Thứ bảy 20/04/2024 09:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

16:30 | 15/08/2019

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp Bộ Tư pháp về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Theo Bộ Xây dựng, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Chánh Thanh tra Bộ (1 người), Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành (19 người), Thanh tra viên (25 người).

Về thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên: Từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, 2008 đến Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mặc dù thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên đã được nâng lên, nhưng vẫn có sự chênh lệch khá lớn khi đối chiếu với các chức danh có thẩm quyền xử phạt khác.

Cụ thể: Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã trước đây là 500.000 đồng, nay là 5 triệu đồng (tăng 10 lần); thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên trước đây là 200.000 đồng, nay là 500.000 đồng (tăng 2,5 lần).

Theo quy định của pháp luật, thanh tra viên phải là người đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ mới được bổ nhiệm và là người trực tiếp kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ các vụ việc vi phạm hành chính. Nếu không có kiến thức chuyên môn sâu, người có thẩm quyền xử phạt không thể phát hiện và xử lý được những vụ việc vi phạm hành chính đặc thù trong những lĩnh vực như y tế, xây dựng, môi trường.

Bộ Xây dựng kiến nghị tăng thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên chuyên ngành nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng này, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành.

Về mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực: Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tối đa 500.000.000 đồng đối với lĩnh vực đất đai, tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là thị trường thu hút được nhiều nhà đầu tư, tỷ lệ giao dịch nhiều, giá trị giao dịch lớn nhưng mức phạt tối đa chỉ có 150.000.000 đồng không đảm bảo tính răn đe đối với các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn khi tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản có vi phạm.

Kiến nghị tăng mức phạt tối đa là 500.000.000 đồng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, kiến nghị bổ sung thêm hình thức xử phạt “tước chứng chỉ năng lực” của tổ chức vi phạm quy định tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Để bảo đảm hiệu quả cũng như tránh lúng túng trong việc áp dụng pháp luật, đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Điểm b, Khoản 1, Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”. Tuy nhiên, tại Luật Xây dựng còn quy định những hành vi bị nghiêm cấm như xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng, xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, xây dựng không đúng với thiết kế được phê duyệt… ngoài việc bị phạt tiền còn buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Kiến nghị sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 28, Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau: “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” thành “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm”.

Về cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 86, Luật xử lý vi phạm hành chính “cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt…”.

Tại Điểm I, Khoản 1, Điều 87, Luật xử lý vi phạm hành chính, Chánh Thanh tra, Chánh thanh tra Sở có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Khoản 1, Điều 88, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định quyết định xử phạt của mình và cấp dưới”.

Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định: “Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới”

Như vậy, người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đồng thời là người phải ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình và chủ trì tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Quy định như trên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm đối với chức danh Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở do không có lực lượng, bộ máy để chủ trì tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm. Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị đối với quyết định cưỡng chế của Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở quy định cho chính quyền cấp huyện nơi có công trình vi phạm tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong xử phạt vi phạm hành chính: Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính mới quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, chưa quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính. Trên thực tế, tại một số lĩnh vực như hoạt động đầu tư xây dựng, việc xử phạt có thể không đạt được mục tiêu ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính, nếu thiếu các biện pháp ngăn chặn cần thiết.

Trước đây, Luật Xây dựng năm 2003 có quy định biện pháp “Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với những công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc công trình xây dựng không đúng với giấy phép được cấp” (Khoản 5, Điều 67, Luật Xây dựng năm 2003).

Cụ thể hóa quy định này, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định biện pháp: Đình chỉ thi công xây dựng, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng đối với công trình vi phạm mà đã bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình. Biện pháp này không áp dụng ngay lập tức khi người có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; chỉ sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng nhưng không chấp hành mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì mới áp dụng biện pháp này. Đối với trường hợp này nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến việc phải áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm, gây thiệt hại về kinh tế cho cả Nhà nước và xã hội.

Ví dụ: Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, trong 2-3 ngày, một công trình xây dựng không phép đã có thể hoàn thành. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ gây thiệt hại không những tài sản của tổ chức, cá nhân vi phạm, mà Nhà nước còn phải trả chi phí không nhỏ để tổ chức lực lượng cưỡng chế tháo dỡ, thuê phương tiện, thiết bị thực hiện tháo dỡ, mặc dù theo quy định, tổ chức, cá nhân có vi phạm chịu trách nhiệm chi trả chi phí này.

Vì vậy, kiến nghị bổ sung các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có biện pháp: Đình chỉ thi công xây dựng, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, cấm phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng đối với tổ chức, cá nhân đã bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm; đồng thời bổ sung các quy định về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, các điều kiện, thủ tục chấm dứt việc áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Về biên bản vi phạm hành chính: Hiện nay, một số trường hợp biên bản vi phạm hành chính lập không đúng quy định pháp luật do vụ việc vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp, hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ, nên việc xác định hành vi vi phạm hành chính không chính xác. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định người có thẩm quyền lập biên bản được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính do lập không đúng, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.

Bộ Xây dựng kiến nghị: Quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế biên bản vi phạm hành chính.

Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính: Điểm d, Khoản 1, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”.

Tuy nhiên, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định “Vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng.

Quy định như trên, dẫn đến khó khăn, không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Việc lựa chọn áp dụng Điểm d, Khoản 1, Điều 3, hay áp dụng Điểm b, Khoản 1, Điều 10 sẽ tạo ra sự chênh lệch rất lớn về tổng giá trị tiền phạt hành chính, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đối tượng bị xử phạt, dễ phát sinh việc khiếu nại khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Để đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Xây dựng kiến nghị: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời” và nguyên tắc “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết  giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng” do đó, kiến nghị sửa đổi quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính lại như sau: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi”.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load