Thứ sáu 29/03/2024 22:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Siết tín dụng bất động sản: Thị trường khó giảm sâu

16:29 | 02/12/2019

(Xây dựng) - Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN với các quy định siết mạnh cho vay bất động sản đã khiến nhiều người lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó về nguồn vốn cả trung và dài hạn.

siet tin dung bat dong san thi truong kho giam sau
Việc ngân hàng Nhà nước siết tín dụng với bất động sản khó có thể khiến thị trường giảm sâu.

Theo đó, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Như vậy, sau 3 năm, lộ trình siết tín dụng bất động sản đã chính thức được chốt lại. Tỷ lệ này nhiều năm trước cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014, đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60% để rồi từng bước siết lại như cũ và kế hoạch tiếp tục trong 3 năm tới. Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng các điều kiện do ngân hàng đưa ra và có hệ số rủi ro 50%.

Song song với việc giảm nguồn tài chính – tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản, Nhà nước cũng tiến hành rà soát, thanh tra hàng loạt các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều dự án bị cơ quan có thẩm quyền dừng tiếp nhận xử lý hồ sơ thẩm duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án; thủ tục thẩm duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các công trình đối với công trình cấp I (trên 24 tầng) cũng đang bị kéo dài.

Theo các chuyên gia, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam hoạt động dựa vào 2 nguồn vốn: Vốn vay ngân hàng và vốn huy động trực tiếp từ khách hàng. Khi ngân hàng siết chặt nguồn vay cho cả doanh nghiệp và cá nhân, khiến cho việc tiếp cận các kênh vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn, thị trường bị chững lại.

Theo phân tích của Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoRea), nguồn vốn huy động từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn nước ta vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư (kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm), quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán... Đặc biệt, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn, nhưng thực tế, chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn.

Trong khi đó, ở nước ta, nếu được vay trung hạn, dài hạn, lãi suất lại cao hơn lãi suất vay ngắn hạn, còn ở các nước khác ngược lại, lãi suất vay trung hạn, dài hạn thấp hơn lãi suất vay ngắn hạn. Do vậy, theo HoRea, việc siết tín dụng có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng.

“Việc siết tín dụng vào bất động sản chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản. Trên thực tế, có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt người thu nhập thấp đô thị, tác động đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường bất động sản và công ăn, việc làm của người lao động”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoRea chia sẻ.

Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, đầu tháng 11, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động với kỳ hạn 3 - 6 tháng từ mức 5,8 - 6,2%/năm về mức 5%. Kỳ hạn 12 tháng trở lên lãi suất vẫn được giữa nguyên. Động thái này cho thấy, các ngân hàng đang tập trung huy động lượng tiền gửi dài hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đang có cuộc đua tăng lãi suất cho vay bất động sản. Bảng thống kê lãi suất tháng 11 cho thấy, mức lãi suất cho vay mua nhà với thời hạn 1 năm đang được BIDV duy trì ở mức 7,8% năm; Techcombank là 8,29%, ACB: 9,5%, VIB: 9,9%, VietinBank: 9,5%. Với kỳ hạn 2 năm, BIDV cho vay với lãi suất 8,8%, VietinBank là 10,5%, Vietcombank: 8,9%…

Theo các chuyên gia bất động sản, việc siết nguồn vốn tín dụng sẽ khiến cho thị trường bất động sản những năm tới thực sự khó khăn. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, thị trường sẽ khó giảm sâu. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 2,8 tỷ USD, xếp thứ hai về ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.

Cả nước có thêm trên 102.000 doanh nghiệp được thành lập mới, trong đó số lượng đăng ký hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản chiếm tới 32%, chưa kể số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Chỉ tính riêng quý III/2019 - thời điểm thị trường bất động sản giảm sâu nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây, tổng số doanh nghiệp bất động sản – xây dựng được thành lập mới là gần 13.000 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký trên 188.000 tỷ đồng (chiếm 13% số tổng số doanh nghiệp thành lập mới và 14,6% tổng vốn đăng ký).

Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load