Thứ ba 16/04/2024 12:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tái cơ cấu doanh nghiệp: Thoái vốn không dễ

21:02 | 12/08/2012

Đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản phê duyệt xong phương án sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp (DN) thuộc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty (TCty) giai đoạn 2011 - 2015. Theo công bố của Bộ Tài chính, có 367 DN sẽ thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này, riêng năm 2012 có 93 DN.

Sau thời gian lộ rõ nhiều bất cập, ngày 18/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn Nghị định này đã lộ rõ một số điểm bất cập.

Điều 27 Nghị định 59 quy định: “Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN quy mô lớn có vốn Nhà nước trên 500 tỷ đồng và một số DN khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”. Thế nhưng, thông thường kế hoạch kiểm toán thường được Kiểm toán Nhà nước đề ra từ đầu năm. Việc kiểm toán theo yêu cầu khó bảo đảm tiến độ đề ra.

Hơn nữa, cũng theo Điều 27: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN cổ phần hóa không thống nhất với kết quả Kiểm toán Nhà nước công bố thì tổ chức trao đổi lại để thống nhất hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Như vậy, việc trao đi đổi lại để thống nhất kết quả cuối cùng chắc chắn mất rất nhiều thời gian, sẽ không bảo đảm về mặt thời gian để “đuổi” kịp tốc độ cổ phần hóa mà Chính phủ đã đề ra. Thực tế cho thấy, việc xác định giá trị DN luôn phức tạp, khó thống nhất. Thậm chí, có những DN phải làm hàng năm vẫn chưa ngã ngũ.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để sửa Nghị định 59/2011/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để làm được điều này phải từ 1 - 2 năm.

Về thực hiện thoái vốn, theo số liệu tổng hợp, tổng số tiền các tập đoàn, TCty đầu tư vào một số lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính lên tới 21 ngàn tỷ đồng, trong đó chứng khoán khoảng 3,5 ngàn tỷ đồng; bảo hiểm khoảng 2,2 ngàn tỷ đồng; bất động sản khoảng 5,3 ngàn tỷ đồng; ngân hàng khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Chính phủ đã chỉ đạo các DN Nhà nước phải thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến năm 2015, nếu kinh tế vẫn không có tiến triển nhiều thì việc thoái vốn của các tập đoàn, TCty Nhà nước sẽ khó bảo toàn được vốn. Bởi, hầu hết các tập đoàn, TCty Nhà nước đều đầu tư vào các ngành “nhạy cảm” như: Tài chính, chứng khoán, bất động sản mà hiện các ngành này đang rất khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết: Trong tháng 8, các tập đoàn và TCty phải trình Chính phủ đề án tái cơ cấu DN. Theo đó, các DN phải tự xây dựng phương án thoái vốn và thời gian thực hiện, bao gồm cả các khoản đầu tư vào liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng cơ chế thoái vốn trình Chính phủ, trong đó sẽ có hướng dẫn, tạo khung pháp lý để các tập đoàn và TCty thoái vốn.

Theo ông Tiến, để có được phương án hiệu quả cần phân tích từng trường hợp cụ thể. Nếu trước kia, một DN bỏ ra 10 đồng mà nay bán chỉ thu được có 8 đồng thì chắc chắn là lỗ. Do vậy, có thể chuyển số vốn đầu tư ngoài ngành để góp vào DN khác hoạt động chuyên về ngành đó thì tổng thể chung vốn vẫn được bảo toàn.

Đến nay, đã có 7 tập đoàn, TCty trình Chính phủ đề án tái cơ cấu. Khoảng 40 DN đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo, 15 DN đang xây dựng. Theo lịch trình, hạn cuối cùng là trong quý III/2012, các tập đoàn, TCty phải trình phương án tái cơ cấu. 

Theo: T. Quý - H. Minh (Báo Thanh tra)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load