Thứ sáu 29/03/2024 17:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

TP Hải Dương: Gìn giữ và phát huy các di tích lịch sử văn hóa

20:27 | 21/10/2019

(Xây dựng) - Thành phố Hải Dương là thủ phủ của tỉnh Hải Dương, nằm trên trục quốc lộ số 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, cách Thủ đô Hà Nội 57km và thành phố cảng Hải Phòng 45km, là nơi hợp lưu của 2 dòng sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt, địa bàn hội tụ các đầu mối giao thông thủy, bộ.


Đền Bảo Sài, TP Hải Dương.

Thành phố Hải Dương có ga xe lửa đi Hà Nội, Hải Phòng; có 3 bến xe ô tô ở phía Bắc, Tây và phía Nam, chở khách đi các huyện, thị và các tỉnh trong cả nước. Phía Đông Nam thành phố có cảng Cống Câu với sức chứa hàng vạn tấn, cập bến được các loại tàu lớn. Từ cảng Cống Câu, tàu có thể đi các tuyến Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh theo các tuyến sông: Thái Bình, sông Luộc, sông Hồng, sông Kẻ Sặt...

Thành phố Hải Dương hiện có 17 phường, 4 xã, diện tích tự nhiên 71,4km2, phía Đông giáp huyện Thanh Hà và một phần huyện Nam Sách; phía Tây giáp huyện Cẩm Giàng; phía Nam giáp 2 huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ, phía Bắc giáp huyện Nam Sách.

Sau khi chiếm được Bắc Hà, năm Gia Long thứ 3 (1804), nhà Nguyễn cho rời lỵ sở dinh Dậu từ Mao Điền về phía Đông, đặt tại ngã ba sông Thái Bình và sống Kẻ Sặt, hình thế đất: “thủy khẩu giao hội - phận làng Hàn (còn gọi là Trấn Hàn). Xung quanh Trấn Hàn có: “sông nước uốn khúc thanh tú, long khí hội tụ”. Tại đây nhà Nguyễn cho xây thành khá kiên cố gọi là thành Đông. Trấn thủ đương nhiệm Trần Công Hiến đã tâu trình vua Gia Long rằng: “xin dựng đồn thủy đô để đóng hương binh mà phòng sự hoãn cấp”.

Thành Đông lúc này là vị trí quân sự để “bảo vệ cho chốn bang kỳ”, là phên dậu của quốc gia. Thành xây dựng theo thiết kế của kỹ sư quân sự Pháp (Vauban). Trong vòng 80 năm (từ 1804 đến 1883) xung quanh Thành Đông phát triển thành một đô thị sầm uất, phía Đông phát triển mạnh thành khu Đông Kiều Phố, có chợ Hàn Giang nổi tiếng trong vùng, hình thành các phố nghề như: phố Hàng Giầy, phố Hàng Bạc, phố Hàng Đồng và phố Hàng Lọng.

Đông Kiều phố hình thành các Giáp: Đông Thuần, Đông Giang, Đông Quan, Đông Mỹ, Đông Thị, Đông Hòa, Đông Kiều, Đông Môn... Đa số các Giáp đều có đình, chùa giống như các làng, xã của Việt Nam. Đến nay, vẫn còn lưu giữ được một số di tích như: Đình Đông Kiều, đình Đông Thị, chùa Đông Thuần, chùa Phong Hanh, đình, chùa Bảo Sài, chùa Linh Thông, đình Đinh Văn Tả... Tuy nhiên đa số các di tích diện tích còn lại rất nhỏ hẹp.


Đền Sượt tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương.

Thành Đông thời đó có:

Thành Hoàng Miếu là miếu thờ thần giữ thành.

Xã Tắc Miếu là miếu thờ các thần gió, thần mây, thần sấm, thần mưa và thần Cao môi (vị thần chủ việc sinh đẻ, để tế cầu tự).

Sơn Xuyên Miếu là miếu thờ thần núi, thần sông.

Tiên Nông Miếu là miếu thờ thần bảo vệ mùa màng, hoa màu đem lại sự trù phú, ấm no cho nhân dân.

Năm 1889, Pháp phá Thành Đông lấy địa điểm xây nhà máy rượu. Năm 1923, Pháp xây dựng đô thị Hải Dương thành thành phố Hải Dương. Từ đó nhiều di tích lịch sử như đình, đền, miếu, chùa, tháp... dần dần bị hủy hoại.

Thành phố Hải Dương ngày nay, sau nhiều lần mở rộng, diện tích đã lớn gấp trên 70 lần so với lúc đầu. Các xã trước đây thuộc huyện Nam Sách, Gia Lộc, Cẩm Giàng là những địa hạt lâu đời có nhiều di tích lịch sử - văn hóa rất quý giá tồn tại trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trên 200 năm qua, do thời gian, thời tiết hủy hoại, chiến tranh tàn pha, nhiều di tích đã bị pha tán thật là đáng tiếc.

Tiếp thu tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại, ngành VHTT&TT đã chủ động, tích cực tham mưu giúp UBND thành phố tổ chức thực hiện nghị quyết, khơi dậy truyền thống văn hiến của xứ Đông. Do vậy, nhiều di tích đã được khôi phục, tái tạo, duy tu, tôn tạo và phục dựng, giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa để lại. Đến nay, toàn thành phố đã phục dựng, tôn tạo và tiến hành xét duyệt công nhận được 11 di tích cấp quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh, vẫn còn lại 170 di tích chưa được xét duyệt công nhận, trong đó có 32 ngôi đình, 49 ngôi chùa, 19 ngôi miếu, 21 ngôi đền, 2 nghè và 36 nhà thờ họ....


Đình Đinh Văn Tả tại phường Quang Trung, TP Hải Dương.

1 - Đền, Miếu là loại hình kiến trúc đạo giáo và tín ngưỡng dân gian có sớm từ thời dựng nước (từ trước CN) để thờ thần, thánh và những người có công với nước, với dân. Thống kê sơ bộ, thành phố Hải Dương nay vẫn còn 22 ngôi đền, 19 ngôi miếu như: Khu di tích đình, đền, chùa Bảo Sài có đền thờ Tiên Dung công chúa con gái vua Hùng Vương thứ 18. Thiên tình sử về nàng Tiên Dung công chúa kết duyên cùng chàng trai nghèo Chử Đồng Tử trở thành một trong “Tứ bất tử” còn lưu truyền đến nay. Xung quanh đền hiện nay vẫn còn hàng trăm gia đình họ Chử sinh sống.

2 - Chùa, tháp là loại hình kiến trúc Phật giáo để thờ Phật. Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin, hiện nay toàn thành phố có 58 ngôi chùa trong đó có nhiều tháp. Từ cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3, Phật giáo đã truyền vào nước ta theo hai đường là từ phía Bắc xuống do các nhà sư Trung Quốc và từ phía Nam lên theo các nhà sư Ấn Độ. Xứ Đông là nơi đầu tiên Phật giáo đã du nhập.

Các nhà sư Thiên Trúc theo thuyền buôn đi men theo đường biển, lợi dụng gió mùa định kỳ hàng năm, ngẫu nhiên thuyền vào dãy núi Đồ Sơn có hang động, sẵn nước ngọt, động thực vật dồi dào, đông dân đánh cá, làm muối. Đảo Đồ Sơn lại không xa đất liền. Vì vậy, Nê Lê Đồ Sơn là cái nôi đầu tiên tiếp thụ đạo Phật.

Từ Nê Lê theo đường sông, thuyền lên Luy Lâu, trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội xứ Giao Châu thời Bắc thuộc. Từ những luận cứ nêu trên có thể suy ra Phật giáo được truyền vào xứ Đông bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ hai, đầu thế kỷ thứ ba và từ đó có thể có kiến trúc chùa để thờ Phật.

Từ thế kỷ thứ IV, Phật giáo thâm nhập và phát triển dần vào nước ta, do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, có điều đáng chú ý là: Mặc dù Phật giáo Trung Hoa gồm 10 tôn phái, mà chỉ có Thiền Tôn là được truyền vào Việt Nam trước hết và nhanh nhất. Về thời gian là thời kỳ hậu Lý Nam Đế. Đến thời Đinh và Tiền Lê (969-1009) đạo Phật được tiến phát rất nhiều, trở thành độc tôn. Tất cả nền chính trị - văn hóa trong nước phần lớn đều thuộc hàng tăng sĩ.

Bấy giờ, trong điều kiện chưa có tầng lớp quan lại được tuyển chọn từ môi trường đào tạo Hán học, trình độ học vấn của Hoàng Đế và các đại thần, còn hạn chế, chủ trương sử dụng nhân tài trong giới tăng sĩ và đạo sĩ của triều đại Đinh và Tiền Lê là rất đắc dụng. Trong triều chính thì ngài Ngô Chân Lưu làm đến chức Khuông Việt thái sư. Trong giới tăng sĩ: Pháp sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân uy nghi.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã trọng dụng, tạo điều kiện để cả Phật giáo và Đạo giáo cùng phát triển. Dòng thiền Vô Ngôn Thông phát triển, đi sâu vào đời sống nhân dân. Đình, chùa Thụy Trà ở Thượng Đạt xuất hiện từ thời Đinh thờ danh tướng Phạm Công Hòa giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Chùa Kỳ Đà thôn Vũ Thượng, phường Ái Quốc được xây dựng vào thời Tiền Lê.

Thời Lý - Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV), sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi, ngài cho rời đô ra thành Đại La và xuống chiếu: hương ấp nơi nào có chùa quán đổ nát phải sửa chữa. Độ cho dân làm sư. Các đời vua Lý tiếp theo đều quan tâm ưu ái tới Phật giáo. Lý Thánh Tông (1054 - 1072) vừa là vị vua anh minh vừa là thế hệ thứ nhất của dòng thiền Thảo Đường. Nhiều bậc cao tăng tham gia chính sự như các thiền sư Vạn Hạnh, Đa Bảo, Viên Chiếu… Giáo lý của Phật giáo trở thành hệ tư tưởng chủ yếu của nhà nước Đại Việt thời Lý.

Chùa thời Lý thường chỉ thờ một tượng Phật. Tượng có vẻ mặt trầm tư, phi phàm mà tượng các thời sau khó có thể có được, nhưng vẫn thể hiện rõ chức năng của mình, quy chuẩn và nghiêm túc theo kinh điển Đại Thừa.

Dưới thời Lý, số lượng chùa tháp nhà nước xây dựng khá lớn và quy mô khác nhau, có cả tài sản và điền nộ. Tập trung nhiều ở vùng phủ Thiên Đức (Bắc Ninh), Hà Nam, Hà Đông, Hưng Yên và thành Thăng Long. Trong khi đó, ở Hải Dương lúc bấy giờ lại có nhiều chùa do nhân dân xây dựng. Thành phố Hải Dương có chùa Vạn Phúc thôn Phúc Duyên, phường Hải Tân làm từ thời Lý Anh Tông thế kỷ XII. Chùa Sùng Phúc, khu Tứ Thông, phường Tứ Minh xây dựng từ đầu thời Lý, thế kỷ XI.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên tôn tạo quy mô lớn vào thế kỷ thứ XVII, chùa bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp, nay đã được tái tạo khá hoàn chỉnh với nhiều hiện vật có giá trị trong đó có tấm bia từ năm Cảnh tri thứ 3 (1665).

Nhà Trần nối nghiệp nhà Lý, thừa hưởng về mọi phương diện, cả những di sản quý báu nhà Lý đã xây dựng trên hai thế kỷ. Trong dân chúng, đạo Phật đã thấm nhuần sâu xa, đâu đâu cũng có chùa, có tượng Phật để phật tử sùng bái. Vị Vua đầu thời Trần là Trần Thái Tông, ngài thông hiểu và sùng mộ Phật giáo, cho xây dựng thêm, bồi bổ nhiều chùa tháp mới, cho tạc tượng Phật thờ rộng rãi tại các đình trạm, do vậy trong khoảng 50 năm đầu là thời kỳ thịnh phát. Ngài đã lo việc truyền bá đạo Phật bằng cách cho lập chùa, đúc chuông và hộ trì Phật, Pháp, Tăng.

Vua Trần Nhân Tông (1278-1293) là vị vua thứ 3 của nhà Trần, sau khi đánh bại Đế quốc Nguyên Mông ngài đã truyền ngôi cho con rồi xuất gia tu hành tại vùng núi Yên Tử, sáng lập và trở thành sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm. Ngài cùng đoàn sứ giả du hành các nơi để hoằng pháp, bố thí và khuyên mọi người phá bỏ các miếu thờ (dâm thần) hướng tâm vào làm “thập thiện”.

Xứ Đông xưa bao gồm cả Hải Dương, Đông Triều, Quảng Yên, Hải Phòng là nơi khởi phát đạo Phật Việt Nam cũng là địa bàn hoằng pháp trọng yếu của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Các chùa tháp được xây dựng vào thời kỳ này có ở khắp các huyện trong tỉnh. Ở thành phố Hải Dương này còn các chùa: Chùa Hương Hải khu Đồng Hòa, phường Ái Quốc được xây dựng từ thời Trần với quy mô lớn. Đến năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) chúa Trịnh Giang cho trùng tu khá khang trang. Chùa bị Pháp phá năm 1949, năm 1990, nhân dân địa phương đã góp công, của tái tạo qui mô nhỏ.

Chùa Phúc Quang ở thôn Phú Lương, xã Nam Đồng được xây dựng từ thời Trần, trùng tu đầu thế kỷ XVII, nay còn nhiều bia ký có giá trị.

Chùa Đống Cao (chùa Sếu) thôn Khuê Liễu, xã Tân Hưng được xây dựng từ thời Trần. Năm Giáp Thìn (1304) Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, trong chuyến du hóa tại Hải Dương, ngài đã khuyến hóa dân “cải từ vị tự”. Nay chùa trở thành trường Trung cấp Phật học của tỉnh.

Thời kỳ nhà Hồ, nhà Lê, nhà Mạc, Tây Sơn và nhà Nguyễn: Phật giáo tuy không được thịnh hành như thời Lý - Trần, bị Nho giáo và Đạo giáo cạnh tranh, lấn lướt nhưng do Phật giáo đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống nhân dân nên chùa tháp vẫn được nhân dân ta duy trì thờ cúng, tôn tạo, bảo tôn. Nhiều chùa tháp vẫn được nhân dân ta duy tu, phục dựng vào thời nhà Hồ, nhà Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn đến nay vẫn còn lưu truyền lại.

Năm 1461, mặc dù vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cấm xây dựng thêm chùa mới nhưng ở Hải Dương, một số nơi vẫn xây chùa, dựng tháp. Triệu Mạc (1527-1592) Phật giáo lại có điều kiện hàng khởi. Khắp vùng Hải Dương trở thành Dương Kinh rộng lớn, chùa chiền mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên, vì là chùa do dân xây dựng nên chùa, Phật thời Mạc không to lớn, hoành tráng mà ẩn mình kín đáo. Kiến trúc chùa vẫn đúng theo truyền thông, có đủ tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu đường, hành lang... trên Phật điện có đủ bộ tượng Tam thế, Tây phương tam thánh...

Triều Nguyễn: Vua Gia Long chăm lo tổ chức bộ máy cai trị dựa vào Nho giáo, hạn chế xây dựng chùa chiền ở làng xã. Tuy nhiên, đến các đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Phật giáo vẫn được xây thêm chùa tháp. Nhiều chùa xây dựng trước đây bị xuống cấp nay đều được phục dựng, tôn tạo lại trong đó có chùa còn tồn tại đến ngày nay.

Ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về việc phải bảo tồn các di tích lịch sử. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá, thời gian hủy hoại, xã hội biến cải... mà nhiều di tích bị pha tán, xuống cấp. Từ ngày Đảng ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, hệ thống chùa tháp được tái tạo, duy tu, nâng cấp ngày càng khang trang tố hảo.

Tại thành phố Hải Dương, hầu như tất cả các chùa đều được bổ sung, tôn tạo, làm mới: Chùa Đông Thuần, chùa Phong Hanh, chùa Linh Thông, chùa Vạn Phúc Tự, chùa Linh Sơn vạn Phúc Tự... đều được nâng cao lên 2-3 tầng với số tiền đầu tư đến hàng chục tỷ đồng do phật tử hưng công đóng góp.

3 - Đình xuất hiện từ thời Trần. Đại Việt sử ký toàn thư trang 13 tập 2 ghi: “Năm Tân Mão, Kiến Trung thứ 7 (1231), Thượng Hoàng Trần Thái Tông xuống chiếu rằng: Trong nước hễ chỗ nào có “đình trạm” đều phải đắp tượng Phật để thờ. Như vậy, các cung trạm giao thông vận tải đã xuất hiện từ rất sớm ngay khi xuất hiện đường. Nguyên do vì nước ta ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng bức nên trên đường dài phải làm “đình trạm” cho người đi đường nghỉ chân, cũng là nơi thợ sửa đường cư ngụ để bảo dưỡng đường sá thường xuyên. Sau chiếu của vua Trần Thái Tông, các “đình trạm biến thành nơi thờ Phật, cũng là nơi dừng chân của khách đi đường.

Có thể nói, lịch sử nước Việt Nam ta, nơi nào có người Việt tụ cư thành làng xã, phố phường thì nơi đó có đình. Thông lệ, mỗi làng xưa có 1 ngôi đình (những làng lớn hoặc giàu có có thể có tới 2 hoặc 3 ngôi đình). Từ thế kỷ XV, đình không còn chức năng thờ Phật như trước, mà là nơi thờ Thành Hoàng. Đình không phụ thuộc vào một tôn giáo nào. Thành Hoàng thờ tại đình là biểu trưng cho thần quyền của cư dân làng xã, là long cốt qui tụ yếu tố quan trọng giữ gìn sự trường tồn của làng xã Việt Nam.

Các dòng họ, các tín đồ tôn giáo khác đều phải phục tùng các qui ước của làng xã. Đình thể hiện uy quyền, quyền lực của chính quyền địa phương, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của làng xã. Do vậy, về vị trí ở mỗi làng xã, thường bố trí địa điểm của đình, chùa là: “tiền Thần hậu Phật”.

Về mặt chính trị: Đình là trụ sở hành chính của làng xã, hầu hết các công việc của chính quyền cơ sở đều được giải quyết tại đình (tương tự như trụ sở của UBND phường, xã hiện nay).

Về văn hóa: Đình làng là trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì thuần phong mỹ tục của làng xã. Vì vậy, cư dân làng xã dành cho đình làng cơ sở vật chất tốt nhất, đình trở thành công trình kiến trúc lớn nhất, đẹp và hoành tráng nhất làng xã.

Về kiến trúc: Vùng châu thổ sông Hồng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có gió mùa, nắng và nóng, mưa và gió bão chi phối cuộc sống của con người. Mọi làng xóm núp mình dưới bóng cây xanh tốt quanh năm, hồ ao trong làng cùng với cây xanh và mặt nước đã làm dịu khí nóng, tạo ra những luồng không khí chuyển động làm thoáng mát. Cây xanh và mặt nước đã không bao giờ tách khỏi đời sống chúng ta. Cây xanh và mặt nước đã là bạn đồng hành không bao giờ xa nhau trong nền kiến trúc dân tộc, từ nhà cửa đến các công trình kiến trúc thờ phụng như đình, đền, miếu, chùa tháp.

Tuy nhiên, gió, mưa, bão tố cũng là những yếu tố chi phối nền kiến trúc dân gian. Đình, đền, chùa, miếu, nhà cửa đều không cao, tường xây vững chắc, kiên cố; cột cái, cột quân, kèo chịu lực liên kết vững chãi, mái lợp chống nắng nóng, chống bức xạ nhiệt của ánh nắng mặt trời; hệ thống cửa thông gió giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè...

Về vật liệu xây dựng: Người Việt từ thời tiền sử đến nay đã biết tự túc vật liệu xây dựng bằng nguyên liệu sẵn có xung quanh ta.

Gạch xây có thể có từ thời dựng nước: Ngành khảo cổ học đã phát hiện tại thôn Đông Quan, xã Tân Hưng, ngôi mộ cổ có niên đại thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Đây là ngôi mộ thuyền còn khá nguyên vẹn, di vật trong đó có 12 giáo đồng, 5 đồ gốm thô không có hoa văn màu vàng xám, được tạo tác trên bàn xoay, bình miệng ngắn, dẹt, có tai, được nung đột với nhiệt lượng cao. Ngành khảo cổ đã khai quật ngôi mộ 3 vòm cuốn ở Đống Dom phường Ái Quốc được xây bằng loại gạch hình múi bưởi có trang trí hoa văn ở mặt bên và được nung đốt rất kỹ. Gạch có kích thước 20x40x5cm sản xuất năm 130 sau CN (sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng 100 năm). Gạch xây ngôi mộ có 3 vòm cuốn dưới nền chùa Quỳnh Khâu, thôn Cương Xã xã Tân Hưng có kích thước 20x40x (5-6) hình múi bưởi, trang trí hoa văn hình nan rá.

Nguyên liệu làm gạch là đất sét, nung ở nhiệt độ cao. Các công trình kiến trúc phần lớn xây bằng gạch đất sét nung.

Ngói cũng được sản xuất cùng với gạch và ngày càng cải tiến nhiều mẫu mã đẹp. Thời Lý - Trần đã nung được những viên ngói tròn và ngói mỏng, ngói chiều dày 1,5cm đến 2cm, cạnh dài tới 36,5cm hay 41cm. Ngói đỏ, đanh mặt, không vênh, kỹ thuật nung đốt cao.

Chất kết dính: Người xưa sản xuất chất kết dính trong xây dựng để xây tường, lát nền, đắp vẽ hình “lưỡng long chầu nguyệt” trên nóc, mái đình, đền, chùa, miếu, hình đầu rồng, phượng trên tàu dao mái cong vút của các ngôi đình, miếu, nghè, chùa... Chất kết dính đó được làm bằng cách: Dùng ốc văn đốt thành than luyện với nhựa cây dè dót, vội vỏ sò trộn với mật nhào kỹ tạo thành một chất vữa kết dính khá bền chắc, không dễ đập dập vỡ. Người ven biển dùng vội vỏ sò, vỏ hến, rây kỹ thành một loại bột, trộn với cát, mật mía, giấy bản ngâm hay rơm nếp vò nát cùng luyện với nhựa lá cây bời lời.

Có địa phương dùng cơm nếp trộn với gạch non tán nhỏ rây kỹ cùng với lá khoai luyện thành một thứ vữa gọi là sơn nam dùng để gắn chặt mạch áo quan. Cũng có địa phương quen dùng cơm nếp nát nấu với nhựa thông làm chất kết dính bền chắc. Gần đây mới dùng vôi trộn với cát và ngày nay dùng cát trộn với xi măng và dùng bê tông cốt sắt thời hiện đại.

Loại vật liệu thông thường nhất là tre và gỗ. Nông thôn ta xưa và nay vẫn dùng gỗ xoan trồng ở quanh nhà, tre tự trồng vừa làm dậu, làm hàng rào vừa để làm vật liệu xây dựng. Cây xoan, trừ cành và ngọn còn thì được dùng triệt để để làm từ cột đến xà ngang, xà thượng, giá chiêng của vì kèo các nhà 3 hoặc 5 gian. Xoan chống mối mọt tốt nhờ chất nhựa chát cho nên từ ngàn đời qua, nhân dân ta vẫn ưa chuộng và tự túc gỗ xoan.

Ngoài gỗ xoan, tre và họ nhà tre được dùng phổ biến để chế tạo từ cột nhà đến đòn tay và rui mè. Tre làm nhà thường được ngâm 1 năm trong bùn nước để chống mối mọt. Những công trình lớn của cộng đồng như: đền, miếu, chùa, đình... thường dùng gỗ tứ thiết như đinh, lim, sến, táu có độ bền cao.

Từ những vật liệu xây dựng như: tre, gỗ, gạch, ngói, chất kết dính, người xưa đã định hình qui cách xây dựng thông qua cái “thước tầm” kỳ diệu, tạo thành những ngôi nhà, đền, miếu, chùa tháp, đình... vừa bền vững, vừa chống được gió bão, ngăn chặn được nắng nóng oi ả của mùa hè. Cái “thước tầm” hay “rui mực” chính là một qui chuẩn về tỷ lệ mà thông qua đó nối liền tất cả các loại nhà vào một mối, một qui cách thống nhất. Trước hết, người thợ cả xác định ba đơn vị độ dài theo ba chiều không gian để xác định ngôi nhà, kích thước toàn bộ vì kèo, cột, xà, kẻ là ba bộ phận chủ yếu của kiến trúc.

Yêu cầu duy nhất của thợ cả đối với khách hàng là chủ nhà định lòng nhà (tức chiều ngang) và số gian nhà tính bằng thước. Người thợ cả chia lòng nhà ra làm một số đơn vị, thường là lấy số chẵn, thí dụ 18 đơn vị, môi đơn vị 10 tấc. Đơn vị này gọi là “khoảng ngang” coi như một mức chuẩn để tính chiều dài các xà nằm theo chiều ngang. Khoảng ngang 10 tấc vạch trên thước của thợ gọi là “thước vuông”  hình chữ L. Kiểu nhà lợp ngói thường chia ba lấy hai phần khoảng ngang để làm đơn vị đo chiều cao gọi là “khoảng đứng” được vạch vào cạnh thứ hai của “thước vuông”. Cạnh thứ ba đo được bao nhiêu là độ dài của “khoảng chảy” làm đơn vị xác định chiều dài của mái nhà.

Vị trí các cột của vì kèo được xác định bằng “khoảng ngang” theo công thức quy định. Nếu nhà có hiên thì cột hiên cách cột con độ 4 hay 5 khoảng. Nếu không có hiên thì ở đầu cột thường có cái “bẩy” đỡ “tàu mái”. “Bẩy” được tính hai khoảng kể từ tim cột tới đầu “bẩy”... Thợ cả lấy cây tre bổ dọc gọi là “thước tầm” hay “rui mực” ghi chiều dài của các cột theo số lượng khoảng đứng vào một dòng “rui mực”. Còn số lượng khoảng ngang tính từ tim các cột và số lượng khoảng chảy tính từ dạ tàu tới nóc mái thì ghi vào mặt cột của “rui mực”.

Vị trí của các hoành là do khoảng chảy quyết định... Do tỷ lệ thước tầm mà đa số các công trình xây dựng đình, miếu, chùa, đền ở nước ta đều không cao. Người ta chú trọng độ bền của công trình như tường xây, mái lợp, sức chịu tải của hệ thống cột, tác dụng chống bão, gió, chống bức xạ của ánh nắng mặt trời, độ thông gió, làm mát...

Làm nhà xong, “thước tầm” được gác lên gian giữa sát nóc nhà để làm chuẩn. Khi cần thay một cột hay xà nào bị mọt, chỉ cần xem kích thước được ghi theo ký hiệu qui định là đã có thể làm mới bộ phận thay thế. Cũng có thể tháo dỡ ngôi nhà, cả đình, miếu... di chuyển đến chỗ khác rồi lại lắp đặt như cũ nhờ có “thước tầm” kỳ diệu này.

Sách “Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sử Việt Nam” đã tổng kết: “Tác phẩm tiêu biểu của kỹ thuật dân gian và nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam là những xóm làng ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã là những nhà ba gian hai chái và ngôi đình làng rất quen thuộc”.

Kiến trúc đền, miếu, chùa, quán, nghè, đình... được cộng đồng dân cư đầu tư nhiều công sức, tiền của, xây dựng trở thành kiến trúc tiêu biểu, nổi bật của làng xã. Thợ làm những công trình quan trọng này phải là những tốn thợ chuyên nghiệp, ngoài khả năng “bào trơn đóng bén”còn phải có tay nghề cao, điêu luyện về chạm khắc gỗ.

Những linh vật như: Long, ly, quy. phượng, thảo mộc quí như tùng, cúc, trúc, mai; hình ảnh bốn mùa như: Xuân, hạ, thu, đông, những bức chạm “long ngư hý thủy”; “trúc hóa long”, “mai điêu”... được các nghệ nhân tài hoa thể hiện sinh động trang trí ở đình, đền, chùa, miếu... là đặc trưng cho lối kiến trúc đặc biệt của dân tộc Việt Nam ta.

Ngày nay, vật liệu xây dựng được thay thế từ gỗ truyền thống bằng xi măng cốt thép thì nghệ thuật chạm khắc gỗ cũng được thay thế bằng kỹ thuật đắp vẽ rất tài tình của các nghệ nhân.

Về kiểu dáng: Đa số miếu, đền, nhà thờ họ, chùa, nghè, đình đều làm theo kiểu chữ định: thống kê sơ bộ toàn thành phố Hải Dương hiện nay có 58 ngôi chùa và 58 ngôi đình thì có 48 ngôi chùa và 50 ngôi đình làm theo kiểu chủ định. Số còn lại làm theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, chữ quốc, chữ công. Cấu tạo ngôi chùa thường có nhà tiền đường và tòa thượng điện (dân gian gọi là chuôi vồ). Thượng điện xây từ thấp lên cao, trên cao nhất là tượng Phật tam thế, cuối cùng thấp nhất là tòa cửu long. Tiền đường có tượng hộ pháp và đức thánh hiền.

Miếu, đền, đình, nhà thờ họ, nghe thường có bái đường và hậu cung (hậu cung dân gian thường gọi là chuỗi vồ). Bái đường thường có 3 hoặc 5 gian rộng, hậu cung là cung cấm, phần quan trọng nhất của tín ngưỡng, thường để bày long ngai, khám hoặc tượng thần, thành hoàng.

Với vật liệu: gỗ làm cột cái, cột quân chịu lực, gạch xây tường chịu lực chống gió bão, ngói lợp mái chống nóng, chống bức xạ của ánh nắng mặt trời, các kỹ sư xây dựng cho rằng độ bền của công trình chỉ có thể chịu đựng được trên, dưới 100 năm (cũng có công trình bền vững đến vài trăm năm như hiện nay có ngôi đình Tràng Kênh, thành phố Hải Phòng đã tồn tại trên 300 năm mà vẫn còn bền vững nguyên như cũ).

Ngày nay, với vật liệu là xi măng cốt sắt thì sức chịu đựng, độ bền của công trình có thể kéo dài hơn. Do vậy, các công trình đền, miếu, chùa, đình... từ trước đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo lại. Hầu hết các công trình làm từ thời Lê về trước đều không còn. Một số ít công trình làm từ thời Nguyễn còn lại đến nay.

Bùi Dương Nghĩa
Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin, TP Hải Dương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Mộc Châu (Sơn La): Độc đáo Lễ hội Cầu mưa năm 2024

    (Xây dựng) – Cầu mưa là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm được người Thái trắng, xã Mường Sang tổ chức vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đồng thời, giáo dục thế hệ con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.

  • “Tây Ninh – Khúc hát tự hào” sẽ được tổ chức vào ngày 30/3/2024

    (Xây dựng) - Hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật quy mô với màn trình diễn 3D mapping và pháo hoa tầm cao kéo dài 15 phút tại Quảng trường Ga đi cáp treo núi Bà Đen. Hãy tới Tây Ninh cuối tuần này để dâng đăng, ngắm pháo hoa, xem trình diễn nghệ thuật với công nghệ 3D mapping.

  • Bắc Ninh có 2 đô thị di sản

    (Xây dựng) – Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tỉnh Bắc Ninh có 2 đô thị di sản nằm chuỗi đô thị di sản vùng Thủ đô gồm: Luy Lâu (thị xã Thuận Thành) và Vũ Ninh (thị xã Quế Võ) cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

  • Sửa chữa một số hạng mục Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Điện Biên vừa ký ban hành Quyết định số 464/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Sửa chữa một số hạng mục Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2025.

  • Chùa Đậu – Đệ nhất danh lam và bí ẩn nhục thân bất hoại của hai vị thiền sư

    Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) được công nhận hai kỷ lục quốc gia: Là nơi có tượng nhục thân đầu tiên ở Việt Nam và sở hữu cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ xưa nhất Việt Nam.

  • Mường La (Sơn La): Đặc sắc Lễ hội Nàng Han

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền về tín ngưỡng tâm linh, thể hiện lòng biết ơn tới vị tướng anh hùng Nàng Han có công đánh đuổi giặc, giúp bản làng có cuộc sống bình yên. Xã Mường Trai (Sơn La) vừa long trọng tổ chức Lễ hội Nàng Han năm 2024, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Xem thêm
  • Thanh Hóa: Điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lăng miếu Triệu Tường tại xã Hà Long

    (Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng vừa ký và ban hành Quyết định số 1108/QĐ-UBND, về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2).

    20:58 | 25/03/2024
  • Khai hội chùa Bổ Đà - Ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc

    (Xây dựng) – Ngày 24/3, UBND thị xã Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà và Liên hoan Dân ca quan họ năm 2024. Chùa Bổ Đà được coi là ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016.

    08:23 | 25/03/2024
  • Tinh hoa ẩm thực Bình Định

    (Xây dựng) - 54 gian hàng với những tinh hoa ẩm thực tiêu biểu, đặc sắc của Bình Định đã được giới thiệu đến công chúng tại khu vực Thi Nai Bay, thành phố Quy Nhơn. Lễ hội đem đến những trải nghiệm mới lạ và thú vị đối với người dân, những tín đồ ẩm thực trong nước và khách quốc tế.

    14:37 | 24/03/2024
  • Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Thìn 2024

    (Xây dựng) – Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 24–27/3 (tức ngày 15-17/2 âm lịch). Đến thời điểm này, huyện Tam Đảo và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, công tác tổ chức khai mac lễ hội cơ bản hoàn thành, đảm bảo lễ hội diễn ra đúng nghi lễ, an toàn, mang đậm nét văn hóa trên hành trình đến với Phật, về với Mẫu.

    22:51 | 23/03/2024
  • Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 4

    (Xây dựng) - Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024 sẽ tạo ra các sự kiện, điểm nhấn nhằm quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, hướng tới trở thành hoạt động thường niên góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các tỉnh thành trong cả nước.

    08:57 | 23/03/2024
  • Hơn 30 gian hàng tại Hội thi Ẩm thực “Nha Trang xưa và nay”

    (Xây dựng) - Ngày 22/3, tại công viên Yến Phi, đường Trần Phú, UBND thành phố Nha Trang tổ chức Hội thi Ẩm thực “Nha Trang xưa và nay”. Đây là 1 trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924-2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (22/4/2009-22/4/2024).

    22:55 | 22/03/2024
  • Xây dựng và lan tỏa giá trị tranh dân gian Đông Hồ

    (Xây dựng) - Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá được nhân dân làng Đông Hồ (nay là khu phố Đông Khê, phường Song Hồ) sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ; từng bức tranh đã thể hiện sinh động về xã hội nông nghiệp Việt cổ xưa cùng phong tục, tập quán, thẩm mỹ của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

    14:06 | 22/03/2024
  • Lưu giữ giá trị kiến trúc độc đáo của người Nùng ở Bắc Giang

    (Xây dựng) - Là một bản làng nhỏ, nằm nép mình bên những sườn đồi quanh năm xanh mát, bản cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) được biết đến với những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất - một nét kiến trúc độc đáo của người dân tộc Nùng.

    20:52 | 21/03/2024
  • Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc cầu ngói Phát Diệm hơn trăm năm tuổi

    (Xây dựng) – Cầu ngói Phát Diệm, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) bắc qua sông Ân có tuổi đời trên trăm năm có lối kiến trúc độc đáo, là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và cũng là nơi gắn liền với hình ảnh đất và con người vùng biển Kim Sơn.

    19:43 | 21/03/2024
  • Trà Vinh: Vận động xây dựng Khu lưu niệm “Vua vọng cổ” Viễn Châu

    (Xây dựng) - Sáng 21/3, Ban Vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm cố Soạn giả - NSND Viễn Châu (Ban Vận động) tổ chức cuộc họp. Theo Ban vận động, khu lưu niệm dự kiến xây dựng với diện tích 11.300m2 đất tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải.

    16:12 | 21/03/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load