Thứ sáu 29/03/2024 17:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Băn khoăn “bài toán” sử dụng 76 công sở trống sau sáp nhập

14:24 | 21/10/2019

(Xây dựng) - Thanh Hóa là một tỉnh lớn, đông dân cư và có số đơn vị hành chính phải sắp xếp nhiều nhất trong cả nước (11%). Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh sau khi sáp nhập giảm sẽ thừa ra 76 công sở và nhà hội trường tương đương cũng bỏ không, vấn đề sử dụng, giải quyết những công trình này như thế nào cho đỡ lãng phí đang là một “bài toán khó” đối với các địa phương của tỉnh.


Công sở xã Xuân Quang sẽ bỏ trống sau khi sáp nhập.

Theo phương án tổng thể “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1649/QĐ-UBND, ngày 4/5/2019. Tại mục 2.3 “Giải pháp sử dụng cơ sở vật chất” có nêu “không đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp… UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định sử dụng công sở sau khi tham khảo ý kiến của UBND cấp xã, đảm bảo tất cả cơ sở vật chất phục vụ công việc của địa phương…”. Theo đó, việc sử dụng các công trình này thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thị, thành phố có đơn vị sáp nhập.

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã gặp và trao đổi với lãnh đạo một số xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập, đồng thời có buổi làm việc với ông Lê Văn Tiến - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Thọ Xuân, một huyện có số xã, thị trấn sáp nhập lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, thời gian này huyện đang rất bận với việc chuẩn bị đón Lễ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vừa triển khai công tác sáp nhập đơn vị hành chính phải xong xuôi trước khi kết thúc năm 2019. Tuy nhiên, chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh về sử dụng công sở sau sáp nhập, Huyện ủy, UBND cũng đang bàn bạc, tìm cách xử lý, tháo gỡ theo hướng phù hợp, đỡ lãng phí nhất trong phạm vi có thể.

Ông Tiến cho biết, toàn huyện Thọ Xuân có 20 xã, thị trấn sáp nhập xuống còn 9 đơn vị hành chính mới, giảm 11 xã, thị trấn. Sau sáp nhập, sẽ có 11 công sở, kèm theo 11 hội trường trung tâm không được sử dụng. Đáng chú ý hơn, huyện đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết số công sở, nhà hội trường trên đều mới được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng trở lên mỗi xã (cả trụ sở và hội trường).

Do đó, nếu bỏ không sẽ hết sức lãng phí. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiệm vụ quan trọng nhất của huyện là vấn đề bố trí, sắp sếp nhân sự của bộ máy mới để đi vào hoạt động ngày 01/01/2020, liên quan đến đời sống, việc làm, tâm tư nguyện vọng của hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, nhất là những cán bộ không chuyên trách.


Công sở xã Nga Mỹ (Nga Sơn), kinh phí xây dựng gần chục tỷ đồng sẽ không được sử dụng sau khi sáp nhập về thị trấn Nga Sơn.

Trở lại với vấn đề sử dụng công sở sau sáp nhập, theo ông Tiến, cho đến thời điểm này, mặc dù chưa có cách giải quyết cụ thể nhưng qua rà soát, nắm bắt thực tế tại các xã và tham khảo ý kiến lãnh đạo địa phương, huyện đã bàn bạc, tạm thời tính đến một số phương án.

Cụ thể đối với huyện Thọ Xuân, trong số các đơn vị sáp nhập, có 6 xã, thị trấn sáp nhập với nhau thành 3 thị trấn. Đó là xã Xuân Lam nhập vào thị trấn Lam Sơn, xã Hạnh Phúc nhập vào thị trấn Thọ Xuân và xã Xuân Thắng nhập vào thị trấn Sao Vàng.

Sau sáp nhập công sở của 3 thị trấn mới, do được xây dựng từ lâu nên đều được chuyển về công sở mới được xây dựng của các xã. Nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi về mọi mặt nên cả 3 khu đất có công sở này đều có thể đem bán hoặc cho doanh nghiệp thuê, tạo nguồn thu cho ngân sách, tránh được tình trạng bỏ không, lãng phí.

Đối với các công sở, nhà hội trường khác, nếu không bán hoặc cho thuê được sẽ  tìm cách đưa vào sử dụng một phần. Ví dụ như đối với các xã, thị trấn có tăng cường công an chính quy về cơ sở, có thể bố trí phòng làm việc cho lực lượng này vào trụ sở hay nhà hội trường trống, vì lâu nay, công an xã chỉ được bố trí một phòng làm việc, rất chật chội, không đáp ứng nhu cầu làm việc, nhất là các buổi họp của Ban công an xã.

Tình trạng phải làm việc trong điều kiện không phù hợp đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả hoạt động, đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn của lực lượng này. Do đó, đưa địa điểm làm việc của công an xã vào các trụ sở, nhà hội trường chưa sử dụng cũng là một giải pháp cần thiết trong thời điểm này.


Nhà tập đa năng xã Nga Mỹ (Nga Sơn) chưa biết sẽ sử dụng làm gì sau khi sáp nhập.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số cán bộ cơ sở, đối với các nhà hội trường sau sáp nhập, có thể dùng làm nơi họp chi bộ định kỳ đối với các cụm thôn, xóm, khu dân cư. Đồng thời, làm địa điểm sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… với những xã có Trạm Y tế mặc dù đạt chuẩn nhưng không đủ rộng về diện tích, trước mắt có thể cải tạo để sử dụng nhà hội trường làm Trạm Y tế.

Như vậy, việc sử dụng các công sở, nhà hội trường xã, thị trấn sau sáp nhập sao cho phù hợp, hạn chế thấp nhất sự lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân vẫn đang là “bài toán” khó đối với không chỉ riêng huyện Thọ Xuân, mà với hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Để giải quyết thực trạng này, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các địa phương, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự vào cuộc, tham mưu cho tỉnh của các ban, ngành chức năng cấp tỉnh.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load