Thứ bảy 20/04/2024 05:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thơ Lục Bát với di sản văn hóa dân tộc

20:26 | 05/09/2019

(Xây dựng) – Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, ngày 4/9, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với di sản văn hóa dân tộc”, cùng với nhiều nghi thức đặc trưng được duy trì đã 11 năm liên tục của Ngày hội.

Lễ dâng thơ.

Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019 có sự tham gia của đại diện gần 30 CLB thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước như: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Nhà thơ Hữu Thỉnh (cầm sách) dự Hội Thơ lục bát 2019, bên phải ông là nhà thơ Đặng Vương Hưng.

Qua hơn 11 năm hoạt động, Lục Bát Việt Nam là website cộng đồng duy nhất ở nước ta đã chủ trì việc phối hợp với một số cơ quan báo chí – truyền thông tổ chức Ngày hội Lục Bát hằng năm, với quy mô toàn quốc, bằng kinh phí xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng; với 2 Kỷ lục Quốc gia được xác lập năm 2018: Tổ chức Ngày hội Lục Bát nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018) và bộ sách “Lộc Phát” - Thơ Lục Bát tự chọn 10 tập được phát hành trong nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018). Đặc biệt, website còn thiết lập được một thư viện độc đáo và đặc sắc về Lục Bát, với hàng ngàn tác giả và hàng vạn sáng tác mới; cùng hàng trăm bài viết mang tính nghiên cứu, bảo tồn và phát huy thơ Lục Bát.

Ấn phẩm dùng để phát lộc trong Ngày hội Lục Bát năm nay là Tập thơ Lộc Phát Kỷ Hợi – 2019, do Kỷ lục gia, Nhà thơ Trương Nam Chi chủ biên, đã thu hút được gần 300 tác phẩm của hơn 150 tác giả. Nhiều người trong số họ là những gương mặt quen thuộc đã hàng chục năm nay trong chuyên mục “Lục Bát mỗi ngày” của website Lục Bát Việt Nam. Nhưng cũng có những tên tuổi hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện trong tập thơ “Lộc Phát”, bởi họ chỉ mới biết đến ấn phẩm độc đáo này, khi tham gia Nhóm cộng đồng Thơ Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook. Nhưng dù là tác giả quen thuộc hay mới mẻ, khi đã có tên trong cuốn “Lộc Phát” năm nay, thì tất cả đều xứng đáng được tri ân, bởi họ đã tự nguyện góp phần trí tuệ và công sức để vinh danh Lục Bát - thể thơ mang hồn của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời truyền lại.

Cuốn thơ Lộc Phát Kỷ Hợi – 2019.

Tại khuôn khổ Ngày hội, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, gợi ý nên thành lập Hội thơ Lục Bát Việt Nam hoặc Trung tâm về thơ Lục Bát Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Và trong thời gian tới, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ trình lên UNESCO công nhận thơ Lục Bát là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chủ biên cuốn Lộc Phát Kỷ Hợi – 20019, nhà thơ Trương Nam Chi chụp ảnh cùng nhà thơ Hạ Ly (Báo Xây dựng).

Nhiều người đánh giá thơ Lục Bát chính là hồn cốt, là quốc thi của dân tộc. Trải qua thời gian, những tác phẩm Lục Bát kinh điển như: “Truyện Kiều”; “Tống Trân Cúc Hoa”; “Phạm Tải Ngọc Hoa”; “Thạch Sanh”… không những khẳng định được giá trị của mình mà còn cho thấy sức sống lâu bền cùng dân tộc, tựa hồ như ngôn ngữ của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã cho công bố tập thơ Lục Bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 – 2017).

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load