Thứ năm 18/04/2024 16:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quỳ Hợp (Nghệ An): Nâng cấp, sửa chữa trường Mầm non chạy thành tích rồi… “ôm nợ”

11:21 | 23/10/2019

(Xây dựng) - Nằm trong gói dự án nâng cấp, sửa chữa nhằm chạy đua thành tích để trường Mầm non Hạ Sơn, Quỳ Hợp (Nghệ An) được công nhận trường chuẩn Quốc gia theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, 11 hạng mục công trình được chủ đầu tư cho triển khai thi công và đưa vào sử dụng hơn 3 năm nhưng không hề có bất cứ thủ tục pháp lý theo quy định, để rồi “ôm nợ” vì không có khả năng thanh toán.

11 hạng mục tại trường Mầm non Hạ Sơn được triển khai thi công và đưa vào sử dụng hơn 3 năm không có thủ tục pháp lý xây dựng.

Không có thủ tục pháp lý vẫn thi công 11 hạng mục công trình

Để chạy đua thành tích đạt chuẩn Quốc gia vào cuối năm học 2016-2017 theo chỉ đạo của UBND, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã đề xuất và tiến hành nâng cấp nhiều hạng mục công trình của trường Mầm non Hạ Sơn còn thiếu và dang dở. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, trường Mầm non Hạ Sơn đã tiến hành triển khai 11 hạng mục công trình với tổng dự toán hơn 750 triệu đồng do trường Mầm non Hạ Sơn làm chủ đầu tư. Bước vào đầu năm học 2017-2018 các hạng mục công trình của trường hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với đó nhà trường đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Quốc gia mức độ.

Ngày 16/8/2016, để chạy đua thành tích đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 của trường Mầm non Hạ Sơn, đích thân ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đã trực tiếp về trường làm việc và chỉ đạo đơn vị này huy động các nguồn lực hợp pháp để xây dựng các hạng mục công trình. Theo đó, các hạng mục được triển khai bao gồm: Xây dựng, cải tạo bếp 1 chiều; cải tạo lại cổng 2 vùng trường; lát sân (lát gạch block); trồng cây xanh ở điểm chính và điểm lẻ; bổ sung dàn sân khấu ngoài trời; cải tạo sân chơi, vườn hoa, cây cảnh, vườn thiên nhiên…

Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND huyện, trường Mầm non Hạ Sơn đã ồ ạt xây dựng hàng loạt công trình nêu trên để nhanh chóng đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi chỉ đạo trường xây dựng, cải tạo các hạng mục công trình, UBND huyện Qùy Hợp lại không kiểm tra, giám sát, cũng như hướng dẫn nhà trường làm tờ trình, chủ trương cũng như hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật. Thêm vào đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng không nắm được các thủ tục pháp lý cũng như các bước triển khai được giao là chủ đầu tư và tự ý xây dựng các hạng mục công trình mà không có sự hướng dẫn, giám sát của các cơ quan chức năng và phòng, ban chuyên môn.

Các hạng mục triển khai thi công và đưa vào sử dụng tại trường Mầm non Hạ Sơn khi chưa có thủ tục pháp lý theo quy định.

Theo như ông Kim Thành Xuyên - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết: “Liên quan đến 11 hạng mục công trình nâng cấp sửa chữa tại trường Mầm non Hạ Sơn được thi công vào năm học 2016-2017, phòng Kinh tế và Hạ tầng không tiếp nhận bất cứ hồ sơ nào về dự án này. Đến thời điểm hiện tại Phòng cũng không thẩm định kỹ thuật, thẩm định dự toán cũng như tham gia nghiệm thu công trình trường Mầm non Hạ Sơn”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chung - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quỳ Hợp cho biết: “Việc hoàn thiện hồ sơ thẩm định tài chính, nguồn vốn của các công trình theo quy định là do chủ đầu tư trình lên Phòng. Dù các công trình đã hoàn thiện và đi vào sử dụng được 3 năm rồi, tuy nhiên đến nay phòng Tài chính vẫn không nhận được bất cứ hồ sơ nào của trường Mầm non Hạ Sơn để xin thẩm định. Tôi cũng đã liên hệ với bên B thi công 1 số hạng mục tại trường thì doanh nghiệp này cũng thừa nhận đã làm cho nhà trường, không có hồ sơ pháp lý liên quan và nhà trường đang nợ tiền đến nay chưa trả”.

“Ôm nợ ” vì chạy đua trường chuẩn Quốc gia bằng mọi giá

Đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 là niềm vui, hân hoan của các giáo viên trường Mầm non Hạ Sơn cũng như các phụ huynh có con em theo học tại trường. Đặc biệt hơn, lại là địa bàn thuộc xã 135, huyện miền núi Quỳ Hợp lại có ý nghĩa hơn cả. Tuy nhiên, trải qua thời gian kể từ ngày đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, ngôi trường này lại rơi vào cảnh nợ lên đến hơn 400 triệu đồng và gần như khó có khả năng thanh toán. Hàng năm, nhà trường không có thêm nguồn thu, không vận động được xã hội hóa vì người dân nơi đây chủ yếu là con em của các gia đình hộ nghèo, cận nghèo.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Vi Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng trường Mầm non Hạ Sơn cho biết: “Được sự chỉ đạo của UBND huyện và phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp, nhà trường đã tiến hành xây dựng các hạng mục công trình để đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, sau khi đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, nhà trường lại không thu được nguồn xã hội hóa nên dẫn đến cảnh phải nợ tiền các nhà thầu. Ngoài một số ít tiền được thưởng sau khi trường đạt chuẩn Quốc gia thì mấy năm nay trường không có nguồn thu để trả nợ, Ban Giám hiệu nhà trường đã có báo cáo với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết”.

Kể từ ngày đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, ngôi trường này lại rơi vào cảnh nợ lên đến hơn 400 triệu đồng và gần như khó có khả năng thanh toán.

Trong khi đó, ông Hồ Bình Minh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp cho rằng: “Phòng cũng đã nhận được báo cáo của Trường Mầm non Hạ Sơn về việc nợ kéo dài sau khi đạt chuẩn Quốc gia hơn 400 triệu đồng. Việc trường nợ kéo dài là “một sự cố” trong lộ trình huy động vốn để xây dựng. Khi làm thì có kế hoạch, lộ trình trả nợ từ nguồn xã hội hóa (nay là vận động tài trợ). Song, khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không vận động tài trợ xây dựng đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo nên dẫn đến tình trạng đó. Tới đây, Phòng sẽ tham mưu với huyện để tìm hướng giải quyết thực trạng này”.

Như vậy, chỉ vì đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sửa chữa trường Mầm non Hạ Sơn để kịp đạt chuẩn Quốc gia mà chủ đầu tư là trường Mầm non Hạ Sơn đã bỏ qua luôn khâu thủ tục pháp lý như: Thẩm định thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự toán… trong khi đó, dù chưa xác định được nguồn vốn cụ thể, rõ ràng, nhà trường đã tiến hành xây dựng nhiều hạng mục công trình với tổng dự toán lên đến hơn 750 triệu đồng dẫn đến việc không quản lý chặt theo Luật Đầu tư công đã hiện hữu. Mặt khác, ngôi trường lại nằm ở khu vực xã 135, khó khăn với đa phần là hộ nghèo, cận nghèo nên công tác vận động xã hội hóa, tài trợ không có nhưng lại được chính quyền sở tại đưa nguồn thu này vào nguồn trả nợ chính cho việc đầu tư xây dựng các hạng mục của trường dẫn đến khoản nợ lớn liệu có phù hợp?

Trớ trêu thay, sự việc triển khai thi công nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng 11 hạng mục tại một ngôi trường công lập nhưng phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quỳ Hợp lại không nhận được bất kỳ hồ sơ pháp lý nào liên quan đến dự án này, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề này chúng tôi xin chuyển đến UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) sớm đưa ra câu trả lời thỏa đáng với nhân dân và dư luận.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Quang Hợp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load