Thứ bảy 20/04/2024 02:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhớ Sài Gòn - Nơi tôi đã đi qua 

21:17 | 20/11/2019

(Xây dựng) - Cơn mưa chiều ập đến xối xả ào ạt, nhanh tới nỗi khi tôi mặc được cái áo mưa vào thì người đã ướt mất rồi, dù tôi chỉ chạy xe chầm chậm nhưng vẫn bị mưa táp cho rát mặt đỏ con mắt. Cơn mưa rào làm tôi bỗng nhớ Sài Gòn da diết.

nho sai gon noi toi da di qua

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, tâm tình này ai dường như cũng có thể cảm nhận được, nhưng khi Chế Lan Viên cất tiếng lòng ấy thành thơ qua hình ảnh văn học thì nó mới thực sự trở thành châm ngôn, chân lý. Hơn bốn mươi năm cuộc đời với vài bận di lý, mỗi nơi để lại một khúc một đoạn của thời niên thiếu và tuổi thanh xuân, nên tôi biết sau một cuộc ra đi, nỗi niềm sẽ vương vấn mãi, sẽ nhớ nhung hoài, khi vơi vì bộn bề của cuộc sống, khi lại đầy tràn vì vô tình chạm vào kỷ niệm đã in dấu ở nơi đó.

Lúc còn là cô sinh viên năm nhất năm hai ở Hà Nội, dù chưa từng đặt chân đến Sài Gòn, nhưng tôi đã trót đem lòng yêu nàng ấy từ những đêm thu se lạnh ủ nồng hương hoa sữa, khi phòng trọ bên cạnh của một anh sinh viên người Huế cứ thao thiết những giai điệu trầm buồn man mác, qua chất giọng nam trung dày, ấm, chậm rãi ngân rung đầy cảm xúc của ca sĩ Tuấn Ngọc trong bài hát Đêm nhớ về Sài Gòn của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

“…Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông
Gợi bao nhiêu cho cùng…”

Những giai điệu mang âm hưởng xưa cũ và tâm tư hoài niệm trong ca khúc đã khiến tôi tự vẽ lên một Sài Gòn hoa lệ đầy ánh đèn màu lấp lánh, những bản nhạc tình du dương và điệu van-xơ chậm của tình nhân, con đường dài hiu hắt đổ bóng người lữ khách phong trần sương gió. Có phải Sài Gòn thật đã từng như vậy? Hay chỉ là sự mơ màng của một kẻ mộng du!

Tôi nhớ lần đầu tiên bước chân xuống ga tàu Sài Gòn, lạ lẫm lắc đầu trước những gương mặt rám nắng của các bác tài, chơi vơi giữa tiếng gọi nhau í ới huyên náo, những bước chân di chuyển thoăn thoắt. Ngồi sau xe chị gái hòa vào dòng người hối hả trên đường, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là “người Sài Gòn tại sao không đi mà cứ chạy!”, bóng dáng một Thủ đô văn hiến, thâm trầm nơi mà tôi vừa ra đi đã bỏ lại hoàn toàn sau lưng, bị khỏa lấp bởi cái sôi nổi năng động của một thành phố công nghiệp, thành phố kinh tế thương nghiệp của cả nước.

Rồi tôi nhanh chóng bị cuốn vào cái dòng chảy không ngừng ấy, không còn những khoảng thời gian để chênh vênh bởi suy tư hay mơ mộng, không còn thời gian cho những ngày lang thang rong ruổi phố phường, càng không có thời gian để buồn những nỗi buồn không tên, chỉ nỗi nhớ Hà Nội thảng khi đêm về có làm tôi khắc khoải.

Sài Gòn cởi mở, thân thiện và bình dân với một kẻ đến trú ngụ dưới bóng nàng bằng hai bàn tay trắng như tôi, thành phố đông đúc này luôn có chỗ cho bất cứ người lao động nào, không cần phân biệt anh lao động trí óc hay anh lao động chân tay, anh giàu sang hay anh nghèo khó. Sự tự do cá nhân, sự riêng tư trong cuộc sống được đẩy lên cao, ai có cuộc sống, công việc của người ấy, nhưng khi có sự kết nối với nhau thì giao đãi nhau một cách chân thành, nội tâm nghĩ gì sẽ nói ra luôn chứ “giữ chi trong lòng cho mệt”, nhẹ hều thế nên người Sài Gòn với tôi mà nói, hồn nhiên lắm, vô tư lắm, yêu đời lắm, nỗi buồn của họ cũng như những cơn mưa rào bất chợt, ào đến đấy rồi lại tạnh ngay đấy.

Ngay cả nỗi buồn của sự mất mát (việc tang ma) cũng khoác lên tấm áo hỷ xả để người ra đi thanh thản, mà người ở lại cũng không quá đau lòng, ai đó nói rằng “khi ta mất tất cả thì vẫn còn tương lai phía trước”, họ đúng là sống cho tương lai phía trước!

Sài Gòn như một người đàn bà cá tính, bốc đồng, đủ khôn ngoan, đủ sắc sảo, đủ sang chảnh, đủ quyến rũ nhưng đôi lúc cũng ngây thơ ướt mềm. Nếu ban ngày nàng mặc một bộ áo hoa hòe hoa sói chói chang, nàng quay vòng cuộc sống như một chiếc vô lăng để tăng tốc theo thời đại, thì đêm xuống nàng có thể diện một bộ áo váy ngắn khoe vai trần thon thả và chân dài khỏe khoắn miên man, nàng có thể khoác lên một bộ váy đầm dịu dàng quá đỗi, để ai đó thèm được đỡ lấy tấm lưng yêu kiều mềm mại của nàng, đan chặt những ngón tay thon dài của nàng mà bước theo tiếng nhạc dìu dặt, cũng có khi nàng lại khoác lên một bộ đồ thôn nữ chân chất mộc mạc hiền lành khiến thi nhân ngẩn ngơ một vùng lá may bay, thèm được cùng nàng nâng ly rượu nhạt, nghe đờn ca tài tử và ngân nga cùng nàng như đôi bạn tâm giao.

Sài Gòn là một quần thể văn hóa phức hợp, dân cư trú ngụ ở Sài Gòn đến từ mọi miền tổ quốc và nàng lại dễ chịu gật đầu, chắt lọc tiếp thu một cách tích cực với những nền văn hóa mới, tôi không thể không yêu nàng vì tư tưởng văn minh và hiện đại đó. Chỉ riêng về ẩm thực vùng miền, có lẽ chẳng ở đâu lại phong phú, đa dạng như ở Sài Gòn, tôi nhớ con đường đi về hàng ngày chưa đầy chục cây số mà đủ các thứ quà từ Phở Hà Nội, phở Nam Định, bánh đa cua Hải Phòng, bún riêu cua ốc Bắc bộ, bánh canh cá lóc Bình Trị Thiên, cơm hến Huế, bún bò Huế, mì Quảng đến hủ tiếu Nam Vang, bún mắm miền Tây, cơm tấm… Tất nhiên là không thiếu món Tây món Tàu, món Âu món Á, sơn hào hải vị… trong những khách sạn nhà hàng sang trọng, người nào cũng có thể thưởng thức thứ mà mình thích một cách phù hợp với đồng tiền của mình.

Khi ở Sài Gòn tôi hay viết về chuyến đi chơi xa cùng gia đình bè bạn, viết về những địa điểm tôi biết hay từng qua để lưu giữ kỷ niệm, nhưng chưa một lần tôi viết về Sài Gòn, dù chỉ đôi ba câu văn câu thơ cảm hứng bất chợt, có lẽ lúc ấy tôi không bao giờ nghĩ sẽ rời bỏ nàng như đã rời bỏ những nơi khác, cũng có thể lúc ấy tôi nghĩ Sài Gòn xô bồ và nhạt nhẽo, Sài Gòn ngày này cũng như ngày khác, tháng năm này cũng như tháng năm khác, có gì đâu “để mà nhớ mà quên”.

Cơn mưa chiều đã tắt, nhưng tiếng nhạc trong lòng sao vẫn chưa chịu tắt…

“…Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Quê nhà đó bao năm có em
Có bóng dừa có câu hò
Có con đò chở mưa nắng đi
Em còn nhớ hay em đã quên ?”

Trích nhạc Trịnh Công Sơn “Em còn nhớ hay em đã quên”

Hoàng Thị Minh Thu

Theo

Từ khóa: #Sài Gòn #mưa nắng
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load