Thứ sáu 29/03/2024 09:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thị trường bất động sản Hà Nội cuối năm: Ghi nhận những thông tin tích cực

11:47 | 17/10/2019

(Xây dựng) - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Savills Việt Nam họp báo về thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2019 với nhiều thông tin khả quan.

Savills họp báo công bố nghiên cứu bất động sản Hà Nội quý III/2019 tại trụ sở.

Căn hộ hạng B dẫn dắt thị trường

Thị trường căn hộ Hà Nội được chú ý trong thời điểm này. Theo nhận định của Savills, trong quý III/2019, có 11 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 9 dự án cung cấp khoảng 8.100 căn, tăng 23% theo quý. Nguồn cung vẫn chủ yếu tập trung ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Từ Liêm.

Nhu cầu về căn hộ hạng B vẫn rất lớn.

Căn hộ hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 67% thị phần. Gia Lâm và Long Biên dẫn đầu số lượng căn bán. Giá bán sơ cấp tăng với mức giá toàn thị trường tăng 1% theo quý và 3% theo năm. Hạng A có mức tăng giá theo năm cao nhất đạt 18% phần lớn do mức giá bán cao của các dự án mới tung bán. Khu vực phía Đông có số lượng căn bán được cao nhất trong quý với 40% thị phần.

Dự kiến, trong quý IV/2019, khoảng 15.800 căn hộ từ 10 dự án hiện tại và tương lai sẽ được mở bán. Nguồn cung tương lai mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Các huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ cung cấp tổng cộng 30% nguồn cung tương lai. Từ năm 2020 trở đi, các chủ đầu tư nước ngoài bao gồm Sumitomo, CapitaLand và Mitsubishi Corporation sẽ bắt đầu tung bán các dự án.

Giá thuê văn phòng tiếp tục tăng

Ở thị trường văn phòng, Savills ghi nhận nguồn cung hạng A, B tăng mạnh trong quý III. Theo đó, tổng nguồn cung khoảng 1,8 triệu m2 từ 6 dự án mới, hầu hết thuộc hạng B (56%), theo sau là hạng A (36%). Các dự án mới nằm tại khu vực nội thành và phía Tây. Phía Tây chào đón dự án hạng A đầu tiên sau 5 năm. Giá thuê văn phòng trung bình tiếp tục tăng. Phân khúc hạng B và khu vực phía Tây ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất.

Phân khúc hạng B và khu vực phía Tây ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất.

Trong 9 tháng năm 2019, diện tích cho thuê thêm đạt 107.000 m2 và tích cực trên tất cả các hạng. Hà Nội có 20.562 doanh nghiệp mới, tăng 9% theo năm, với số vốn là 263,8 nghìn tỷ, tăng 28% theo năm. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (70%) và nhỏ (29%); tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ dự kiến ngày càng tăng sẽ thúc đẩy nguồn cầu đối với không gian văn phòng quy mô nhỏ và sáng tạo. Co-working đang ngày càng phổ biến với nhiều thương hiệu khác nhau như: Regus, Up, Toong, Cogo, Tiktak, CEO Suite, Dreamplex và WeWork.

Đến cuối năm 2021, Savills nhận định nguồn cung văn phòng mới khoảng 205.000 m2 dự kiến sẽ gia nhập thị trường chủ yếu ở nội thành. Các quận Ba Đình và Đống Đa đang dần được coi là khu kinh tế chính với nhiều các tòa nhà văn phòng lớn và hiện đại. Nhờ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống tàu điện ngầm và các tuyến đường chính, khả năng kết nối với các khu vực thương mại khác (Trung tâm và phía Tây), khu vực này đang chứng kiến nguồn cung tiện ích ngày càng tăng như: Dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, tập thể thao và các dịch vụ hỗ trợ khác. Khu vực Trung tâm không kỳ vọng thêm dự án nào mới trong tương lai gần.

Căn hộ cho thuê hạng A tăng

Ở thị trường căn hộ dịch vụ thì căn hộ hạng A và dự án thương hiệu vẫn dẫn dắt thị trường. Thị trường cung cấp tổng cộng 4.330 căn. Số căn cho thuê thêm của hạng A tăng mạnh nhất trong khi số căn cho thuê của hạng hạng B và C giảm. Giá thuê trung bình tăng 4% theo quý và mức công suất cao tại 84%. Trong hạng A, giá thuê của những dự án có thương hiệu cao hơn 19% so với những dự án còn lại.

Căn hộ hạng A vẫn chiếm ưu thế.

Nằm trong xu hướng căn hộ nhỏ gọn, tỷ trọng căn studio và 1 phòng ngủ tăng mạnh từ 16% vào năm 1996 lên 46% trong quý III/2019. Khách thuê không chỉ là các chuyên gia nước ngoài và thương nhân cấp cao với nhu cầu thuê lâu dài mà còn cá thể doanh nhân/MICE/khách du lịch với nhu cầu ở ngắn hạn. Nhờ hợp tác với các đại lý du lịch trực tuyến, hơn 90% các nhà quản lý căn hộ dịch vụ đáp ứng nhu cầu thuê theo tháng và theo ngày thay vì hợp đồng năm.

Trong 9 tháng năm 2019, Hà Nội tiếp tục giữ sức hút mạnh mẽ với 6,1 tỷ USD, chiếm 23% lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đăng ký vào Việt Nam. Trong khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra, Việt Nam tăng hạng từ thứ 23 lên thứ 8 về thu hút đầu tư, theo bảng xếp hạng Best Countries to Invest In 2019 bởi U.S. New và World Report. Bên cạnh khách thuê Nhật Bản và Hàn Quốc truyền thống, nhu cầu từ lượng chuyên gia nước ngoài châu Á từ Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc có thể tăng mạnh.

Sắp tới, 4 dự án lớn với xấp xỉ 1.000 căn sẵn sàng hoạt động vào quý IV/2019. Trong đó, ba đơn vị quản lý có thương hiệu hiện diện tại Tây Hồ và một dự án tại Hai Bà Trưng. Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm không ghi nhận nguồn cung tương lai do quỹ đất khan hiếm.

Thông tin từ Savills cho biết, theeo chỉ số kinh tế vĩ mô thì tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 7%, cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến và chế tạo dẫn dắt nền kinh tế với mức tăng trưởng 11% theo năm và tăng trưởng ngành dịch vụ (bao gồm bán buôn và bán lẻ tăng trưởng 8% theo năm)

Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 190 tỷ USD, giúp cho cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Tổng vốn FDI bao gồm vốn đăng ký mới, tăng vốn, góp vốn và mua cổ phần (M&A) trong 9 tháng đầu năm đạt 15,7 tỷ USD, giảm -20% theo năm. Tuy nhiên, tổng vốn FDI thực hiện tăng 7% theo năm và đạt mức 14 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất về nguồn vốn FDI vào Việt Nam, trong khi đó, ngành công nghiệp chế tạo và chế biến thu hút nhiều vốn FDI nhất.

CPI được kiểm soát tốt dưới mức 3%, trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục xu hướng tăng và đạt mức 12,8 triệu lượt khách, tăng 11% theo năm.

 

Hà Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load