Thứ năm 25/04/2024 10:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm sai phạm về xây dựng sai phép tại công trình của nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng

20:29 | 20/11/2019


(Xây dựng) – Trước Chỉ thị 23 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, do đó các cấp, các ngành đã ra quân chấn chỉnh chỉnh lập lại trật tự xây dựng.

dathanh pho ho chi minh xu ly nghiem sai pham ve xay dung sai phep tai cong trinh cua nguyen chanh thanh tra xay dung
Công trình xây vượt 3 tầng tại quận 10 đang trong quá trình cắt ngọn.

Điển hình là việc xử lý công trình sai phép tại địa chỉ 41/7 Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10 của ông Trần Văn Hưởng - nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận 10. Công trình này xây dựng từ năm 2012 vượt 3 tầng với diện tích hơn 200m2 so với giấy phép được năm 2011 với quy mô 1 hầm, 1 trệt, 1 lửng, 4 lầu. Khi phát hiện, UBND quận 10 đã 2 lần ra Quyết định xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ phần xây sai phép nhưng chủ đầu tư không chấp hành.

Đến nay, khi quận 10 tiếp tục ra văn bản cưỡng chế tháo dỡ thì ông Hưởng có đơn xin tự nguyện tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phép.

Ông Trương Công Nam – Phó Chánh Thanh tra Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công trình xây dựng sai phép này xảy ra trước thời điểm Nghị định 139/2017 có hiệu lực nên việc xử lý áp dụng theo các Nghị định 23/2009 và Nghị định 121/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Hơn nữa, trước khi Nghị định 26/2013 của Chính phủ ra đời và có hiệu lực thì lực lượng Thanh tra Xây dựng trực thuộc quản lý của UBND quận, huyện. Công trình này không liên quan tới Sở Xây dựng cũng như Thanh tra Sở Xây dựng bởi thời điểm xảy ra sự việc là thuộc thẩm quyền của quận. Ngoài ra, đây là công trình nhà ở riêng lẻ do quận cấp phép nên quận xử lý, bởi Thanh tra Sở Xây dựng chỉ tham gia cuộc họp để lấy ý kiến chuyên môn.

Nói về sai phạm của công trình tại địa chỉ 41/7 Sư Vạn Hạnh, ông Nam cho biết thêm: Công trình này xây sai nhưng nằm bên ngoài chủ quyền được cấp phép xây dựng, tức nằm ngoài giấy chứng nhận, không nằm trong đất sử dụng hợp pháp nên không đủ điều kiện để xem xét theo Nghị định 139/2017, cho nên quận 10 tổ chức cưỡng chế là đúng quy định.

“Quan điểm của Sở Xây dựng, Thanh tra Xây dựng, nếu công trình sai phạm thì lập hồ sơ theo quy định của pháp luật mà xử lý nghiêm theo quy định”, ông Nam nêu quan điểm.

Việc này sai phạm là do quận 10 và cơ quan tham mưu là Phòng Quản lý đô thị nên thời gian qua, quận đã tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ để xảy ra sai phạm trên địa bàn như việc cách chức ông Trần Văn Hưởng – Chánh Thanh tra Xây dựng quận 10, phê bình Phó Phòng Quản lý đô thị và kỷ luật khiển trách cán bộ phụ trách công tác tham mưu…

Sau khi Nghị định 26/2013 ra đời và có hiệu lực thì quận, huyện không còn lực lượng Thanh tra Xây dựng nữa mà chỉ còn Thanh tra Xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng. Do đó, hiện nay mỗi tỉnh, thành phố chỉ có duy nhất 1 Chánh Thanh tra Xây dựng.

Hiện Công ty Công ích quận 10 là đơn vị được quận 10 giao phối hợp và giám sát việc chủ công trình tự tháo dỡ, trong trường hợp chủ công trình không thực hiện đúng các quyết định của cơ quan chức năng, đơn vị này sẽ tiến hành tháo dỡ công trình.

Ông Lý Thanh Long - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh. Thống kê cho thấy, mỗi năm tại thành phố Hồ Chí Minh có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, được phát hiện và xử lý. Cụ thể, năm 2017 có 2.856 công trình vi phạm trật tự xây dựng (bình quân 7,8 vụ vi phạm/ngày); năm 2018 giảm còn 2.419 công trình vi phạm (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, ông Lê Hoà Bình - Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua là sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị địa phương.

“Việc chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, ngay cả nhà thầu xây dựng và đơn vị giám sát dự án cũng làm chưa tốt. Nếu như xây dựng công trình khó một thì việc tháo dỡ khó gấp hai, ba lần. Do vậy, quan điểm là phải làm sao phát hiện kịp thời các sai phạm, không để đến khi xây dựng xong mới xử lý”, ông Bình nhấn mạnh.

Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng vừa ban hành kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện sẽ được triển khai từ tháng 11/2019. Sở Xây dựng đã thực hiện thí điểm ở những địa phương có tình trạng vi phạm xây dựng “nóng” như huyện Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức.

Trong kế hoạch liên tịch, mỗi quận, huyện sẽ thành lập một tổ công tác và tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND quận, huyện. Tổ trưởng được quyền điều động, phân công các thành viên kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load