Thứ tư 24/04/2024 14:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phải biết nhà nông cần gì?

15:30 | 12/12/2019

(Xây dựng) - Hôm thứ Ba (10/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành đã có cuộc đối thoại với nông dân cả nước tại Cần Thơ. Những vấn đề nóng về “tam nông” được đặt ra một cách thẳng thắn khi nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhiều vấn đề bất cập. Bất cập về tích tụ đất đai, về cơ chế chính sách. Bất cập về còn quá ít DN đầu tư vào nông nghiệp vì sợ rủi ro. Bất cập về chính sách thu hồi đất, về vốn tín dụng, về đầu ra sản phẩm của nhà nông làm ra vẫn trong cảnh “tự bơi”. Bất cập về đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để chế biến sâu đủ sức cạnh tranh với thị trường hội nhập vẫn còn những lỗ hổng và nút thắt.

phai biet nha nong can gi
Thiết kế chính sách cho “tam nông” cần cách nhìn mới và tư duy khoa học, trí tuệ.

1. Có hay, Việt Nam là nước nông nghiệp đầy tiềm năng với những dòng sông, với những cánh đồng bao la không phải quốc gia nào cũng có được. Nhưng vì sao sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn chưa bứt phá nhanh? Chiến lược chỉ đạo từ vĩ mô với nhiều chính sách tạo thế cho “tam nông” đột phá, nhưng hiệu quả lại chưa như mong muốn. Rõ ràng lỗ hổng, nút thắt nhìn rõ từ khâu tổ chức thực hiện.

Một đất nước tới 60% là cô bác nhà nông, thì nói con số tăng trưởng kinh tế là con số cao đến thế nào cũng không bằng sự cảm nhận, những gì người quê được hưởng từ sự tăng trưởng ấy. Không để ai bỏ lại phía sau, trong khi khoảng cách giàu - nghèo giữa các đô thị và các vùng quê vẫn còn cách xa nhau, thì chính sách hướng về “tam nông”, vì “tam nông” không thể chỉ nói mạnh mà không làm mạnh.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn coi trọng mặt trận sản xuất nông nghiệp, có chiến lược về tam nông với tầm nhìn cả trước mắt đến xa dài với nhiều chính sách thiết thực để các vùng quê, làng quê nhanh chóng bứt phá đi lên. Nhiều cuộc đối thoại với nhà nông, với các DN không gì khác, là tìm ra quốc sách, kế sách trúng và hay để thiết kế những chính sách bắt trúng thực tiễn. Người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành lần thứ 2 có cuộc gặp gỡ đối thoại trực tiếp với nhà nông ở Cần Thơ sau cuộc đối thoại ở Hải Dương và sắp là đối thoại tới với cô bác các tỉnh miền Trung. Đó chính là những hội nghị “Diên Hồng về tam nông”! Các cuộc đối thoại này đều phải đặt ra cách nhìn thẳng, phân tích mổ xẻ đến cùng những gì làm được, và cả những gì chưa làm được trong chiến lược “tam nông” để “bật ra” những quyết sách đưa nông nghiệp bứt lên nhanh.

2. Muốn hiểu đất quê, người quê, cần phải lắng nghe và hơn thế phải biết nghe tiếng quê, lòng quê. Thiết kế chính sách cho “tam nông” cần một cách nhìn mới và tư duy cách làm mới khoa học và trí tuệ.

Nhìn xem những năm tháng qua cả nước dồn sức cho xây dựng nông thôn mới, mọi làng quê, vùng quê ở các vùng miền đã đổi thay thật diệu kỳ. Người quê, cuộc sống quê giờ nhiều nơi chả thua gì phố thị. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam vì sao họ thích trải nghiệm ở những vùng quê. Mái nhà quê, cây trái quê, bữa cơm quê, ẩm thực quê giản dị đơn sơ mà sao có sức hút lạ kỳ với du khách nước ngoài và cả du khách trong nước hơn cả những resort, khách sạn 4 -5 sao với những bàn tiệc cao sang.

Đối thoại với nhà nông cần thấu đến tận cùng gan ruột của nhà nông. Hãy nghe cô bác trải lòng để hiểu cô bác mong gì, cần gì?

Đối thoại với người quê không gì khác phải đến với cô bác mới có thể thấu lòng cô bác, mới hiểu người quê đang cần gì, mong gì. Nói trao “cần câu” cho cô bác, thì “cần câu” chính là đất đai, là giống cây trồng, giống vật nuôi, là chuyển giao kỹ thuật, là giúp cô bác vốn liếng tiếp cận từ tín dụng các ngân hàng. Nhưng xem ra những vấn đề này sờ vào, động vào đều còn đó những “điểm nghẽn” và “nút thắt”. Bộ ngành nào cũng nói hướng về “tam nông”, vì “tam nông”, nhưng sự chung tay phối hợp của các bộ ngành đã đến nơi đến chốn chưa? Nhìn về những vùng quê lấy đất của cô bác áp với giá quá rẻ rồi trao cho DN đại gia sau đó bán với giá “trên trời”, sao cô bác có thể yên lòng? Nói lo đào tạo lao động để “đầu quân” cho các DN, nhưng bao nhiêu DN thực hiện, còn bao nhiêu DN hứa với “lời hứa gió bay”?

Thực trạng người quê nhàn tản, “trai thanh gái tú” lũ lượt kéo về các thành phố lớn mưu sinh với đủ nghề, thì các bộ ngành và người đứng đầu các tỉnh thành nghĩ gì? Hãy nghe tiếng lòng của các ông chủ đầm tôm, hầm nuôi cá tra, làm lúa, trồng cây trái ở các tỉnh ĐBSCL. Hãy nghe nỗi niềm của cô bác trồng mía, làm hồ tiêu, cà phê, cao su ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hãy nghe nỗi niềm của cô bác nhà nông ở các tỉnh duyên hải sông Hồng và các tỉnh miền núi Tây Bắc vẫn còn kia bao nỗi niềm ngẫm ngợi.

Người nông dân vì sao mãi trong cảnh “tự bơi”, mất mùa lo, được mùa cũng lo vì đầu ra cứ chập chờn như mưa nắng thất thường. Bộ NN&PTNT nói rất mạnh về tích tụ đất đai, về mở cánh đồng mẫu lớn để thu hút DN. Tư lệnh ngành Nông nghiệp lúc nào cũng nhấn mạnh: Phải sản xuất cái gì thị trường cần, chứ không thể cứ nếp cũ làm cái gì chúng ta có! Nhưng nói nhiều, “phán” rất mạnh, mà cũng đã đâu vào đâu. Chuyện liên kết “bốn nhà” nhưng nhà nọ còn như quay lưng vào nhà kia, giờ lại nói đến cả “sáu nhà”, thì cách làm thế nào, thể chế, cơ chế ra sao để người quê có niềm tin khi góp đất của mình vào cho các DN sản xuất theo công nghệ cao, theo mô hình những cánh đồng mẫu lớn?

Chính sách với “tam nông” càng phải nhìn về hàng trăm ngàn hộ dân không có đất để sinh kế. Nhà nông không có đất, sao có thể gọi là nhà nông? Thấu đến tận cùng, thì nhiều cô bác sống ở quê mà như ly hương ngay cả trên đất quê mình vì không có đất canh tác, đến cả không có mảnh đất làm căn nhà trú ngụ, hỏi sao không ngẫm ngợi? Thị trường xuất khẩu từ hạt gạo, con cá, con tôm, trái cây và bao thứ nhà nông làm ra sẽ hướng vào những đâu, Bộ Công Thương đã có sách lược mới gì chưa? Tự bơi, cô bác mãi “tự bơi”, thì nhà nông sao có thể bứt lên nhanh?

Đến nhiều làng quê, giờ vắng hoe chỉ “ông già bà cả” như ngồi ôm cháu, giữ nhà, vì con cái đi làm xa ở các đô thị lớn, có người vài năm mới về, thì không thể không lo. Ngay cả việc xuất khẩu lao động ra các nước, nhiều vùng quê, người đi lao động xuất khẩu rất đông để kiếm đồng tiền từ “trời tây” về với mơ ước đổi đời. Nhưng xuất khẩu lao động mà đi giúp việc, chăm sóc người già, lao động cơ bắp nơi xứ người bỏ mặc cha mẹ già và con thơ ở lại quê ngày ngày ngong ngóng những đồng tiền từ “trời tây” đem về, thì không thể không nhìn lại. Đằng sau của những gia đình vợ xa chồng, xa con cái, mặt trái của những đồng tiền từ “trời tây” này cũng là bao nỗi niềm cung bậc đâu dễ ai tỏ cùng ai!

Đối thoại với nhà nông cần thấu đến tận cùng gan ruột của nhà nông. Hãy nghe cô bác trải lòng để hiểu cô bác mong gì, cần gì? Chính sách quản lý, sử dụng đất đai với người quê cần xem lại. Việc thu hồi đền bù đất đai phải đúng luật định, phải thỏa đáng giá cả tôn trọng cơ chế thị trường, không thể dùng quyền uy áp đặt. Khi lấy đất của cô bác mở dự án này dự án kia, dứt khoát phải được người dân đồng thuận. Chính sách tín dụng của các ngân hàng đã mở rộng, nhưng thủ tục có còn là “rào cản” khi cô bác tiếp cận với ngân hàng chưa hay vẫn mang nặng kiểu “tín dụng ban ơn”? NHNN không thể nói “tròn vai”, tròn trách nhiệm, khi nhà nông vay vốn ngân hàng còn khó khăn mà nạn tín dụng đen đang như “ma trận” bủa vây những người nông dân nghèo khó đang khát vốn.

3. Xây dựng nông thôn mới không thể nhìn cái hình thức bên ngoài với điện đường trường trạm, cổng chào, nhà văn hóa khang trang, mà phải đi vào thực chất làm gì để người quê sống khỏe, làm giàu ngay trên đất quê hương?

Phải tính toán quy hoạch, tạo liên kết vùng, chứ không thể tỉnh thành nào mạnh tỉnh thành ấy lo, sinh ra mỗi địa phương một chính sách cát cứ như “đá chân nhau”. Phải sớm nhìn rõ biến đổi khí hậu sẽ ngày càng khốc liệt để xây dựng sớm kịch bản ứng phó sao cho hài hòa được lòng dân đồng thuận. Đất rừng quản lý chặt, đất nông nghiệp quản lý càng phải chặt chẽ. Vùng 13 tỉnh Nam bộ nước mặn làm gì, nước lợ, nước ngọt trồng cây gì, nuôi con gì không thể buông tay phó mặc cho cô bác. Đất Tây Nguyên, các vùng xa nẻo miền núi Tây Bắc đồng bào các dân tộc mong gì, cần gì, khó gì, các bộ ngành phải góp sức tháo gỡ ngay. Đề án phát triển kinh tế - xã hội dành cho miền núi Quốc hội vừa phê chuẩn, các bộ ngành đã bàn bạc với nhau vào cuộc quyết liệt chưa? Các nhà khoa học nông nghiệp phải đi vào từng vùng miền cùng lo, cùng bàn, cùng làm với nhà nông, chứ không thể ngồi một chỗ rồi bảo chờ nhà nông đến “đặt hàng”!

Chính sách cho tam nông, thể chế và cơ chế cả đất đai, vốn tín dụng không thể “ban ra” những quy định, thủ tục xa dân lỗi thời trong phòng máy lạnh rồi như bắt cô bác chạy theo.

Cuộc sống thay đổi từng giờ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chiến lược “tam nông” càng phải đột phá mạnh vào việc tổ chức thực hiện đang là khâu yếu nhất. Thiết kế ban hành chính sách gì cũng phải tự soi, tự hỏi xem có trúng với sự mong chờ của nhà nông chưa?

Đối thoại với nhà nông rất hay rất trúng! Nhưng kỳ vọng của cô bác nhà nông cả nước lại nhìn vào hành động của các bộ ngành, và sự đổi thay trong điều hành của chính quyền các cấp sau cuộc đối thoại phải thật sự vì nhà nông. Hãy nói ít và làm nhiều. Hãy nói thẳng và làm ngay. Đó chính là những việc làm thiết thực nhất để chắp cánh cho những khát vọng của nhà nông bứt phá nhanh hơn. Sản xuất vẫn phải coi là cái gốc. Ứng phó với biến đổi khí hậu khó lường cần những kịch bản hay. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông cần tầm nhìn xa dài và chiến lược bài bản căn cơ, chứ không thể cứ để mặc cho cô bác hát mãi bài ca “tự bơi” và các bộ ngành lại “tấu lên “bản nhạc buồn “giải cứu”.

Nhà nông phải vượt lên tự cứu lấy mình, không chờ Nhà nước! Phải nhìn rõ khi nông sản, thịt lợn, thịt gia cầm, cho đến trái cây nước ngoài tràn vào thị trường nước ta với giá bán rẻ hơn, thì cạnh tranh thị trường thế nào? Đã đến lúc Nhà nước đòi hỏi chính người nông dân phải tự đổi mới chính mình! Nhưng người nông dân cũng mong các bộ ngành cũng phải đổi mới trong thiết kế các chính sách cho “tam nông”, chính quyền các tỉnh huyện cũng phải đổi mới và điều hành chỉ đạo tháo gỡ những “nút thắt, điểm nghẽn” cho cô bác nhà nông một cách trách nhiệm, năng động và nhạy bén hơn!

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load