Thứ bảy 30/03/2024 10:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Tỉnh táo để vượt lên!

15:48 | 04/06/2019

(Xây dựng) - Kinh tế đất nước trong thách thức khó khăn vẫn mở lấy lối ra. Dù kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những biến động khó lường, nhưng quyết tâm chỉ đạo từ vĩ mô vẫn rất quyết liệt bám sát các mục tiêu mà Quốc hội giao cho Chính phủ và các bộ ngành.

quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi tinh tao de vuot len

1. Chính phủ quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu của năm 2019 với tinh thần bứt phá. Thì đó năm tháng đi qua, thời gian vun vút đâu có đợi ai, phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, đất nước vẫn ngời lên những con số ấn tượng. Kinh tế vĩ mô giữ vững, an sinh bảo đảm, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, khách du lịch đến với Việt Nam nhiều hơn. Vị thế, uy thế quốc gia đã nâng lên một tầm mới. Nhưng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước bao giờ cũng nhắn nhủ cả hệ thống chính trị không bao giờ được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế"!

Thành tích nói ít thôi, cần hơn thế là mổ xẻ đến cùng những gì còn yếu kém để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đó chính là tư duy điều hành nền kinh tế quốc gia đang quyết liệt đổi mới một cách thực chất!

Rất mừng người đứng đầu Chính phủ luôn nhất quán trong chỉ đạo các thành viên Chính phủ: Đó là từng bộ ngành phải nhìn lại chính mình trong vai trò quản lý nhà nước! Đổi mới, bứt phá gì cũng phải đi vào thực chất. Phải mổ xẻ vì sao các bộ ngành nói bứt bỏ thủ tục hành chính mà DN và người dân vẫn than trời về những công bộc hành dân, về những sợi dây níu giằng còn cố giăng ra. Mới hay: Cuộc sống từng ngày diễn ra bao vấn đề nóng, thì cách nhìn của các "tư lệnh" ngành thế nào? Không phải việc chỉ đạo, điều hành nào các bộ ngành đều bắt trúng thực tiễn cả đâu. Có hay DN và người dân vẫn phàn nàn việc này, bức xúc việc kia. Có biết vẫn còn tình trạng chính các bộ ngành chưa thật sự chung tay ở những lĩnh vực mang tính liên ngành. Có không bộ nọ còn nhìn ngó chờ đợi ngành kia? Có không tình trạng "ngâm" hồ sơ văn bản để người dân và DN phải "ngửa cổ" chờ? Có thấu tình trạng DN thân hữu, DN "sân sau" vẫn đang là rào cản, nghịch lý tạo ra sự trong cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng "đá chân nhau", theo cách hành xử của các DN ỷ thế, cậy uy "thân hữu" với lãnh đạo các tỉnh thành trong đấu thầu, chỉ định thầu các dự án vẫn còn kia những chuyện đủ cả vui buồn.

Chỉ khi dư luận, báo chí lên tiếng, Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, thì ngành nọ bộ kia mới như "chạy loạn" lo xử lý, còn không vẫn cứ ngó lơ như việc của ai. Đã lộ ra cả dự án lớn đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh không chỉ giữ kỷ lục về ỳ trệ, thất hứa nhiều lần, mà còn cả sự "đội vốn" quá khủng. Giật mình hơn dự án từ 8.770 tỷ đồng Bộ GTVT tự ý nâng lên 18.000 tỷ chả cần báo cáo Quốc hội, cố tình "qua mặt" cả Quốc hội mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra. Không biết sẽ xử lý người "ký tá phê duyệt" thế nào đây(?). Đến cả vụ ông chủ DN Nhật Cường Bùi Quang Huy mà Bộ Công an đang phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế, liệu có lỗ hổng nào không?

Không thể nói bảo vệ quyền công dân và quy định của luật pháp chưa kín cạnh, mà không đưa việc giám sát con người, đưa việc phong tỏa tài sản của đối tượng sai phạm lớn vào "tầm ngắm". Nếu đó là khoảng trống pháp lý, thì nhân Quốc hội đang họp cần có quy định bổ sung ngay. Phải giám sát từ xa để các đối tượng không thể "diễn bài" cao chạy xa bay trước khi bị khởi tố gây tổn công sức bạc tiền để truy nã.

2. Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội mấy ngày qua rất nóng về sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư công. Quy hoạch chồng chéo, thiếu liên thông, dự án mở ra quá nhiều để "treo chờ" chưa được giám sát chặt chẽ đã "phơi ra" nhiều hệ lụy. Tình trạng đua nhau mở dự án, cắp cặp tìm cửa nhờ vả "xin -cho", ríu chân "chạy" dự án từ các nhiệm kỳ trước đang để lại gánh nặng. Thu hút đầu tư ào ạt, thẩm định không kỹ, giờ lộ ra những "nút thắt" và lỗ hổng rất lớn. Giải thích thế nào khi tới 50% số DN FDI không nộp cho ngân sách một đồng, nhưng nhiều DN khoác "áo ngoại" trong số các DN này vẫn mở rộng sản xuất?

Mới thấy đất nước mở quá nhiều KCN, vì khát vọng lấp đầy đã trải thảm quá đỏ chăng? Nhìn xem ngành điện EVN vay nợ rất lớn để làm ra điện, nhưng cứ cung ứng điện thoải mái vô tư cho những DN FDI né thuế, chuyển giá sản xuất những mặt hàng ngốn rất nhiều điện năng liệu có nên? Có hay cô bác nhà nông phải bàn giao đất để mở công nghiệp, nhưng trao đất vào tay những DN chả nộp một đồng cho ngân sách, đó là lỗ hổng trong chiến lược điều hành nền kinh tế quốc gia? Chính các Bộ: KH&ĐT, KH&CN, TN&MT, Tài chính, Công Thương... cần ngồi lại với nhau đi. Bộ KH&ĐT trả lời vì sao quy hoạch còn chồng chéo, đến mức như băm nát? Phải chăng quy hoạch nắn chỉnh chạy theo nhiệm kỳ, hay có cái "vòi bạch tuộc" lợi ích nhóm thò vào? Bộ KH&CN nhìn lại các thiết bị máy móc các DN FDI, các DN trong nước "bê về" đã thật hiện đại chưa? Bộ Tài chính đã có kế sách gì với các DN FDI né thu, trốn thuế, chuyển giá? Bộ TN&MT đã vào cuộc quyết liệt với xử lý ô nhiễm môi trường ở các KCN xả thải loạn xạ không tuân thủ quy chuẩn chưa? Bộ Công Thương đã tính đến thị trường xuất nhập khẩu phải có đối sách thế nào khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rất nóng đang còn diễn biến khó lường?...

Đã đến lúc chiến lược kinh tế phải nhìn lại để căn chỉnh cho đúng dòng đúng hướng, khi đất nước rộng mở đang hội nhập ngày càng sâu rộng ra thế giới. Cơ chế thị trường không thể cứ đem hạt gạo, trái cây, con cá, con tôm "rao ời ợi" đi chào hàng thế giới. Đã đến lúc phải tính xa dài xem thị trường các nước Nhật, châu Âu, Hoa Kỳ... cần gì để chúng ta đáp ứng. Rõ ràng thương hiệu đất nước phải được xây dựng bồi đắp từ chính lòng tin của người dân và DN với tâm thế sản xuất kinh doanh trung thực. Phải tính đến việc chăm lo, chắt chiu từ chính thương hiệu của từng DN và thương hiệu của từng sản phẩm. Thị trường thế giới ngày càng khó tính, đòi hỏi các DN trong nước phải thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, đặt lên trên hết chất lượng sản phẩm. Càng thấy sức cạnh tranh của các DN trong nước còn rất non, rất yếu. Non về tầm nhìn thực tiễn trước mắt. Yếu về chiến lược sản xuất kinh doanh xa dài. Đã thế lại còn bị những sợi dây của những thủ tục hành chính không đáng có níu giằng vẫn chưa chịu bứt bỏ hết.

Ai sẽ lo tháo gỡ những sợi dây ngang dọc này? Rõ ràng phải từ khâu xây dựng và kiến tạo chính sách. Tư duy "xin - cho", hành xử kiểu "ban ơn" phải bứt bỏ ngay, mới mong chính sách đi vào cuộc sống. Còn cứ lợi ích bộ ngành co kéo, còn tư tưởng cục bộ địa phương, thì chính chúng ta đang tự buộc tay ta (?).

Tuân thủ cơ chế thị trường, do thị trường điều tiết là không thể khác! Nhưng câu chuyện tăng giá xăng dầu, tăng giá điện vừa qua, vì sao lại nóng bỏng dư luận đến thế? Đó lại là câu chuyện "minh bạch và công khai", nhưng lại chưa "công khai minh bạch"? Cách giải thích của Bộ Công Thương và Tập đoàn EVN chưa làm cho DN và người dân "tâm phục khẩu phục"! Đừng vội đổ lỗi cho truyền thông, mà chính Bộ Công Thương và ngành Điện phải "soi lại". Đưa ra ý tưởng "bí mật" giá thành điện có đúng quy định của luật pháp không? Việc để tới 6 bậc thang cho giá điện còn hợp lý nữa không? Cần một sự dũng cảm từ vĩ mô để "soi" lại các quyết định chính sách "ban ra" xem đã đi vào thực tiễn đời sống chưa? Cơ chế thị trường giá điện tăng giảm là không thể khác. Nhưng vì sao giá điện chỉ tăng, mà không bao giờ chịu giảm? Vì sao hàng loạt DN FDI né thuế, trốn thuế, chuyển giá chả nộp một đồng ngân sách mà đất nước cứ phải đi vay nợ lớn để về làm ra điện, lo cung ứng điện cho những DN này?

Mới thấy chỉ đạo của người đứng đầu Đảng - Nhà nước: Làm cái gì cũng phải được người dân đồng thuận. Việc gì DN và người dân bức xúc, bất bình, dứt khoát phải xem lại đi!

3. Nếu tư duy cái gì cũng chạy theo đồng tiền, lấy đồng tiền làm thước đo, thì tệ nạn chạy chọt lo lót trong xã hội sẽ gây ra đủ hệ lụy khó lường. Trật tự trị an từ đô thị, đến các vùng quê xa nẻo đã thật yên lòng dân chưa? Quốc hội đang họp mà chuyện thi cử gian lận ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình... vẫn chưa hết nóng, chính là tình trạng đồng tiền đang tác oai tác quái cả vào trường học - nơi "dạy người, dạy chữ". Tư lệnh ngành GD&ĐT trải lòng như cởi ruột rằng: Càng ngày ông càng "ngấm" về hai tiếng "niềm tin", thì phải tự hỏi chính mình: Vì sao lại để mất đi "niềm tin" quá lớn về những lỗ hổng quá to trong tổ chức thi cử như thế? Lạ một điều, đến cả đại biểu Quốc hội giữ vị trí "quyền Chủ tịch" tỉnh Sơn La sao có thể cố tình quyết liệt từ chối báo chí về thi cử gian lận quá tai tiếng ở Sơn La đang quá nóng? Phải chăng sợ sự thật, hay còn nguyên do nào khác, mà không hay trách nhiệm cao nhất khi là đại biểu của dân phải lên tiếng bảo vệ "quyền được thông tin" chính đáng của người dân!

Minh bạch công khai phải đi trước! Minh bạch từ quy hoạch tổng thể tất cả các lĩnh vực, cho đến sử dụng từng đồng tiền thuế của dân, dứt khoát phải được giám sát chặt. Quyền giám sát ấy không chỉ ở các cơ quan của Quốc hội, mà phải bằng cả "tai mắt" của người dân! Đừng sợ dân biết, đừng ngại dân giờ trình độ dân trí khác xưa mà bộ nọ ngành kia còn cố tình "ban ra" những quy định kiểu áp đặt! Gần dân, lắng nghe dân, đừng giấu dân điều gì! Chỉ có thế, và hơn thế phải biết nghe dân. Người dân trí tuệ, thông minh sẽ chỉ cho việc gì các "công bộc", các bộ ngành cần làm, và việc gì nên tránh! Như những góp ý của dân về Luật Quy hoạch, về Luật Đầu tư công, Luật Giáo dục, Luật Lao động tăng giảm tuổi nghỉ hưu với những chính sách, quy định thế nào cho đúng!

Phải đặt vào vị trí DN và người dân, các bộ ngành và chính quyền 63 tỉnh thành mới biết phải làm gì!

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load