Thứ sáu 29/03/2024 05:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nước sạch sông Đà bao giờ hết gian truân?

16:57 | 18/11/2019

(Xây dựng) – Sự cố nứt đường ống dẫn nước xảy ra liên tục, chất lượng nguồn nước đầu vào có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, đặt ra vấn đề cần có cách tiếp cận khác để người dân Hà Nội được sử dụng nguồn nước sạch từ sông Đà.

Nước sạch sông Đà bao giờ hết gian truân?
Khắc phục sự cố đường ống nước sông Đà (Ảnh: LĐ)

Thiếu thận trọng ngay từ đầu

Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà quá nhiều lần chứng tỏ công tác phân tích địa kỹ thuật công trình đã không được coi trọng hoặc không được nghiên cứu và thực hiện.

Tuyến đường ống nước sông Đà nằm bên cạnh và dưới nền đất đắp của tuyến đường Láng – Hòa Lạc mang tên Đại lộ Thăng Long. Tuyến Đại lộ Thăng Long nằm trên khu vực đồng bằng, tiếp giáp với vùng bán sơn địa, với độ cao đất đắp thay đổi từ 1,5 - 2,7m. Nằm trên nền đất trầm tích Đệ Tứ, xen kẹp giữa đất tốt và bùn yếu, tạo ra độ lún tổng thể biến đổi từ 0,0 - 27,43cm, tạo ra độ lún lệch biến đổi từ 0,85 - 27,43cm.

Trong khi đó, nền đất lại là các lớp đất loại bùn – sét dày, có hệ số thấm nhỏ, dẫn đến lún cố kết diễn ra trong thời gian dài. Khoảng sau 5 năm, độ cố kết thường chiếm 25,1 - 47,0% với nơi đất loại sét yếu, dày 8 - 29m. Độ cố kết đạt đến 92,3% với lớp bùn mỏng 4 - 6m, nằm trực tiếp trên lớp cát 3a (ví dụ từ An Khánh đổ về đường Láng).

Với độ lún đất đắp của tuyến Đại lộ Thăng Long diễn biến phức tạp dẫn đến độ chuyển vị của đường ống nằm sâu khoảng 2m dưới đất đắp cũng chuyển vị phức tạp, làm uốn cong, lên xuống. Đường ống nước vốn làm bằng vật liệu loại cốt thủy tinh, rất nhạy cảm với biến dạng, nên cứ theo từng khoảng thời gian, mức độ chuyển vị vượt giới hạn biến dạng cho phép là lại bị nứt, vỡ, làm nước sạch thoát ra ngoài là điều không thể tránh khỏi.

Phần lớn các vị trí đều cho thấy, đến 30 năm sau độ lún vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, đường ống nước sông Đà với sự cố nứt vỡ trên tuyến đường này sẽ còn diễn ra dài dài theo thời gian. Với loại đất nền trầm tích Đệ Tứ rất phức tạp tại vùng bán sơn địa thì khó có cách xử lý triệt để lún cố kết. Do đó, hy vọng triệt tiêu độ lún tổng thể hoặc độ lún lệch để tuyến đường ống không bị chuyển vị hoặc chuyển vị ít là điều không thể thực hiện.

Hay nói cách khác, dưới góc nhìn địa kỹ thuật công trình, dù sử dụng bất kỳ loại ống nào mà không tính đến khả năng chịu được sự chuyển vị và chuyển vị không đều của các khẩu ống khi vượt quá giới hạn theo chế tạo thì sự cố nứt ống vẫn khó tránh, đặc biệt là ở các mối nối.

Nguồn nước đầu vào không được bảo vệ nghiêm ngặt

Gần đây, ngày 8/10/2019, sự cố lại xảy ra với nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà khi các đối tượng xấu mang 10m3 dầu thải đổ trộm vào nguồn nước tại khu vực xóm Quyết Tiên, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, người dân Hà Nội mới tá hỏa vì công tác bảo vệ nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà rất sơ sài, không được kiểm soát chặt chẽ.

Nước sạch sông Đà bao giờ hết gian truân?
Nước suối đầu nguồn nước sông Đà chuyển màu đen do bị ô nhiễm (Ảnh: SH).

Sau sự cố này, UBND tỉnh Hòa Bình lên sức ép cho Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà phải có phương án bảo về nguồn nước và muốn lấy lại hồ Đầm Bài – một hạng mục quan trọng của Dự án nước sông Đà, có chức năng chính là lưu trữ, trung chuyển và sơ lắng để đảm bảo ổn định chất lượng nguồn nước thô đầu vào.

Tại cuộc họp ngày 25/10/2019 giữa UBND tỉnh Hòa Bình với Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu doanh nghiệp phải xác định thời hạn cụ thể trả lại hồ Đầm Bài để tỉnh quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, ngay cả khi UBND tỉnh Hòa Bình không đòi lại hồ Đầm Bài thì việc địa phương này cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và thương mại nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh của huyện Kỳ Sơn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo chất lượng nguồn nước sạch cung cấp cho nhà máy nước sông Đà có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu dự án sân golf này được triển khai trong nay mai. Được biết, trong số 270ha diện tích đất mà nhà đầu tư xin làm khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf, thì có tới ¾ diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà.

Việc UBND tỉnh Hòa Bình đòi lại hồ Đầm Bài là điều dễ hiểu khi mà có rất nhiều phương án tốt hơn phương án lấy nước từ hồ Đầm Bài với trữ lượng nước quá ít, đầm nhỏ, nước chảy từ khe suối khó đảm bảo nguồn sạch. Việc đặt trạm xử lý nước ngay tại đầu nguồn cũng là một phương án khó hiểu khi nước được vận chuyển từ rất xa về.

Trong nước không thiếu các chuyên gia giỏi về lĩnh vực này để cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tham gia vào dự án nước sạch sông Đà tham vấn ý kiến. Tuy nhiên dường như các chuyên gia không có cơ hội góp ý để dự án được triển khai tốt hơn, khắc phục được hạn chế do vận chuyển nước từ rất xa về. Đường ống dẫn nước sông Đà sẽ còn vỡ nhiều lần nữa nhưng người hứng chịu là người dân chứ không phải là những người thiết kế, tổng công trình sư.

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn sách “Đất nền, nước ngầm và địa kỹ thuật công trình lãnh thổ Việt Nam” của nhóm tác giả Giáo sư Nguyễn Văn Túc và kỹ sư Trần Văn Việt.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load