Thứ sáu 19/04/2024 10:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Nhiều bến thủy không phép ngang nhiên hoạt động

08:42 | 18/04/2019

(Xây dựng) - Theo báo cáo của công an tỉnh Thái Nguyên, qua kiểm tra 32 bến thủy (11 bến đò ngang, 6 bến khách, 15 bến xếp dỡ hàng hóa)… thì có tới 12 bến hoạt động không giấy phép nhiều năm liền.

Bến không phép ngang nhiên hoạt động ngay dưới hành lang cầu, đường bộ.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 2 tuyến sông là sông Cầu và sông Công với tổng chiều dài 46km ở phía Nam của tỉnh giáp với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó chỉ có tuyến sông Công từ ngã ba sông Cầu - sông Công đến cụm Cảng Đa Phúc có điều kiện dòng chảy, thủy văn ổn định có thể khai thác thủy nội địa quốc gia.

Đã nhiều năm nay, hoạt động bến bãi tại khu vực cụm cảng Đa Phúc, địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và TP Hà Nội luôn xảy ra tình trạng bến bãi không phép hoạt động ngang nhiên, xây dựng cầu cảng lấn chiếm dòng chảy theo kiểu mạnh ai nấy làm, lộn xộn, không có trật tự.

Một số bến bãi không phép thuộc địa bàn xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã tồn tại suốt thời gian dài, ngày một lớn dần cả về quy mô và mức độ, thậm chí bến bốc xếp hàng hóa đặt ngay dưới chân cầu đường bộ và đường sắt.

Hai bến đang hoạt động không được phép vi phạm hành lang cầu đường bộ và lấn luồng... là bến của hộ gia đình ông bà Trần Văn Oanh nằm bên bờ trái của sông Công, chuyên vận chuyển bốc xúc cát sỏi nằm sát chân cầu Đa Phúc và bến Sư đoàn 312, còn lại một số bến chưa được cấp phép do đang trong quá trình chuyển đổi và dừng hoạt động.

Để hiểu rõ hơn về sự lộn xộn trong việc quản lý bến, bãi tại khu vực cụm cảng Đa Phúc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đi ngược theo dòng chảy, chạy dọc bờ sông về phía thượng nguồn, thuộc địa bàn xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên nhận thấy, nhiều tàu hút cát neo đậu giữa dòng, hút cát đưa vào bãi tập kết, lô nhô những bãi cát lớn, nhỏ đua nhau vươn ra lấn chiếm dòng chảy, vi phạm hành lang đê điều, công trình bến bãi được xây dựng ngay dưới hành lang lưới điện cao thế.

Tại chân cầu Đa Phúc, bãi cát thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên quản lý của hộ gia đình ông bà Trần Văn Oanh vẫn ngang nhiên hoạt động với quy mô lớn; tàu cát trọng tải lớn cập bến đưa cát lên bờ ngay dưới gầm cầu, hoạt động vận tải bốc xúc diễn ra hàng ngày nhưng Cảng vụ đường thủy, chính quyền địa phương và Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên dường như chỉ nhắc nhở và xử phạt cho qua, để rồi bến cát vẫn tiếp tục hoạt động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang an toàn đường bộ và đe dọa trực tiếp đến tuổi thọ của cây cầu.

Bến bãi xây dựng cầu cảng lộn xộn theo kiểu mạnh ai nấy làm, ngang nhiên lấn chiếm lòng sông.

Theo báo cáo của công an tỉnh Thái Nguyên: Qua kiểm tra 32 bến thủy (11 bến đò ngang, 6 bến khách, 15 bến xếp dỡ hàng hóa)…thì có tới 12 bến hoạt động không giấy phép nhiều năm liền. Riêng khu vực cụm cảng Đa Phúc có 17 bến thủy thì 5 bến không phép.

Giải thích về lý do các bến thủy hoạt động trái phép, phía Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tại khu vực hạ lưu cầu Đa Phúc có 03 bến nằm trong hành lang an toàn của cầu, không đủ điều kiện cấp phép mở cảng, bến thủy nội địa. Có 02 bến nằm trong quy hoạch xây dựng cụm cảng Đa Phúc và khu vực lân cận, thị xã Phổ Yên của Chi nhánh Cty CP Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 2222/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 về phê duyệt quy hoạch xây dựng cụm cảng Đa Phúc và khu vực lân cận, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay sau 8 - 9 năm được phê duyệt quy hoạch, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chưa có quyết định thu hồi.

Cũng theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, riêng bến Bộ đội thuộc Sư đoàn 312 nằm trên đất quốc phòng thuộc thẩm quyền sử dụng của Sư đoàn 312. Bến này cũng chưa có hồ sơ nộp xin cấp phép.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng như Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh Thái Nguyên… hàng năm đều tiến hành kiểm tra, nhưng cũng chỉ để phát hiện, xử phạt rồi sau đó tất cả các bến thủy không phép vẫn hoạt động bình thường như không có thêm bất cứ trở ngại nào. Và đương nhiên, vì hoạt động không phép nên các khoản đóng góp với Nhà nước và cơ quan thuế, tài nguyên môi trường, giao thông… dường như cũng được miễn?

Bến sư 312 hoạt động không phép.

Theo phản ánh của người dân xã Thuận Thành thì không chỉ lấn chiếm dòng chảy, các tàu hút cát và tàu vận tải, sà lan cỡ lớn, bến bãi hoạt động ngày đêm không theo trật tự đã làm sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân, làm biến đổi dòng chảy. Qua sự việc trên cho thấy, nếu các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên không có biện pháp kiểm soát kịp thời việc kinh doanh bến bãi, khai thác cát sỏi ngay thì cả những đoạn bờ kè mới được đầu tư xây dựng kiên cố cũng có nguy cơ bị tụt xuống dòng chảy.

Thiết nghĩ, đã đến lúc tỉnh Thái Nguyên cần có những biện pháp quyết liệt, giải pháp tổng thể để ứng xử với những hoạt động ngang nhiên làm kinh tế, coi thường pháp luật, coi thường an sinh trên địa bàn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là khi mùa mưa lũ 2019 đang đến.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load