Thứ sáu 19/04/2024 10:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quốc hội khoá XIV: Nông thôn mới đạt kết quả cao nhưng đời sống nhân dân còn thấp

15:16 | 06/11/2019

(Xây dựng) – Trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã đạt được kết quả bứt phá, 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại; đời sống người dân vùng nông thôn mặc dù tăng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu mục tiêu ban đầu nhưng vẫn còn thấp.

Quốc hội khoá XIV: Nông thôn mới đạt kết quả cao nhưng đời sống nhân dân còn thấp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).

Sáng 6/11, trong phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đặt câu hỏi: Không phủ nhận những kết quả đạt được về nông thôn mới. Song, thời gian qua mới tập trung vào xây dựng thiết chế hạ tầng, kinh tế - xã hội chưa thực sự chuyển biến nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, Bộ có giải pháp như thế nào nhằm đẩy phương thức sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân?

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Phạm Văn Tuân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã đạt được những kết quả bứt phá. Thủ tướng Chính phủ từng nói đây kết quả lịch sử, toàn bộ thiết chế hạ tầng trong vòng 9 năm được nâng lên, với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư. Trong thời gian rất ngắn, 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện, đây là một kết quả đặc biệt.

Tuy nhiên còn những mặt khác tồn tại, một là đời sống người dân vùng nông thôn mặc dù tăng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu mục tiêu ban đầu là 2,5 lần. Nhưng so với thực tế, so với yêu cầu vẫn còn thấp.

Mục tiêu thứ hai chưa đảm bảo đó là môi trường, hiện nay mới đảm bảo có 63,7% số xã có thu gom rác thải, còn bước xử lý triệt để lại hoàn toàn khác. Bên cạnh đó là môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên còn cả là vấn đề.

Thứ ba là sản xuất liên kết, hình thành sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn, rõ ràng định dạng ra được nhưng chưa phổ biến, do đó dẫn đến nhiều vùng miền, đặc biệt Thái Bình, hiện nay người dân không còn mặn mà với rộng đất, đây là câu hỏi thời gian tới chúng ta cần tích tụ, tháo nút, liên kết hợp tác xã.

Trả lời về hướng giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Thủ tướng Chính phủ giao ngành Nông nghiệp cùng các ngành khác chuẩn bị tham mưu, để tới đây năm 2021, 2025 định dạng cho rõ, tập trung nguồn lực, nhóm giải pháp giải quyết cho được nút thắt những vấn đề tồn tại. Đó là thúc đẩy sản xuất, văn hoá xã hội, môi trường, tổ chức sản xuất lớn”.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cũng đưa câu hỏi chất vấn: Nông thôn mới hình thành góp phần nâng cao dân trí của vùng, nhưng vẫn còn chênh lệch về giàu nghèo, chất lượng y tế. Đâu là giải pháp căn cơ, đòn bẩy để rút ngắn chênh lệch nêu trên?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Yến Linh về chênh lệch giàu nghèo và mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Nếu không có chính sách quyết liệt và chỉ đạo thì đến nay sẽ có khoảng dãn về chênh lệch giàu nghèo, các thiết chế hạ tầng xã hội. Đây cũng là "rốn" của phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Do đó, cần có sự đầu tư thích đáng cho khu vực này.

Liên quan đến chương trình nông thôn mới, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng đặt câu hỏi: Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chương trình này là gì? Làm thế nào để phát triển nông thôn mới ở các vùng sâu, vùng xa. Các xã đã về đích rồi, đạt rồi làm gì để duy trì kết quả?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay khó khăn nhất trong chương trình nông thôn mới là ở vùng sâu vùng xa, miền núi và vùng biên giới hải đảo. Những khó khăn trong chương trình nông thôn mới không thể nói một ngày được bởi có nhiều cái khó. Khó về nguồn lực, sự chỉ đạo, phương thức chỉ đạo, tổ chức sản xuất, duy trì văn hoá. Do đó chúng tôi xác định, các khu vực này đang là điểm nóng.

Bộ trưởng cũng lấy ví dụ tại Tây Bắc cuối năm nay mới đạt khoảng 28%, nếu tổng kết theo cụm chỉ được 26%.

“Như vậy, tỷ lệ còn rất nhiều, đây là vùng rất khó, nguồn lực Nhà nước chỉ có hơn 10%. Do đó, thời gian tới chúng ta phải tích cực khuyến khích người dân bởi sức dân là rất lớn, cùng với đó là sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo toàn diện, thời gian tới sẽ khắc phục được những khó khăn này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load