Thứ sáu 19/04/2024 00:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tác quyền âm nhạc: Nhà giàu cũng... than khó

05:36 | 02/02/2015

Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), chi nhánh phía Nam, đến cuối năm 2014, trên cả nước có 3.066 tác giả là thành viên của VCPMC, trong đó, phía Nam có 1.963 thành viên...

Năm 2014, riêng VCPMC phía Nam thu được trên 43,6 tỷ đồng tiền tác quyền từ các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng âm nhạc. Trong đó, phí thu về từ các dịch vụ karaoke, phòng thu âm giúp mang về doanh thu cao nhất: trên 13,3 tỷ đồng. Đứng thứ hai là phí thu từ dịch vụ sử dụng âm nhạc của các website, ứng dụng nhạc, nhạc chuông - nhạc chờ: gần 5,6 tỷ đồng...


Biểu diễn nghệ thuật giúp các chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc có thu nhập nhưng không phải chương trình nào cũng thực thi nghiêm túc việc trả phí tác quyền. Ảnh mang tính minh họa.

Để có kết quả trên, VCPMC không thể làm việc hoàn toàn độc lập mà phải có sự gắn kết với các tổ chức bản quyền các nước khác. Từ năm 2009, VCPMC đã trở thành thành viên của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới. Liên minh này bao gồm 230 hiệp hội của 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 triệu tác giả. Trung tâm là tổ chức duy nhất được quyền đại diện trên 3 triệu tác giả âm nhạc quốc tế trong việc quản lý, cấp phép sử dụng quyền tác giả tại thị trường Việt Nam.

Năm 2014, Trung tâm cũng đã ký hợp đồng song phương với 55 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc quốc tế thuộc 148 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình thu phí tác quyền vẫn còn rất gian nan.

Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, chỉ trong năm 2014, Trung tâm đã gửi đi trên 10.000 văn bản để yêu cầu các đơn vị kinh doanh có sử dụng âm nhạc thực thi nghĩa vụ quyền tác giả cũng như xử lý các vấn đề vi phạm quyền tác giả. Lý do là các hành vi xâm phạm bản quyền tác giả âm nhạc hiện nay vẫn diễn ra hết sức công nhiên. Nhiều chương trình âm nhạc được đầu tư bài bản, công phu, giá vé bán có khi lên đến hàng triệu, trả thù lao cho ca sĩ hàng trăm triệu và có tài trợ lớn từ các đơn vị quảng cáo nhưng nhạc sĩ có tác phẩm sử dụng trong chương trình không được chi trả tác quyền hoặc nếu có cũng chỉ ở mức tượng trưng.

Con số thống kê cuối năm 2014 của trung tâm cũng cho thấy, lĩnh vực biểu diễn là một trong những nguồn thu chủ yếu (trên 4,7 tỷ đồng). Trong đó, nguồn thu từ các show diễn nước ngoài đạt gần 50%. Hầu hết các chương trình biểu diễn tại các quốc gia mà VCPMC đã ký hợp đồng hợp tác song phương với tổ chức đại diện tập thể của nước này đã thực thi rất tốt khi tổ chức chương trình trên lãnh thổ Việt Nam nhưng nhiều chương trình biểu diễn trong nước lại lờ đi chuyện tác quyền hoặc chỉ đối phó bằng một tờ cam kết là sẽ thực hiện. Khi chương trình diễn xong, bản cam kết dường như không còn giá trị và thiệt hại lại thuộc về tác giả. Ngoài ra, khá nhiều thất thoát, thiệt hại trong việc thu tác quyền lĩnh vực biểu diễn xảy ra trong các liveshow có yếu tố hải ngoại, được tổ chức bởi các bầu sô có kinh nghiệm "lách" và trốn trả tiền tác quyền, tìm mọi cớ để né tránh, kéo dài, gây hiểu nhầm trong công chúng.

Nguồn thu từ lĩnh vực băng đĩa cũng tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn gần 340 triệu đồng (giảm trên 51% so với năm 2013). Một trong lý do dẫn đến nguồn thu này giảm là do tình trạng vi phạm bản quyền bản ghi từ nhiều website âm nhạc khiến việc bán băng đĩa khó khăn và cũng chưa có quy định cụ thể về việc xin phép và trả tiền trong quy trình cấp phép...

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, còn một lý do khác dẫn đến việc thực thi bảo vệ tác quyền âm nhạc gặp khó khăn bắt nguồn từ chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Có nhiều trường hợp, khi đại diện VCPMC đến làm việc với đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn hoặc dịch vụ sử dụng tác phẩm âm nhạc thì được ban tổ chức, đơn vị này đưa ra một bản hợp đồng khác do chính chủ sở hữu ký trước đó. Khi làm việc lại, phần nhiều chủ sở hữu đều cho rằng không biết việc làm của mình là sai quy định pháp luật. Để thực hiện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đầy đủ hơn trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì vẫn rất cần nâng cao ý thức tự giác của các đơn vị sử dụng âm nhạc cũng như ý thức và kiến thức về pháp luật của chính các chủ sở hữu tác phẩm.

Theo Ngọc Nguyễn/CAND Online

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load