫn đến việc EVNNPT không thể kịp thời phát hiện sự khác thường là SPMB chưa nhận đủ vật tư từ nhà thầu theo hợp đồng.

 - Sau khi phát hiện bất thường, EVNNPT đã có 03 văn bản yêu cầu SPMB báo cáo. Tuy nhiên, SPMB đã không nghiêm túc tuân thủ. Sau khi không nhận được báo cáo theo yêu cầu, EVNNPT đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện các sai sót nêu trên.


Văn bản phản hồi thông tin của SPMB gửi Báo Lao Động.

Liên quan đến sự việc này, ngày 7.5.2019, SPMB cũng đã có văn bản phản hồi thông tin đăng tải trên Báo Lao Động với nội dung khẳng định: Cho đến nay, TUSSO, ông Đoàn Tấn Phong và các cá nhân liên quan đã khắc phục được hậu quả, đã giao cho SPMB toàn bộ 6.649 tấn cột thép theo đúng khối lượng của hợp đồng số 28. Hiện SPMB đang triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.

EVNNPT đã có quyết định đình chỉ chức vụ đối với ông Đoàn Tấn Phong từ 10.4.2019 và đang triển khai các thủ tục để xử lý kỷ luật ông Đoàn Tấn Phong và các cán bộ để xảy ra sai phạm.

Vụ việc cũng đang được Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. SPMB đã cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Cục An ninh kinh tế.

EVNNPT cũng phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư Hà Nội) đặt dấu hỏi về trách nhiệm của TCty Truyền tải điện Quốc gia trong vụ tiêu cực nghiêm trọng.

Luật sư Huế nêu quan điểm: "Với vai trò là Chủ đầu tư được Nhà nước giao cho dự án, quản lý ngân sách, thực hiện triển khai dự án này, thì việc ủy quyền cho SPMB không có nghĩa là EVNNPT xóa bỏ hoàn toàn trách nhiệm".

Bên cạnh đó, theo vị luật sư, Chủ đầu tư phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát và đôn đốc thường xuyên để dự án thực hiện đúng pháp luật, đúng yêu cầu.

"Đặc biệt khi dự án chậm bàn giao từ tháng 4.2018 cho đến tận tháng 12, nghĩa là suốt 8 tháng trôi qua mà EVNNPT mới cho tiến hành thanh, kiểm tra rồi mới phát hiện sự cố rõ ràng cho thấy Chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm. Trong quá trình điều tra, theo tôi, cần làm rõ sự tiếp tay, thông đồng gây thất thoát tiền nhà nước không, đây là dấu hỏi rất lớn.

Ngoài ra, Nghị định 157 của Chính phủ quy định khá rõ ràng về xử lý Đảng viên, cán bộ công chức. Với tư cách là người đứng đầu, các vị trí lãnh đạo tại EVNNPT như Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc và Ban lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả không dính líu đến sai phạm, cũng phải chịu kỷ luật tùy theo mức độ..." - luật sư Nguyễn Danh Huế nói.


Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch EVNNPT và ông Đoàn Tấn Phong - Giám đốc SPMB trong một sự kiện của ngành.

Chung quan điểm, luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh) cũng cho rằng EVNNPT không thể đứng ngoài cuộc trong sai phạm nghiêm trọng này.

Vị luật nói: "Nếu TCty Truyền tải điện Quốc gia giám sát chặt chẽ, sát sao trong từng khâu bước thì SPMB đã không có cơ hội tự tung tự tác, "không" lại báo cáo "có" như vậy được. Rõ ràng phải có ai đó tại EVNNPT chịu trách nhiệm trong vụ việc tiêu cực này".

Vị luật sư đoàn Hà Nội cũng đặt câu hỏi rằng việc một vụ việc sai phạm đã khá rõ ràng, Cơ quan Công an cũng đã vào cuộc nhưng nhiều tháng đã trôi qua, sao đến nay vẫn chưa có quyết định khởi tố để điều tra?

Ở một điễn biến liên quan, trong lần liên hệ mới nhất của PV Báo Lao Động với ông Đoàn Tấn Phong, ông này cho nói đang bị bệnh nên không thể chia sẻ, không bình luận gì về vụ việc.

 

Theo Long Nguyễn/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load