Thứ ba 16/04/2024 22:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thừa Thiên - Huế: Kiến nghị công nhận đô thị có tính chất đặc thù về di sản

21:56 | 18/11/2019

(Xây dựng) - Hội nghị góp ý xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế thành đô thị có tính chất đặc thù về di sản và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối với Viện Kiến trúc quốc gia - Bộ Xây dựng tổ chức.

thua thien hue kien nghi cong nhan do thi co tinh chat dac thu ve di san
Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị nhằm lựa chọn phương án đề nghị công nhận đô thị Thừa Thiên - Huế thành đô thị di sản, hay đô thị có tính chất đặc thù về di sản. Để xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với điều kiện hiện nay của thành phố Huế, có thể đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, công nhận Huế là đô thị di sản, bằng xây dựng bộ tiêu chí, đề xuất công nhận đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản. Xây dựng các tiêu chí đặc thù cho đô thị Thừa Thiên - Huế trong việc đề nghị công nhận là đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Phương án 2, đề xuất đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản. Đề xuất bổ sung tiêu chí đô thị đặc thù về di sản trong Nghị quyết 1210 để áp dụng cho đô thị Thừa Thiên - Huế.

Với phương án 1, việc công nhận Huế là đô thị di sản trực thuộc Trung ương là phương án thuận tiện trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ trong việc phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên phương án này phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Đồng thời phải xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản cho từng loại đô thị.

Đối với phương án 2, đề xuất đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản là phương án khả thi, ít tác động đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện theo phương án này sẽ tiết kiệm được thời gian và nguồn lực thực hiện. Việc lựa chọn phương án thực hiện là nội dung quan trọng để triển khai các bước tiếp theo đồng thời tạo sự nhất quán trong các công tác tuyên truyền, báo cáo các cấp thẩm quyền liên quan để xem xét, quyết định.

Kết quả nghiên cứu về tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù về di sản, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế hiện có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 5 di sản thuộc về 1 triều đại (triều Nguyễn), lại đủ cả 3 loại hình (vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu). Ngoài ra, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong đó có 16 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô, 6 thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh. Di tích cấp quốc gia có đến 87 di tích, trong đó có 1 làng di sản (làng cổ Phước Tích), 79 di tích cấp tỉnh; có 2 di sản phi vật thể cấp quốc gia (Ca Huế và Dệt Dèng - A Lưới), có hơn 500 lễ hội, có hàng chục làng nghề thủ công truyền thống, có nghệ thuật ẩm thực phong phú với hàng nghìn món ăn cung đình và dân gian nổi tiếng... Có nhiều bảo tàng với các sưu tập cổ vật phong phú, trong đó có 8 nhóm hiện vật gồm 32 cổ vật đã xếp hạng bảo vật quốc gia…

Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu mét vuông, bao trùm lên toàn bộ diện tích của thành phố Huế cùng với 4 huyện và thị xã lân cận. Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Cố đô Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á.

Bên cạnh kiến trúc đặc trưng về các công trình cung đình, lăng mộ, Huế còn lưu giữ được các kiến trúc nhà rường, nhà vườn truyền thống. Đô thị Thừa Thiên - Huế thể hiện sự kết hợp hài hòa, nên thơ giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của vùng đất sông Hương núi Ngự. Đô thị Thừa Thiên - Huế lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: Ca Huế, Lễ hội văn hóa, ẩm thực, trang phục…

Công tác quản lý, bảo tồn di sản, so với các cố đô khác của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật mang đặc trưng kiến trúc cung đình Nguyễn đầu thế kỷ XIX, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đình tạ, lăng tẩm, phủ đệ…

Để đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như Viện Kiến trúc quốc gia đã đề xuất, trong đó tập trung vào các vấn đề: Chọn lựa phương án đề xuất với Trung ương công nhận Thừa Thiên - Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản; nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù về di sản; đề xuất Quốc hội bổ sung tiêu chí xác định đô thị có tính chất đặc thù về di sản và bổ sung quy định: “Đối với đô thị có tính chất đặc thù di sản thì tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí khác phải đảm bảo mức quy định của loại đô thị tương ứng”; lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế với phạm vi ranh giới toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm cơ sở để đầu tư phát triển đô thị và làm cơ sở để đánh giá phân loại đô thị; lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị để thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng khắc phục các tiêu chí còn thiếu, còn yếu về phân loại đô thị; đề xuất với Trung ương các cơ chế chính sách đặc thù để quản lý, bảo tồn di sản và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load