Thứ năm 25/04/2024 18:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phép nước cần một tiếng “nghiêm”!

14:25 | 24/10/2019

(Xây dựng) - Điều hành kinh tế - xã hội một quốc gia đi vào hội nhập thì kỷ cương phép nước dứt khoát phải đi vào quỹ đạo. Trong bức tranh kinh tế tăng trưởng ngày càng sáng láng, trong niềm vui về sức cạnh tranh quốc gia tăng thêm 10 bậc càng đòi hỏi cả đất nước phải bứt phá mạnh mẽ hơn.

phep nuoc can mot tieng nghiem

Nhìn thẳng và “tự soi”, chính là tư duy đổi mới của một đất nước với quyết tâm không chịu thua bạn kém bè. Nhìn thẳng mới thấy còn nhiều bất cập và lỗ hổng ở nhiều lĩnh vực. “Tự soi” mới thấy không chỉ quyết liệt mạnh mẽ hơn với cuộc chiến chống tham nhũng và thao túng quyền lực, mà còn phải gióng lên tiếng chuông về bệnh thành tích, bệnh khoe công đánh bóng tên tuổi, và cả bệnh công thần cũng đã xuất hiện trong cả lời nói và việc làm ở một số cán bộ đảng viên.

Phép nước phải nghiêm! Nhưng trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội thứ 8 về những đề đạt kiến nghị của cử tri cả nước đã tổng hợp và chỉ ra rất thẳng về đây đó vẫn còn những người khoác áo “công bộc” nhưng cố tình làm trái, làm sai, cố tình đi ngược dòng chảy của thực tiễn. Đó là tình trạnh né luật, lách luật. Đó là tình trạng lạm quyền, vượt quyền, và lộng quyền. Vì sao có những công bộc, những đại biểu Quốc hội cứ nói đến tên, nhìn hình ảnh trên các báo và các kênh truyền hình là người dân đã thấy quý trọng, gửi niềm tin. Vì sao một số “công bộc” người dân nghe đến tên, thoáng thấy hình là đã thấy phản cảm rồi, cho dù rất giỏi diễn, rất giỏi “làm màu” phát ngôn trên cả hay!

Càng thấy tai mắt người dân, cái tầm “dân trí” của người dân đã nâng cao rồi. Buồn nỗi, một số cán bộ quyền uy, cán bộ thực thi làm trái, làm ngược lại cứ biện minh lấy được như dân không biết gì. Không thể lọt tai dân khi trong vụ gian lận thi cử rất tai tiếng vừa qua, có cán bộ còn cao giọng giúp chỉnh sửa nâng điểm để làm phúc, tích phúc! Liệu có cái “phúc” nào lại tích từ làm sai, làm bậy? Buồn nỗi, những lời phát ngôn như biện minh lấy được này lại từ một cán bộ công an góp bàn tay “nhúng chàm” trong gian lận thi cử? Đã lộ ra những mua bán trong nâng điểm, chỉnh điểm quá trắng trợn tới bạc tỷ, thì đó là “tích phúc”, hay tích tiền bạc trong những trò biến báo điểm thi như “làm xiếc”?

Rõ ràng kỷ cương phép nước chưa nghiêm! Một bộ phận cán bộ thực thi đã tự cho mình cái quyền “trên trời” để “ban” để “phát”! Nhưng dư luận càng bất bình trước những biện minh coi thường người dân đến quá lạ. Trong khi Quốc hội đang họp bàn quyết sách để đưa đất nước vượt lên nhanh, thì thực tế đang diễn ra những vụ việc không đáng có. Ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) dư luận đang sôi lên vụ ông Lê Hữu Thành - Phó chủ tịch thường trực UBND quận cậy uy, cậy quyền tự tung tự tác xây dựng không phép tới 7 công trình riêng trên diện tích tới 1.800m2. Không chỉ có vị Phó chủ tịch quận này, mà còn có cả em ruột ông là Lê Hữu Quý giữ ghế Chánh Thanh tra quận cũng dính vào sai phạm về xây dựng. Dân lên tiếng, phường quận cũng nói đến cưỡng chế, nhưng thời gian nước chảy bèo trôi, những công trình của vị “quan quận” này vẫn cứ chềnh ềnh trước thanh thiên như thách đố dư luận? Riêng ông em ruột Phó chủ tịch quận sau khi tự tháo dỡ căn nhà cấp 4, thì đã “nhẹ nhàng” rời ghế Chánh Thanh tra quận để chễm chệ sang ghế mới: Trưởng phòng Tư pháp quận!

Câu hỏi đặt ra: Người dân làm cái chuồng heo, cái nhà vệ sinh cũng chả qua mặt được quản lý xây dựng đô thị, mà sao ông Phó chủ tịch Q.Thủ Đức sai trái chềnh ềnh ra kia vẫn cứ như “án binh bất động”? Phải chăng quyền uy đã xéo đạp lên cả kỷ cương? Lãnh đạo TP.HCM cho dù bận nhiều việc, còn lo xử lý hệ lụy trong khu đô thị Thủ Thiêm mà các nhiệm kỳ trước để lại cái gánh quá nặng nề, cũng đừng coi việc ông Phó chủ tịch Q.Thủ Đức xây dựng cả loạt công trình không phép này là việc nhỏ. Thủ Đức đang nổi lên là quận rất nóng trong buông lỏng quản lý xây dựng, phải chăng cũng từ những vụ việc “quan quận” tự cho mình được đứng ngoài vòng của kỷ cương phép nước chăng? Rất mừng trước những lình xình này, đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dù đang họp Quốc hội ở Hà Nội đã bay vào để họp về vấn đề dư luận lên tiếng. Không biết vụ việc sẽ được xử lý ra sao? Phải xử mạnh tay, chứ cứ né, cứ nể rồi lại rút kinh nghiệm cho qua, thì niềm tin trong dân sẽ càng vơi đi đó.

Từ vụ việc này, TP.HCM cần thanh tra kiểm tra cả các quận huyện khác để bịt ngay lỗ hổng về trật tự xây dựng. Nhìn về các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ… việc quản lý đất đai cũng còn nhiều hổng hểnh. Tình trạng bán đất nền, biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư đang diễn ra rất phức tạp. Tình trạng cán bộ phường, xã che chắn cho việc xây dựng không phép, sai phép cũng còn rất lộn xộn và đủ kiểu nhiễu nhương. Dư luận đặt thẳng câu hỏi: Thanh tra trong xây dựng rất nhiều mà xây dựng sai phép, không phép vẫn chưa chặn đứng, nhà siêu mỏng siêu méo vẫn cứ nhiều lên là sao? Có chuyện phong bao phong bì “bôi trơn” để ngó lơ, để “mua” sự im lặng không? Vì sao thanh tra xây dựng nhiều nhưng việc công khai kết luận tranh tra trong xây dựng còn như trò “ú tim”, còn bí mật ít công khai minh bạch ra cho dân biết. Có không những kết luận, những bí mật thanh tra ấy lại bị ai đó dùng làm “bảo bối” lợi dụng để dọa DN, dọa người dân “làm tiền”?

Nếu không mạnh mẽ quyết liệt xử lý, thì không chỉ có DN Mường Thanh mở dự án ở tỉnh thành nào cũng dính sai phép trong xây dựng. Không kiên quyết thì TP.HCM không chỉ có khu đô thị một Thủ Thiêm sai phạm quá tai tiếng đâu, mà sẽ phát sinh thêm nhiều Thủ Thiêm mới! Không nghiêm minh, thì Hà Nội sẽ không chỉ có rừng Sóc Sơn, Quốc Oai… bị băm nát để xây biệt thự, mở nhà vườn trên đất rừng, mà còn tiếp tục phê duyệt những cao ốc vút tầng cao ở các quận trung tâm. Không xử lý tận gốc, thì Đà Nẵng, Nha Trang cũng không chỉ có chuyện băm nát bán đảo Sơn Trà, băm nát đất biển Vân Phong… mà sẽ phát sinh nhiều vụ việc khó lường?

Tuân thủ phép nước phải từ chính những cán bộ lãnh đạo cơ sở, những cán bộ thực thi. Đã có chuyện “lệnh ông không bằng cồng bà” với đủ khóc - cười. Đã “phơi” ra cả những chuyện không đáng có về một số cán bộ sau khi về hưu “sa” vào bệnh công thần! Đã đến lúc phải gióng lên tiếng chuông về tuân thủ kỷ cương phép nước còn chưa nghiêm ở một số cán bộ nắm quyền. Cài cắm người nhà đưa vợ con vào ghế nọ ghế kia, liệu đã chặn hết chưa? Nhưng phần tử cơ hội nói “một tấc lên giời” những nhăm nhắm vụ lợi đã phát hiện và xử lý ra sao? Không phải cứ trong quy hoạch rồi là yên vị, “ấm chỗ” đâu. Nếu phát hiện ra ai đó có dấu hiệu chạy chức chạy quyền, dứt khoát phải loại thẳng tay. Đất nước cần những công bộc trong sạch liêm chính biết vì dân vì nước, chứ không thể là những kẻ tìm cách “chui vào” đội ngũ công quyền rồi tính kế làm giàu trên “lưng” đất nước, trên đầu nhân dân(?).

Đất nước cần những công bộc trong sạch liêm chính biết vì dân vì nước, chứ không thể là những kẻ tìm cách “chui vào” đội ngũ công quyền rồi tính kế làm giàu trên “lưng” đất nước, trên đầu nhân dân(?).

Đảng đề ra quy định mọi cán bộ đảng viên ở vị trí nào cũng phải tự soi! Có không những công bộc còn nói xuôi, nhưng làm ngược? Có không ai đó còn “tính bài” thế thủ giữ mình an toàn chờ nhiệm kỳ tới sắp đến nơi, nên lảng tránh những việc đang rất nóng? Liệu tư duy nhiệm kỳ có còn “đẻ ra” những ký tá vội vàng buổi hoàng hôn như dư luận từng nói đến? Chính phủ cháy bỏng, nóng lòng với việc cổ phần hóa, và giải ngân đầu tư công chậm thì căn nguyên từ đâu? Họp hành, hội thảo quá nhiều về việc này mà sao vẫn chưa có quyết sách gì sáng láng để tháo gỡ nhanh cái sự trì trệ này? Cứ nói ai không làm sẽ cho nghỉ, sẽ kỷ luật, nhưng thời gian “nước chảy bèo trôi”, đã bộ ngành nào bị kỷ luật, đã chính quyền tỉnh thành nào cho nghỉ?

Tình trạng tham nhũng, và thao túng quyền lực giờ càng tinh vi, trắng trợn hơn, thì chiến lược chặn đứng vấn nạn này phải có cách làm mới và mạnh mẽ hơn. Đã lại “phơi” ra cái văn hóa công bộc, đạo đức công chức xuống cấp không thể không lo? Dư luận mấy ngày nay đang sôi sục lên với vụ ông Chánh văn phòng Huyện ủy Tuy Đức - Đăk Nông “ra đòn” đánh anh lái xe của huyện phải nhập viện nghe quá giật mình. Chả lẽ tình đồng chí, tình con người với nhau giờ cũng xuống cấp thế ư? Sự vô cảm giữ mình đến nỗi ông cán bộ Chánh văn phòng Huyện ủy đánh anh lái xe có cả vị Phó bí thư ngồi cùng xe mà cứ “im như thóc trong bồ” để cho quân quyền cấp dưới “ra đòn”, hành xử với nhau như thế, thì còn biết nói gì nữa? Chưa hết, khi về đến trụ sở huyện mà cuộc ẩu đả vẫn lại tiếp tục, thì chả hiểu trật tự trị an của cơ quan Huyện ủy Tuy Đức này ra sao?

Không muốn đi sâu vào những vụ việc này, nhưng rõ ràng đã đến lúc phải gióng lên tiếng chuông về đạo đức công chức, về văn hóa “công bộc” nơi này, nơi kia trong cách hành xử giữa con người với con người hiện nay.

Tuân thủ kỷ cương phép nước phải từ chính những “công bộc” được trao trọng trách. Còn có những cán bộ quyền uy tự biến cái quyền được Đảng, nhân dân trao cho để thao túng, coi mình là nhất muốn làm gì cũng được, thì thực thi kỷ cương phép nước ở đâu?

Quốc hội đang họp để xây dựng và ban hành hàng loạt các đạo luật. Nhưng điều cần hơn thế là việc tuân thủ thực thi các đạo luật thế nào? Rõ ràng đất nước đang quá cần một tiếng “nghiêm”!

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load