Thứ bảy 20/04/2024 16:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phú Thọ: UBND xã cho người có dấu hiệu thần kinh không bình thường tham gia hòa giải

11:12 | 10/05/2019

 

(Xây dựng) - Báo điện tử Xây dựng đã đăng bài “Người cựu chiến binh quyết đòi lại đất cho Nhà nước”. Bài báo phản ánh: Năm 1994, cựu chiến binh Phùng Đức Sáu (khu 5, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) được lâm trường Thanh Hòa (nay là kiểm lâm huyện Hạ Hòa) giao cho 24,8ha đất đồi trọc để trồng rừng phòng hộ.

Nhận đất, ông Phùng Đức Sáu đã bỏ rất nhiều công sức làm đường, làm rãnh ngăn lửa, kéo điện... để trồng rừng. Và đến nay, khu rừng phòng hộ do ông Sáu trồng, quản lý và bảo vệ đã lên xanh. Thế nhưng, ông Phùng Văn Hậu (cùng địa chỉ) đã chiếm 2.780m2 đất rừng phòng hộ do ông Sáu trồng, quản lý và chăm sóc, chặt cây để trồng chè. Tuy ông Phùng Đức Sáu đã nhiều lần yêu cầu ông Phùng Văn Hậu trả đất rừng phòng hộ cho Nhà nước, nhưng ông Phùng Văn Hậu nhất định không trả.

Việc tranh chấp đã kéo dài nhiều năm, đã hòa giải ở xã nhưng không thành, đưa lên Toà án nhân dân (TAND) huyện Hạ Hòa. Nhưng TAND huyện trả lại hồ sơ, yêu cầu xã tiến hành hòa giải lại do hòa giải không đúng quy định, nhưng UBND xã không chấp nhận. Sự việc lâm vào bế tắc, đất rừng phòng hộ của Nhà nước vẫn bị chiếm.

Gặp lại chúng tôi, cựu chiến binh Phùng Đức Sáu cho biết: Mấy đời Chủ tịch xã trước đã định biến diện tích rừng phòng hộ do ông quản lý, chăm sóc thành rừng sản xuất, nhằm mục đích xâu xé, chia chác nhau. Nhưng do ông kiên quyết dùng các công cụ pháp luật để bảo vệ nên lãnh đạo xã đã không làm gì được. Nếu không, rừng đã bị chặt hết rồi.

Nhắc đến việc ông Phùng Văn Hậu chiếm đất rừng, ông Phùng Đức Sáu rất bức xúc: “Trong cuộc hòa giải do UBND xã Hương Xạ tổ chức ngày 19/9/2018, bà Hoàng Thị Yến (vợ ông Phùng Văn Hậu) nói gia đình bà ấy làm nhà trên đất rừng đó từ năm 1972, là nói không đúng! Thực ra, bà ấy có làm nhà tại đó, nhưng là làm theo hình thức lấn chiếm đất của Nhà nước… làm năm 1987 chứ không phải năm 1972. Chính tôi cũng giúp ông bà ấy làm nhà. Ở được một thời gian, bà ấy phát bệnh, có biểu hiện của người bị tâm thần, đi lại lung tung, nói năng lảm nhảm, người dân ở đây gọi là bị ma làm. Từ đó đến nay, đầu óc bà ấy trở nên không bình thường. Do bị bệnh nên bà ấy mới chuyển nhà đi, đất bỏ hoang. Đến năm 1994, Nhà nước giao đất đó cho tôi để trồng rừng phòng hộ. Ông Hậu cùng với 13 hộ khác mượn đất của tôi để trồng cây ngắn ngày. Đến năm 1998, 13 hộ dân đã trả lại đất, chỉ riêng ông Hậu là không trả còn chặt cây rừng phòng hộ để trồng chè.

Tại cuộc hòa giải ngày 19/9/2018, bà ấy không có giấy ủy quyền của ông Hậu, nhưng UBND xã vẫn để bà ấy tham gia hòa giải. Trong cuộc hòa giải đó, bà ấy bảo: Nhà nước đã giao đất ấy cho tôi sử dụng lâu dài. Tôi nói: Cấp có thẩm quyền nào ra quyết định giao đất ấy cho bà, thì bà đưa ra đây. Nếu bà có cái quyết định đó, thì tôi không bao giờ đòi đất của bà nữa và xin lỗi bà. Nhưng bà ấy không đưa ra được. Vì làm gì có mà đưa?”.

Chúng tôi hỏi ông Phùng Đức Sáu: Từ ngày TAND huyện Hạ Hòa trả hồ sơ yêu cầu xã Hương Xạ tiến hành hòa giải lại đến nay, nhưng xã không tiến hành, ông có hỏi UBND xã lý do tại sao không ?

Họ trả lời là “Do ông Hậu bị ốm. Thực ra ông ấy có ốm đau gì đâu, vẫn khỏe như vâm. Chỉ là do họ không muốn làm nên mới nói vậy thôi”.

Tại biên bản đo đất ngày 10/6/2015 của Đoàn Kiểm lâm huyện Hạ Hòa, do Phó Hạt trưởng hạt kiểm lâm Hạ Hòa Nguyễn Văn Sơn làm Trưởng đoàn, có cả bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, đại diện UBND xã Hương Xạ tham gia. Gia đình ông Phùng Văn Hậu không có tên trong danh sách các hộ liền kề với khu rừng phòng hộ do ông Phùng Đức Sáu quản lý. Điều đó đã chỉ rõ, 2.780m2 đất trồng chè của ông Hậu là đất rừng phòng hộ.

Cũng cần phải nói thêm về trách nhiệm của hạt kiểm lâm huyện Hạ Hòa. Kiểm lâm có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, chống lại việc người dân lấn chiếm, xâm hại rừng. Trước việc ông Hậu lấn chiếm đất rừng phòng hộ, ông Phùng Đức Sáu đã báo cáo rất nhiều lần, nhưng kiểm lâm huyện Hạ Hòa vẫn coi như không biết.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ông Hoàng Trọng Hiếu - đương kim Bí thư Đảng ủy xã Hương Xạ hiện nay là cháu gọi bà Hoàng Thị Yến bằng cô ruột. Ông Tạ Văn Liễu - đương kim Chủ tịch UBND xã Hương Xạ hiện nay là con rể bà Hoàng Thị Yến. Phải chăng vì thế mà lãnh đạo xã đã cho bà Yến, một người có thần kinh không bình thường, lại không có giấy ủy quyền của người chiếm đất, tham gia hòa giải với người bị chiếm đất.

Và phải chăng đây cũng chính là “thủ thuật” của lãnh đạo xã Hương Xạ: Cố tình tổ chức một buổi hòa hải không đúng quy định. Rồi khi bị TAND huyện trả hồ sơ yêu cầu hòa giải lại, thì không chấp hành, khiến TAND huyện không thể nào đưa vụ kiện ra xét xử được, tạo điều kiện cho ông Phùng Văn Hậu tiếp tục chiếm rừng phòng hộ.

Người viết bài báo cho rằng: UBND xã Hương Xạ cần làm rõ tư cách pháp nhân; xác định bệnh tình của bà Yến trong các cuộc hòa giải. Nếu bằng chứng đã rõ như ông Sáu đưa ra tranh luận thì UBND huyện Hạ Hòa cần ra quyết định thu hồi 2.780m2 đất rừng phòng hộ do ông Phùng Văn Hậu lấn chiếm. Nếu ông Hậu không trả đất thì căn cứ quy định pháp luật tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất về cho Nhà nước. Vụ việc rất cần sự vào cuộc chỉ đạo của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ.

Vũ Hữu Sự

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load