Thứ sáu 29/03/2024 21:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát động cuộc thi báo chí với công tác giảm nghèo

23:46 | 05/01/2017

(Xây dựng) - Ngày 05/01, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã tuyên bố phát động cuộc thi “Các tác phẩm báo chí với công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2010”. Cuộc thi này do Bộ LĐTB&XH, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cuộc thi sẽ giúp phát hiện những tấm gương, điển hình khát vọng vươn lên thoát nghèo và từ đó phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả để phát huy và nhân rộng. “Cuộc thi sẽ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo. Đặc biệt, huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ phát động cuộc thi.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã kêu gọi thực hiện thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo đài hãy viết những tác phẩm báo chí có chất lượng, tâm huyết, viết bằng trái tim về những chính sách cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân Bộ trưởng, với tư cách là người làm báo, sẽ tham gia ít nhất mỗi năm khoảng 2 tác phẩm về đề tài này để cổ vũ cho cuộc thi.

Theo Thể lệ của Ban tổ chức, các tác phẩm tham dự cuộc thi tập trung phản ánh nội dung trọng tâm sau: Chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo; cơ chế chính sách và việc thực thi pháp luật về giảm nghèo; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2010. Phản ánh thành tựu trong trong công tác giảm nghèo bền vững; thực trạng khó khăn, bất cập của cơ chế chính sách, các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo; nguyên nhân nghèo đói và những giải pháp trong công tác giảm nghèo. Nêu gương điển hình (địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình), mô hình mới, cách làm mới, ý tưởng hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Nêu các gương điển hình trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” như: Hộ gia đình vượt khó vươn lên thoát nghèo; phát huy vai trò cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; tập trung hỗ trợ địa bàn nghèo, tăng cường giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu; đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và công tác giảm nghèo; cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp tận tụy - gương mẫu - trách nhiệm; cộng đồng DN đồng hành cùng người nghèo, hướng tới một thế giới không để ai bị bỏ lại phía sau.


Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Đối tượng dự thi là các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, các cây viết không chuyên trong toàn quốc có tác phẩm báo chí được đăng tải trên báo chí và phương tiện truyền thông do Bộ TT&TT cấp phép và phù hợp với thể lệ này được tham gia dự thi. Tác giả không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và pháp luật khác.

Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn đánh giá qua các tiêu chí: Có tính thời sự cao; Phản ánh chân thực, sinh động các gương điển hình trong công tác giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo, các phong trào thi đua, các chương trình hợp tác, đồng hành cùng người nghèo, các chương trình phát huy nội lực cộng đồng hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phản ánh tình hình thực tế cuộc sống của người nghèo, cộng đồng nghèo; vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách; các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo có tính thời sự, chính xác, khách quan và có giá trị thông tin cao. Tác phẩm tỏ rõ tinh thần phản biện xã hội lành mạnh, đề xuất giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ sự bất cập, khó khăn. Nội dung tác phẩm có ảnh hưởng rộng lớn, sức lan tỏa lâu dài.

Có 5 loại giải tương ứng với 5 loại hình báo chí (báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử, báo ảnh). Tác phẩm dự thi chưa từng đoạt giải thưởng tại các cuộc thi báo chí cấp quốc gia và không cùng gửi dự thi các giải thưởng báo chí khác. Tác phẩm dự thi được đăng tải từ ngày 11/9 năm trước đến hết ngày 10/9 năm sau. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và bản quyền tác phẩm.

Đối với các nhân, mối loại hình tương ứng sẽ có 1 giải A (30 triệu đồng), 2 giải B (20 triệu đồng/giải), 3 giải C (14 triệu đồng/giải), 3 giải Khuyến khích (6 triệu đồng/giải). Đối với tập thể: Ban tổ chức trao 1 giải cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự thi và 1 giải cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm đoạt giải. Giải thưởng trị giá 30 triệu đồng và kèm theo Giấy chứng nhận và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Từ nay đến năm 2020, mỗi năm Ban tổ chức sẽ trao giải một lần vào ngày 17/10 hằng năm (ngày Vì người nghèo). Năm 2020 sẽ tổng kết giải, ngoài phần thưởng có giá trị bằng tiền mặt còn có quà tặng có giá trị.

Thư Kỳ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load