Thứ sáu 29/03/2024 21:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Theo đuổi tăng trưởng cao: Việt Nam chấp nhận giá nào?

09:58 | 08/06/2019

"30 năm nay, tăng trưởng đang chậm dần từ 8%/năm trong thập niên đầu xuống 7,2-7,4% thập niên tiếp theo và giờ khoảng 6,2-6,4%. Tốc độ tăng trưởng giảm tốc để đổi lại ổn định kinh tế vĩ mô liệu có cần thiết không?", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi.


Toạ đàm Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB tổ chức sáng 7/6

Tại Toạ đàm về tăng trưởng chất lượng cao 2021-2030 diễn ra sáng ngày 7/6, ông Kiên cho biết trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua giảm dần thì tốc độ tăng trưởng một số nước lại tăng mạnh, thậm chí có quốc gia tăng gấp rưỡi Việt Nam. "Chúng ta cứ tăng trưởng giảm dần để ổn định có thực sự cần thiết không", ông nêu quan điểm.

Theo đó, ông Kiên cho rằng phải có sự bùng nổ, biến đổi, đột phá để tạo dựng những hình thức mới. Không có cuộc cải cách nào thực hiện thành công mà không có trả giá. "Vậy giá như thế nào thì chấp nhận được", ông băn khoăn.

Vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội dẫn chứng, hiện cơ cấu chi ngân sách hàng năm của Việt Nam bao gồm khoản ngân sách chi trả nợ gốc và lãi hàng năm. Tổng số tiền chi trả này lớn hơn rất nhiều so với chi đầu tư phát triển.

"Cách tính này liệu có đem lại bền vững cho tài khoá Việt Nam thực sự hay không?", ông Kiên nói. Trong khi đó, theo ông, nếu áp dụng phương thức của thế giới là tách riêng biệt phần ngân sách chi trả nợ gốc và trả lãi trong cơ cấu chi ngân sách thì những "lợi, hại" cho con đường sắp tới của Việt Nam như thế nào cũng phải được tính toán cẩn trọng để có giải pháp lựa chọn phù hợp.

Cùng quan điểm, ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng vấn đề hiện nay của Việt Nam là phải xác định được mức tăng trưởng hợp lý. Giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ đầu tư/GDP cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm/GDP, Việt Nam vay thêm rất nhiều để đầu tư khiến tổng mức đầu tư toàn xã hội lên tới 40% GDP, thậm chí có thời điểm lên tới 44% GDP.

10 năm gần đây, giai đoạn 2011-2019, tổng mức đầu tư chỉ khoảng 34-35% GDP nhưng tăng trưởng thấp hơn tới 1% so với giai đoạn trước.

Hay như vấn đề liên quan tới tăng trưởng tín dụng, thập kỷ gần đây, tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với trước vì những lo ngại rủi ro. Mức này liệu có phù hợp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng giai đoạn tới hay không khi rất nhiều bằng chứng cho thấy lãi suất vay của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn rất nhiều so với bình quân trên thế giới.

"Đây là những vấn đề Việt Nam phải tính toán trong việc xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển cho giai đoạn tới", ông Sinh cho hay.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những con số về năng suất lao động được đưa ra trong báo cáo "Bây giờ hoặc không bao giờ" của Ngân hàng Thế giới (WB) như năng suất lao động của Việt Nam trong 20 năm qua thấp hơn so với thế giới và nhiều nước trong khu vực, chênh lệch năng suất lao động giữa nhóm 10% cao nhất và 10% thấp nhất gia tằng từ mức 160 lần (2012) lên 293 lần (2015) cho thấy chất lượng tăng trưởng đang có vấn đề.

"Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh từ sản phẩm, doanh nghiệp tới quốc gia đều rất thấp", ông Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những hạn chế trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đang là vấn đề cốt lõi khiến năng suất của Việt Nam ì ạch so với khu vực và thế giới. Ông cho rằng ở nhiều địa phương, doanh nghiệp thành lập chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ như bán hàng, quán ăn, thầu xây dựng… rất ít doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.

"Do đó, nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì sẽ rất khó thúc đẩy tăng trưởng nhanh với chất lượng cao trong thời gian tới", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là một trong 5 động lực phát triển giai đoạn tới, bên cạnh các yếu tố như nguồn nhân lực, thể chế, hạ tầng và giá trị văn hoá của con người.

Báo cáo "Bây giờ hoặc không bao giờ" của WB nhận định tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn các nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác tại khu vực Đông Á, trong đó có Hàn Quốc. Mức tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2020-2045 sẽ giảm dần xuống 5,7% và nguy cơ "trượt" mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Một cuộc cải cách sâu rộng là điều cần phải có đối với Việt Nam lúc này.

 

Theo NGÂN HÀ/Vneconomy.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load