Thứ sáu 29/03/2024 22:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phú Thọ: Tháo gỡ khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

21:22 | 19/06/2019

(Xây dựng) - Trong khi khối lượng rác thải ngày một gia tăng thì công tác quy hoạch, xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung ở Phú Thọ lại thiếu đồng bộ, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Điều này khiến rác thải tồn đọng dài ngày, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự và đời sống của người dân. Đã đến lúc tỉnh Phú Thọ cần có cách nhìn thấu đáo, căn cơ về công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.


Nhân viên thu gom rác trên địa bàn thị xã Phú Thọ vận chuyển rác thải sinh hoạt về điểm tập kết, xử lý rác tập trung góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 704,42 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt có lượng và thành phần đa dạng, có sự khác nhau phụ thuộc vào mức sống người dân và sự phát triển công nghiệp, thương mại của từng địa phương.

 Tại khu vực đô thị đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại 300/313 khu dân cư, đạt 95,8%. Người dân thực hiện tập kết rác thải tại các điểm tập kết ven các trục đường, khu trung tâm, hàng ngày có công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết lên xe chuyên dụng vận chuyển rác thải về nơi xử lý.

Tại TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng) rác thải được thu gom, vận chuyển về nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý.

Tại đây, rác hữu cơ được chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp; nilon được rửa sạch tái chế lại làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa; nhựa không tái chế, cao su… và rác thải trơ khác được đem chôn lấp; gạch đá, sạn sỏi, vỏ sò, hến, thủy tinh xử lý nghiền sàng theo công nghệ hóa rắn sản phẩm thu hồi gạch không nung phục vụ cho xây dựng.

Tại các thị trấn: Cẩm Khê, Hưng Hóa, Thanh Ba và Thanh Thủy rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý bằng 04 lò đốt cỡ nhỏ được đầu tư; các thị trấn còn lại, rác thải đang thực hiện chôn lấp tạm thời bằng các bãi chôn lấp của địa phương không đảm bảo hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Tại khu vực nông thôn, mạng lưới thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom tại 1.022 khu dân cư trong tổng số 1.579 khu dân cư tập trung ở nông thôn, đạt 65% số khu dân cư phải thu gom, xử lý rác thải tập trung. Công tác thu gom được người dân tập kết rác thải ven trục đường chính, định kỳ hợp tác xã (HTX), tổ vệ sinh đi thu gom về điểm tập kết của xã, khu.

Hiện rác thải sinh hoạt nông thôn đang được xử lý bằng ba hình thức: Hình thức vận chuyển về nhà máy xử lý: Tại các xã nông thôn của thị xã Phú Thọ, TP Việt Trì, huyện Lâm Thao và một số xã của huyện Phù Ninh, rác thải được vận chuyển về nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì để xử lý; Hình thức chôn lấp đang diễn ra phổ biến trên địa bàn các huyện miền núi với biện pháp chôn lấp chưa đảm bảo hợp vệ sinh.

Ngoài ra, ở các khu dân cư tại các xã vùng sâu, vùng cao nhân dân đang sử dụng hố chôn lấp tại hộ gia đình theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát; Hình thức xử lý rác thải bằng phương pháp đốt: Hiện nay, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị 06 lò đốt để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh đặt tại các xã Vô Tranh (Hạ Hòa), Ngọc Lập (Yên Lập), Hoàng Xá (Thanh Thủy), Phú Lộc (Phù Ninh), Hương Nộn (Tam Nông) và xã Đỗ Sơn (Thanh Ba). Tại một số nơi còn sử dụng lò đốt mini quy mô hộ gia đình hoặc đốt rác thải lộ thiên.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, máy móc và trang thiết bị phục vụ công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Về phương tiện thu gom: Đã trang bị tương đối đầy đủ phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải với 24 xe ép rác (loại từ 2,5 đến 7 tấn); 14 xe ôtô (loại từ 1,5 đến 7 tấn); 22 xe công nông; 1.090 xe đẩy tay, xe lam, xe 3 bánh và các phương tiện thô sơ khác được trang bị cho 02 công ty môi trường đô thị, 08 Ban quản lý công trình công cộng, 29 HTX và 92 tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

Về điểm tập kết, trung chuyển và xử lý: Đã xác lập được 07 điểm tập trung chất thải rắn tại 06 huyện để thu nạp chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư 09 lò đốt rác thải sinh hoạt tại 07 huyện để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh, đồng thời tổ chức cải tạo, nâng cấp Nhà máy xử lý chất thải rắn Vân Phú, TP Việt Trì duy trì xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và một số xã của huyện Phù Ninh.

Đặc biệt, Phú Thọ đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp xử lý chất thải tại Trạm Thản, huyện Phù Ninh và thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện có công suất 500 tấn/ngày đêm (đã bàn giao mặt bằng, dự án đang trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường). Trong năm 2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện (giai đoạn I) tại xã Trạm Thản để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trong toàn tỉnh, khi đó rác thải sinh hoạt của tỉnh cơ bản sẽ được xử lý đảm bảo yêu cầu.

Trang Lê

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load