Thứ sáu 29/03/2024 08:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sông Lô từ 'không' đến 'có'

14:31 | 23/10/2019

Đây chỉ là một cách nói. Nhưng nói có căn cứ. “Khai sinh” năm 2009, sau một năm, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM).


Huyện Sông Lô nằm cạnh con sông Lô, có bãi phù sa màu mỡ.

Có nghĩa Sông Lô xây dựng NTM từ xuất phát điểm “không có gì”. Tuy nhiên, Sông Lô đã tự tìm cho mình một hướng đi, để sau 9 năm, đã có một kết quả đáng khích lệ… 

“Ra ở riêng” với gia tài khiêm tốn

Là huyện mới được thành lập (2009) bước vào thực hiện xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, Sông Lô có 12 xã, là huyện miền núi, khi bắt tay làm NTM, xã cao nhất chỉ đạt 7/19 tiêu chí, nhiều xã dưới 5 tiêu chí. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật vừa thiếu lại vừa yếu. Thu ngân sách thấp, SX nông nghiệp bấp bênh, thiên tai, ngập úng, dịch bệnh thường xuyên đe dọa.

Đất canh tác thì nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đưa tiến bộ KHKT vào SX và hình thành các vùng SX hàng hóa lớn. Thu nhập của người dân thấp. Bên cạnh đó, nhận thức của bộ phận không nhỏ nhân dân, nhất là ở giai đoạn mới triển khai thực hiện chương trình có nhiều hạn chế, tư duy trông chờ vào đầu tư của Nhà nước còn nặng nề.

Do điều kiện thực tế như vậy, nên việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo vùng, xã trọng điểm và xác định cây con chủ lực còn rất nhiều khó khăn do điều kiện manh mún, tập quán canh tác nhỏ lẻ, chăn nuôi theo nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp, giá trị thu nhập từ ngành nông nghiệp chưa cao. SX nông nghiệp mang nặng tính tự phát, chưa hình thành các vùng SX hàng hóa tập trung. Việc triển khai nhân rộng mới dừng lại ở một nhóm nhỏ tham gia, chưa mang tính chất lan tỏa.

Tách ra từ một huyện lớn Lập Thạch, Sông Lô phải chịu nhiều sức ép. Khi là huyện mới, mọi thứ đều phải “bắt đầu” từ cơ sở hạ tầng đến đời sống cơ bản của người dân. Là một huyện miền núi, địa hình trồi sụt, manh mún, dân cư thưa thớt, dân sống thuần nông là chủ yếu. Có tới trên 90% người dân sống ở nông thôn và dựa vào nghề nông.

Khi thành lập huyện, Sông Lô mới chỉ có 11% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, còn lại là đường đất gồ ghề, đi lại rất khó khăn. Đó chính là cái “gia tài” thực tế của Sông Lô sau ngày ra “ở riêng”. 

Bắt đầu từ “đường”

Với một huyện mới, khi bắt đầu xây dựng, có thể nói, cái gì cũng thiếu, cũng cần, cũng cấp bách. Nhưng Huyện ủy, UBND huyện xác định ngay từ đầu, là trước tiên phải đầu tư vào đường, vào hệ thống giao thông. Có một nhà kinh tế học nổi tiếng đã nói: “Đường đến đâu, đời sống đi lên đến đấy”.

Quả thế thật. Với một vùng núi non heo hút, nghèo nàn, không ai biết đến, nhưng khi có con đường tới nơi, lập tức có sự thay đổi. Thay đổi từng ngày, từng giờ. Có đường, tức là có phương tiện đi lại, có giao thương. Đương nhiên là có sự sầm uất, sung túc. Bởi vậy, lãnh đạo huyện tập trung đầu tư làm đường giao thông. Đường tới xã, thôn, tới ngõ xóm.

Nếu có ai đến huyện Sông Lô vào những ngày đầu năm 2019, sẽ thấy đường xá còn ngổn ngang. Con đường vào trung tâm huyện gồ ghề, lầy lội. Đường vào trụ sở UBND huyện cũng mới trải nhựa tới cổng, phần còn lại là đất cát…

Tuy nhiên, việc xây dựng, hoàn thiện đường giao thông, phải xuống cơ sở, mới thấy thực tế Sông Lô đã huy động tổng lực trong việc nâng cấp giao thông như thế nào. Sau 9 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đã cứng hóa trên 200 km đường trục xã, đạt 95%. Đường trục thôn cứng hóa trên 200 km, đạt gần 90%. Xóm, ngõ cứng hóa 100 km, đạt 60%.


Một con đường nông thôn mới mở.

Nhờ giao thông phát triển và nâng cấp, đi lại của người dân thuận tiện, nhất là vận chuyển hàng hóa, nông sản hết sức thuận lợi. Diện mạo nông thôn thực sự thay đổi. Đức Bác là một xã chạy dọc sông Lô, đường xá đi lại khó khăn, nay 100% giao thông nông thôn và 71% giao thông nội đồng đã được cứng hóa. Trước đây, đường rộng 1,5 – 2 m, gồ ghề, sỏi đá, nay mở ra 3 – 5 m, đường bê-tông, trải nhựa rộng thoáng, xe cơ giới đi lại dễ dàng.

Các xã Cao Phong, Bạch Lưu, Phương Khoang, Hải Lựu…đường cũng được nâng cấp. Do lợi ích thiết thực, người dân đã vui vẻ hiến đất, góp ngày công, góp một phần kinh phí cùng Nhà nước triển khai làm đường giao thông, tiến độ nhanh chóng, thuận lợi. Trong 4 năm tập trung (2015 – 2018) Sông Lô đã có 140 công trình giao thông, tạo nên một nếp nghĩ và cách làm mới về giao thông nông thôn… 

Hành trình 9 năm

Phong trào xây dựng NTM do huyện phát động, các tổ chức chính trị đã hưởng ứng thiết thực, hiệu quả. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện với phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên có các phong trào riêng.

Đặc biệt Hội Phụ nữ có sáng kiến ra mắt mô hình “Thùng gạo tiết kiệm”, CLB Thiện nguyện, “Cặp lá yêu thương” tại các xã Lãng Công, Như Thụy, Tân Lập, vận động được 66.460.000đ và 131kg gạo, giúp các gia đình hội viên gặp rủi ro. Hội đã giúp dựng mái ấm tình thương cho 16 phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt về nhà ở, trị giá trên 500 triệu đồng và trao 16 suất học bổng cho trẻ em khó khăn vươn lên học giỏi.

Trao 14 bò sinh sản cho hội viên phụ nữ chăn nuôi phát triển SX. Hội còn giúp đỡ các hội viên con giống, toàn huyện đã trao tặng 41 cặp lợn giống, 1 cặp bò, 3.681 con gà, 20 con chim câu, 40 con ngan giống…Tổng giá trị thành tiền 109.764.000đ. Phong trào thi đua đã khiến chị em phấn khởi tham gia, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình…

Sau 9 năm triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện.

Từ kết quả xây dựng NTM làm thay đổi diện mạo nông thôn. Kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu lại SX. Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Các cây trồng có năng suất chất lượng cao được đưa vào SX thay thế dần các giống có năng suất chất lượng thấp. Bước đầu hình thành một số vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung. SX nông nghiệp tăng trưởng khá, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực.

Công tác giải quyết việc làm lao động nông thôn được quan tâm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, năm 2019 đạt trên 33 triệu đồng.

Phấn đấu đến 2020, huyện Sông Lô được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Cũng đến 2020, huyện có ít nhất 1 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Các xã trên địa bàn huyện đạt trung bình từ 2 tiêu chí xã NTM nâng cao trở lên. Các thôn đạt trung bình từ 3 tiêu chí thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

Huyện Sông Lô hoạch định giai đoạn 2021 – 2025 có ít nhất 50% thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) hiện đại, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Chất lượng cuộc sống nâng cao. Thu nhập bình quân người dân nông thôn năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

 

Theo Đỗ Bảo Châu/Nongnghiep.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load