Thứ năm 25/04/2024 01:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn Quốc hội

20:59 | 08/11/2019

(Xây dựng) – Chiều 8/11, tiếp tục chương trình làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

thu tuong nguyen xuan phuc dang dan tai quoc hoi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn Quốc hội (Ảnh: VGP).

Yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Tài nguyên nước 2012

Trả lời các Đại biểu về vấn đề nước sạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội nước ta thông qua, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua chúng ta đã biết trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch, tôi rất lưy ý vấn đề này, tôi yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 của Thủ tướng ngày 22/12/2016, tôi cũng nhất trí đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đã tăng cường chỉ đạo các cấp, kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước

Trả lời Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về vấn đề kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước chúng ta xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt với lĩnh vực kinh tế tư nhân, lần này chúng ta có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Chúng ta vui mừng về việc Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân, các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân, đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó”.

Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ: Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Chúng ta vui mừng khi có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế vừa qua. Đặc biệt các tập đoàn này đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển. Đảng, Nhà nước chúng ta hoan nghênh vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian vừa qua và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ, nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy. Chúng ta không hề phân biệt giữa kinh tế tư nhân và Nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tính toán lại GDP là điều cần thiết

Trả lời các Đại biểu về vấn đề quy mô GDP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu chúng ta tính theo quy mô GDP mới thì sẽ tăng 25,5%. Hiện nay chúng ta đã trên 267 tỷ USD, tính mới theo số này chỉ là trên 310 tỷ USD.

“Tôi xin nói ngay, cách tính này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không tính ngay bây giờ. Cho nên, không phải vì bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Tất cả số liệu đưa ra hôm nay là số liệu cũ, chưa tính số liệu mới. Ngay các Văn kiện Đại hội Đảng chúng tôi đã cùng đóng góp thì đều tính số liệu cũ, chưa tính số liệu mới. Việc tăng GDP là thông lệ quốc tế, nước mình cũng như các nước định kỳ một số thời gian đánh giá lại quy mô GDP. Cách đánh giá của chúng ta là công khai, minh bạch theo đúng quy định quốc tế, nhất là trong quá trình tính toán GDP chúng ta đã mời Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF, đại diện Liên hiệp quốc cùng thảo luận, cùng đánh, cùng giá xác định quy mô GDP Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Thủ tướng cũng chia sẻ: Quy mô GDP tính nâng lên, chưa tính kinh tế ngầm, chưa tính kinh tế chính thức, trước hết là 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính, rồi một số hộ, các hộ cá thể chưa tính hết. Cho nên nền kinh tế của chúng ta còn bỏ sót rất lớn về quy mô trong khi các nước họ mua một cái ốc vít, một que tăm đều có hóa đơn chứng từ, còn chúng ta thậm chí mua xe máy, mua tivi… đều không có chứng từ. Trong tính toán chúng ta bỏ sót rất nhiều và chính sách thất thu về thuế rất lớn…

“Tôi xin nói đấy là cái công khai, còn cái ngầm khác là chưa tính. Cho nên việc tính toán lại GDP là điều rất cần thiết và đây cũng là thông lệ quốc tế bình thường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh kinh tế ban đêm

Trả lời về vấn đề kinh tế ban đêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với vấn đề lớn này.

Theo Thủ tướng, kinh tế ban đêm là một sự năng động của kinh tế trong bối cảnh mới của quốc tế, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Chúng ta biết rằng khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay ít nhất là 18 triệu lượt. Phần lớn là trái múi giờ. Khi chúng ta đi ngủ, khách du lịch bắt đầu đi chơi. Như vậy, chúng ta không có thời cơ để mà phục vụ, cung cấp những hiểu biết về văn hóa ẩm thực, khai thác các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ở Việt Nam. Chính vì vậy, có thể thấy, kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động.

“Chính vì vậy, trước hết, tôi mong các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển tốt kinh tế ban đêm, chúng ta đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cần làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách ở lâu hơn? Làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách kể về những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam? Nhất là về ban đêm, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Thủ tướng cũng lưu ý, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái của nó. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm, nhưng một số nước, nhất là khu vực châu Á cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra...

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load