Thứ năm 28/03/2024 19:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thị phần bán lẻ ngân hàng: Bánh ngon không dễ tiêu hóa

19:22 | 06/03/2016

Cả ngân hàng và công ty tài chính đang chạy đua giành “miếng bánh” trên thị phần bán lẻ. Đây là “miếng bánh” ngon, song cũng không dễ tiêu hóa.

Bùng nổ tín dụng tiêu dùng

Vài năm gần đây, văn hóa tiêu dùng của người dân đã dần thay đổi, với số người dân vay vốn để chi tiêu ngày càng nhiều hơn. Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, trong 5 năm qua, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng 6 lần.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho hay, tại Mỹ, tỷ lệ vay tiêu dùng chiếm tới 75%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này còn rất thấp và dư nợ cho vay tiêu dùng cũng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ.

Dù vậy, vay tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên. Ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng dịch vụ FPT Retail cho hay, khách hàng vay trả góp mua sản phẩm điện tử của công ty đã tăng mạnh trong năm qua. Năm 2015, có tới 30% doanh thu của Công ty đến từ khách hàng vay trả góp.

Trên thực tế, tín dụng tiêu dùng đang mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2015, lợi nhuận của một số công ty tài chính như Home Credit, FE Credit tương đương với lợi nhuận của một ngân hàng tầm trung.

Chính vì lợi nhuận đầy hấp dẫn của “miếng bánh” này mà hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ đã tuyên bố chuyển mạnh sang lĩnh vực bán lẻ.

Cho đến nay, về bán lẻ, Ngân hàng TMCP BIDV đang dẫn đầu ở sản phẩm cho vay mua nhà, Vietcombank nổi trội ở sản phẩm thẻ, còn Agribank chưa có đối thủ ở thị trường nông thôn. Đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính lại đang có ưu thế hơn.

Tuy nhiên, “miếng bánh” thị phần vẫn đang tiếp tục được phân chia lại, bởi hàng loạt ngân hàng đang tung ra những sản phẩm na ná nhau với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, gần đây, hàng loạt ngân hàng đã thâu tóm các công ty tài chính. Đơn cử, HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), Maritime Bank mua lại Công ty tài chính Dệt may, Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa chất, MBBank nhận sáp nhập Công ty Tài chính Sông Đà, SHB nhận sáp nhập Công ty Tài chính

Vinaconex - Viettel, VietinBank sáp nhập PGBank và dự kiến thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng Vietin-PG Finance…

Với các thương vụ thâu tóm đó, cuộc chiến trên thị trường bán lẻ, nhất là trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, sẽ còn gay gắt.

Phân chia thị trường

Hiện nay, so với công ty tài chính (lãi vay phổ biến 24 - 75%/năm), các ngân hàng đang khá cạnh tranh về lãi suất cho vay tiêu dùng (12 - 16%/năm). Tuy nhiên, các ngân hàng lại rất kén khách, nên rất nhiều khách hàng không tiếp cận được vốn vay. Đây là lý do khiến dù lãi suất cao, nhiều công ty tài chính vẫn tự tin sẽ có phân khúc khách hàng riêng.

Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng Thành viên Công ty Tài chính Home Credit cho rằng, trong năm 2016 thị trường cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt vì các ngân hàng sẽ “đánh” mạnh vào mảng ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, các công ty tài chính vẫn có thế mạnh riêng của mình để cạnh tranh trong mảng cho vay tiêu dùng, như nhanh chóng, tiện lợi, phục vụ cả những khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng và cho vay cả những khoản vay siêu nhỏ trong thời gian ngắn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, đối tượng của các công ty tài chính và các ngân hàng khác nhau, do khẩu vị rủi ro của các bên khác nhau. Do vậy, thị phần của khối ngân hàng và công ty tài chính được phân chia khá rõ ràng.

Cũng theo vị lãnh đạo này, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với ngân hàng là không dễ, bởi việc quản lý rủi ro đối với các khoản vay nhỏ lẻ không đơn giản.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, sự tham gia ngày càng nhiều của các ngân hàng và công ty tài chính vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng sẽ làm thị trường ngày càng cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn để phân biệt cho vay thương mại và cho vay tiêu dùng, đồng thời quy định minh bạch thông tin hơn nữa trong quá trình cho vay tiêu dùng để đảm bảo quyền lợi cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay.

Theo Hà Tâm/Báo Đầu tư

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load