Thứ sáu 29/03/2024 22:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016

10:45 | 05/12/2019

(Xây dựng) – Sáng 04/12, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016. Sau 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 đã phát huy tốt vai trò trong việc quản lý các hoạt động báo chí, tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí trong giai đoạn sắp tới.

Tới dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông; đồng chí Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí và các nhà báo, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí trong cả nước.

so ket 3 nam thi hanh luat bao chi 2016
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí.

Theo báo cáo tóm tắt sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 do đồng chí Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí trình bày tại Hội nghị, từ năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền Thông và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, khóa đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí. Đến nay, đã có hàng ngàn đối tượng được phổ biến, quán triệt về các nội dung của Luật Báo chí 2016.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền Thông còn phổ biến, tuyên truyền về các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Có thể nói, công tác phổ biến, quán triệt Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật đã được Bộ Thông tin và Truyền Thông thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả.

Nhiều bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí đều cho rằng qua gần 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 về cơ bản đã phù hợp và đảm bảo tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ cức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.

Mặc dù Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý và các hoạt động liên quan cho báo chí phát triển, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập. Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí và từ thực tiễn công tác quản lý, một số khó khăn vướng mắc được chỉ ra như: Quy định về báo chí in và báo chí điện tử; Về việc thỏa thuận bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; Về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Quy định về phóng viên; Về thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên…

Do đó, qua thực tiễn quản lý, ý kiến của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Tham gia tham luận tại Hội nghị, đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan thông tấn báo chí cũng cho rằng cần siết chặt hơn công tác quản lý trong việc cấp thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load