Thứ tư 24/04/2024 23:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sông Lô (Vĩnh Phúc): Xã Cao Phong “thay da đổi thịt”

22:14 | 20/11/2019

(Xây dựng) - Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nắm rõ những thuận lợi và khó khăn của địa phương, lãnh đạo xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của toàn dân.

Sông Lô (Vĩnh Phúc): Xã Cao Phong “thay da đổi thịt”
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, nhà cửa khang trang, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai đến nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú. Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới với sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đến nay bộ mặt nông thôn xã Cao Phong đổi thay rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

Nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhân dân trong xã hiểu được lợi ích, quyền và nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các cấp các ngành, các đoàn thể, nhân dân trong xã cùng góp công, tiền của, hiến đất… hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Văn Sơn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cao Phong chia sẻ: Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành đã làm thay đổi căn bản diện mạo của xã, hệ thống đường giao thông được cứng hóa 100% giúp người dân đi lại, sản xuất, giao lưu văn hóa, thông thương thuận tiện. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng, cải tạo khang trang, kiên cố. Nhà nhà cùng nhau thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất. Vì thế mà đời sống của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đến năm 2018 đạt gần 36,3 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch rõ rệt từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của UBND tỉnh, địa phương đã tiến hành áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào gieo trồng các giống lúa chất lượng, giống ngô biến đổi gen vào sản xuất, do vậy năng suất cây trồng tăng nhiều so với những năm trước. Không những vậy, trên địa bàn xã đang phát triển 13 mô hình chăn nuôi bò hướng thịt với quy mô hàng trăm con, có 1 hộ nuôi 12 lồng cá trên sông Lô với sản lượng ước đạt 100 tấn/năm.

Sông Lô (Vĩnh Phúc): Xã Cao Phong “thay da đổi thịt”
Mô hình chăn nuôi bò hướng thịt đem lại giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, xã có 01 làng nghề sản xuất mây tre đan, trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất mây tre đan xuất khẩu, 08 cơ sở chế biến mây tre đan, nhiều công ty, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp… đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân trong và ngoài xã.

Xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp luôn được các cấp uỷ đảng, các đoàn thể chú trọng quan tâm. Phong trào “Xây dựng môi trường làng xã tốt đẹp, lành mạnh, phong phú” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân tham gia tích cực. Nhiều mô hình của các đoàn thể như: “Trồng hoa thay thế cỏ dại, xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Thu gom rác thải đồng ruộng”, “Nhà sạch vườn xanh” của Hội Phụ nữ; “Tuyến đường không rác thải” của Hội Nông dân; “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên… đã góp phần cải tạo, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, cảnh quan thoáng mát tại các thôn dân cư, trường học, công sở và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Sông Lô (Vĩnh Phúc): Xã Cao Phong “thay da đổi thịt”
Nghề mây tre đan tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Luôn xác định xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, trong thời gian tới, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Cao Phong sẽ tiếp tục chung sức chung lòng nhằm nâng cao các tiêu chí nông thôn mới góp phần xây dựng xã Cao Phong ngày càng giàu - đẹp - văn minh.

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load