Thứ ba 23/04/2024 19:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh vươn tầm khu vực và thế giới

22:10 | 05/12/2022

(Xây dựng) – Đây là chủ đề bài tham luận Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, nhằm triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức mới đây.

Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh vươn tầm khu vực và thế giới
Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa cao.

Đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa cao

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhận định: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng.

Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số khoảng 10 triệu người nhưng có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh mang lại cho Thành phố Hồ Chí Minh sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, nắm giữ vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm giao thương quốc tế, là đô thị hạt nhân của vùng và quốc gia, là trọng điểm kết nối, liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển, giữ vị thế chiến lược quan trọng.

Trải qua quá trình phát triển đô thị, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tại tồn tại hạn chế một số mặt hạn chế nhất định, cần được khắc phục sớm như tình trạng kẹt xe, ngập nước; bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành.

Các bài toán, giải pháp để triển khai thực hiện các chương trình về nhà ở (nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân thuê, nhà ở ven kênh rạch, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ…) còn chậm...

“Vì vậy, việc phát triển đô thị đảm bảo bền vững, hài hòa với các vùng lận cận Thành phố là một thách thức lớn, cần nỗ lực và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhận định.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, “Chiến lược đầu tư phát triển vùng đô thị hợp lý sẽ là cánh cửa tiềm năng để Thành phố, cũng như vùng Đông Nam Bộ tham gia sâu vào quá trình hội nhập, cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.

Tập trung khắc phục cơ bản các tồn tại về thể chế

Với mục tiêu định hướng trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung khắc phục cơ bản các tồn tại về thể chế trong giai đoạn trước, nhất là lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển gắn với huy động nguồn lực, các thể chế chính sách có tính liên ngành, liên cấp, liên vùng, chống đầu cơ đất đai, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị.

Thành phố chú trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung của đô thị theo quy hoạch.

Thành phố tập trung củng cố và nâng cao chất lượng phát triển đô thị tại các khu vực có vai trò động lực lan tỏa tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu tại các đô thị lớn với hạ tầng đồng bộ và dẫn dắt chuyển đổi nền kinh tế số và các dịch vụ có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Thúc đẩy các đô thị chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, thông minh và thích ứng với giải pháp phù hợp với thực tiễn theo lợi thế cạnh tranh của từng đô thị.

Củng cố quan hệ đối tác đô thị - nông thôn, thúc đẩy kết nối vùng và hợp tác giữa các đô thị trong chùm đô thị, đẩy mạnh hợp tác công - tư cũng như hợp tác quốc tế.

Ứng phó hiệu quả với các thách thức mới bao gồm chuyển đổi công nghệ, biến đổi khí hậu, cạnh tranh nước lớn và cạnh tranh khu vực; Giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới để khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia sâu rộng vào đầu tư nâng cao chất lượng phát triển đô thị.

Một số giải pháp hiện thực hóa mục tiêu

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu nói trên.

Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị. Trong đó, thực hiện đề án xây dựng chính quyền đô thị, chủ động nghiên cứu, đề xuất phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực và có cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư…

Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng đô thị với quan điểm học hỏi, nhận chuyển giao tích cực và từng bước làm chủ năng lực, công nghệ quản lý đô thị hiện đại…

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo chỉnh trang và quản lý phát triển đa dạng các hình thái và khu vực đặc thù. Tập trung hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Hoàn thành quy hoạch không gian ngầm; Đẩy mạnh thiết kế đô thị toàn diện, đồng bộ khu trung tâm Thành phố, khu đô thị mới và các khu đô thị hiện hữu…

Đồng thời, tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng…

Đẩy nhanh công tác tham mưu, phê duyệt Đồ án điều chỉnh Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Định hướng phát triển thành phố Thủ Đức phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh và quốc gia.

Thứ ba, quy hoạch, xây dựng quỹ nhà ở gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu ở đô thị theo mô hình trung chuyển giao thông công cộng (TOD). Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện chương trình phát triển nhà ở theo kế hoạch đã đề ra đối với nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch…

Điều chỉnh quy hoạch và định hướng phát triển giao thông công cộng theo mô hình TOD (định hướng phát triển đô thị khai thác năng lực vận tải của hệ thống giao thông công cộng) giúp giảm phát thải và sử dụng tiết kiệm quỹ đất.

Làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Nai – Lâm Đồng; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh và đoạn Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Thứ tư, phát triển mạng lưới đô thị của Thành phố và vùng Thành phố với cấu trúc và quy mô phù hợp với nguồn lực thực tế, áp dụng kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng và tự hồi phục.

Thứ năm, đổi mới quản lý phát triển Thành phố gắn với ứng dụng các mô hình quản lý với công nghệ hiện đại, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố.

Thứ sáu, phát triển kinh tế khu vực đô thị; đề xuất những cơ chế, chính sách, các mô hình tài chính và đầu tư mới, phục vụ xây dựng, phát triển Thành phố.

Thứ bảy, điều chỉnh cơ chế phân bổ đầu tư có trọng điểm trong hệ thống đô thị quốc gia.

Thứ tám, đổi mới mô hình quản lý phát triển vùng ven trên ranh giới phát triển thực tế thay vì ranh giới hành chính.

Thứ chín, giải phóng nguồn lực từ đất đai, trao quyền và thúc đẩy hợp tác. “Chú trọng mở rộng hành lang pháp lý và mô hình quản trị để khai thác cơ chế thu lại giá trị gia tăng từ đất (như quyền phát triển có thể chuyển nhượng, đóng góp điều chỉnh đất đai, thuế tài sản) khi đầu tư và cả thiện hạ tầng cơ sở (đường sắt đô thị, chống ngập, chỉnh trang đô thị) – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Minh Hằng (ghi)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load