Thứ năm 25/04/2024 15:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

TP Lạng Sơn: Phát triển hạ tầng du lịch và gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa

18:52 | 14/11/2019

(Xây dựng) - Trong thời gian gần đây, với tốc độ phát triển kinh tế vượt trội, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã mang vóc dáng đô thị hiện đại và sôi động. Thu hút khách du lịch thập phương đến thưởng ngoạn, vì vậy việc xây dựng hạ tầng để đáp ứng tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn gìn giữ được các di tích lịch sử văn hóa được TP Lạng Sơn đặc biệt chú trọng.

tp lang son phat trien ha tang du lich va gin giu cac di tich lich su van hoa
Chùa Tam Thanh, một nét kiến trúc độc đáo của TP Lạng Sơn.

TP Lạng Sơn đã mang vóc dáng đô thị hiện đại, sôi động, nhu cầu xây dựng nhà ở của cư dân, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội phát triển mạnh, hình thành nên một đô thị khang trang, hiện đại, năng động. Với tiềm năng dồi dào, nhiều loại hình du lịch phong phú, từ nghỉ dưỡng đến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch tâm linh, du lịch kết hợp mua sắm. Bên cạnh việc lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của miền núi phía Bắc, lôi cuốn du khách trong nước và ngoài nước, TP Lạng Sơn cũng mở ra những cơ chế khuyến khích, mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đã có những phương hướng nhiệm vụ phát triển du lịch với các dự án cụ thể trên địa bàn TP Lạng Sơn: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tà Phủ” TP Lạng Sơn đến năm 2025 tầm nhìn 2030, hội hoa Đào xứ Lạng, Lễ hội Xuân gắn với lễ hội chùa Tam Thanh...

Ðể tiếp tục khai thác hiệu quả và phát triển du lịch tương xứng tiềm năng, chính quyền và ngành Du lịch tỉnh cũng như TP đang tiếp tục nỗ lực xây dựng, tạo điều kiện và môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN du lịch trên địa bàn; không ngừng cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch trong nhân dân cũng như chính quyền, từng bước tăng cường quản lý, thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ du khách.

Để đáp ứng yêu cầu về quản lý, phát triển đô thị, UBND TP đã lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc phục vụ công tác quản lý quy hoạch kiến trúc; đất đai; xây dựng đô thị; sử dụng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự an toàn đô thị, môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng và các hoạt động văn hóa xã hội... làm cơ sở định hướng, quản lý đô thị phát triển theo hướng hiện đại, văn minh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, TP Lạng Sơn đã tập trung xây dựng theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các tuyến đường thảm nhựa nâng cấp mặt đường, xây dựng bó vỉa, lát gạch block vỉa hè, xây dựng cải tạo hệ thống điện trang trí và điện chiếu sáng, trồng cây xanh thảm cỏ, cải tạo hệ thống cấp thoát nước,… Công tác quản lý trật tự lòng lề đường được duy trì bảo đảm đường thông hè thoáng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị, treo cờ trong các ngày lễ, các sự kiện, không che chắn làm mất mỹ quan đường phố; vệ sinh môi trường đường phố được bảo đảm.

Ngoài ra, một số tuyến đường trục chính khu vực nội thành đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh đô thị..., hình thành những tuyến phố văn minh đô thị đóng góp vào cảnh quan chung khu vực nội thành trong đó điển hình như: đường Tam Thanh, đường Trần Đăng Ninh, đường Lê Lợi, đường Lý Thái Tổ, đường Hoàng Diệu...

Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn TP với nhiều công trình, dự án được triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thiện như: Các khu đô thị Phú Lộc, Khu tái định cư và dân cư Nam Thành phố, Khu đô thị Nam Hoàng Đồng, Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu... Cùng với đó, các dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo trụ sở cơ quan; công trình công cộng, công trình giao thông... được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần mang lại diện mạo đô thị khang trang, văn minh, hiện đại.

Trên địa bàn TP hiện nay có nhiều công trình công cộng như: Cung thiếu nhi với quy mô 9.782m2, Trung tâm văn hóa tỉnh quy mô 6.930m2, Công viên Chi Lăng, Thư viện tỉnh, Nhà biểu diễn nghệ thuật, nhà hát… cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vui chơi cho trẻ em cũng như nhân dân trên địa bàn.

TP có 109 di tích lịch sử nằm trong địa bàn, văn hóa và các cơ sở tín ngưỡng dân gian, trong đó có 13 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia (Chùa Thành, Chùa Tiên - Giếng Tiên, Đoàn Thành (Thành cổ Lạng Sơn), Đền Cửa Đông, Đền Cửa Tây, Đền Cửa Bắc, Đền Cửa Nam, Di chỉ núi Phai Vệ, Đền Kỳ Cùng, Đền Tả Phủ, Nhà số 8 phố Chính Cai (nhà lưu niệm Hoàng Văn Thụ) và 7 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh: Đền Vĩnh Trại, Đền mẫu Soài Sơn, Đền Khánh Sơn, Đền Mới, Đền Vua Lê, núi Hang Dê, Đền Mẫu Thoải. Đây là các điểm thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, là điều kiện thuận lợi phát triển ngành thương mại - dịch vụ - du lịch cho TP (trong năm 2017 lượng khách du lịch đến tham quan đạt khoảng 1,7 triệu lượt, thời gian lưu trú tại TP từ 1 - 3 ngày).

Ngoài ra, trên địa bàn TP có nhiều công trình, di tích mang nét kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu cho từng thời kỳ, từng nét văn hóa của người dân miền núi phía Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung như: chùa Thành, chùa Tam Thanh (một trong những di tích thu hút lượng khách đông nhất tại TP), đền Kỳ Cùng, thành nhà Mạc, thành cổ Lạng Sơn… luôn được lãnh đạo TP Lạng Sơn chú trọng gìn giữ và phát huy, để TP Lạng Sơn xứng đáng trở thành vùng đất lịch sử nơi biên giới.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load