Thứ sáu 19/04/2024 06:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tái chế chất thải: Vì sao chưa hiệu quả?

19:39 | 11/12/2019

(Xây dựng) - Tại Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Quá trình tái chế, tái sử dụng các nguồn chất thải là giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hoạt động này được đánh giá còn nhiều hạn chế khi tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam mới chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải.

tai che chat thai vi sao chua hieu qua
Hoạt động tái chế, xử lý rác thải tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều hạn chế. (Nguồn: Internet).

Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, tác động đến tăng trưởng bền vững. Vì vậy, trong định hướng phát triển bền vững cũng đã xác định quản lý chất thải là vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường, trong đó các giải pháp 3R được đặt lên hàng đầu (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).

Trong đó, hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn liên tục được điều chỉnh để phù hợp tình hình mới, tuy vậy, thực tế, do ngành công nghiệp tái chế chất thải còn lạc hậu, nhỏ lẻ, phần lớn mang tính tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Thống kê mới nhất của Tổng Cục Môi trường cho thấy, lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 60 - 70 triệu tấn, đó là mới tính đến rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 23 triệu tấn/năm, chất thải rắn công nghiệp như tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất trên dưới 20 triệu tấn, phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi mùa vụ thải bỏ ra từ 60 - 80 triệu tấn, đó là chưa kể chất thải phát sinh từ hoạt động xây dựng lên đến mấy chục triệu tấn/năm.

Đại diện lãnh đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nhìn nhận: Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã định hướng một số giải pháp để kích thích hoạt động tái chế chất thải để trở thành một ngành kinh tế đạt hiệu quả cao, song đến nay, vẫn chưa được như mong muốn.

Đồng quan điểm trên, ông Hàn Trần Việt - Viện Khoa học môi trường cho rằng: Nguyên nhân là do lượng chất thải phát sinh lớn nhưng hoạt động tái chế còn nhỏ lẻ, công nghệ xử lý tái chế còn lạc hậu, nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với ngành công nghiệp này do thiếu cơ chế chính sách liên kết giữa các chủ thể, doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia vận hành thị trường này. Đây chính là những “khoảng trống” dẫn đến người tiêu dùng còn chưa yên tâm về sản phẩm tái chế. Mặt khác, cơ quan quản lý vẫn chưa thực hiện quản lý và điều phối được loại thị trường này, khiến thị trường trở nên không hoàn hảo, thiếu thông tin cần thiết về cả người mua và người bán…

Đặc biệt, hạn chế lớn nhất là nước ta không có ngành công nghiệp hỗ trợ cho hoạt động tái chế, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực phục vụ tái chế như: Vốn, nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn và khả năng làm chủ công nghệ mới…

Theo các chuyên gia môi trường, để đạt hoạt động tái chế, xử lý nguồn phế thải đạt hiệu quả, các cấp, ngành liên quan đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn, xây dựng nguồn lực thực hiện chiến lược; quy hoạch quản lý chất thải rắn gồm lập và thực hiện quy hoạch xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn cho các vùng kinh tế của cả nước, các tỉnh, thành phố của cả nước, xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn đến tận phường, xã.

Đồng thời, thiết lập cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc dữ liệu về chất thải rắn toàn quốc; thúc đẩy các nghiên cứu khoa học có liên quan để phục vụ hiệu quả công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái chế tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi... Qua trọng, cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load