Thứ sáu 19/04/2024 03:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Người già ở đô thị

14:42 | 01/10/2019

(Xây dựng) - Hệ thống đô thị nước ta đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn thấp; trình độ, năng lực quản lý và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị, mà còn làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường, nhất là với lớp người cao tuổi.

nguoi gia o do thi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2014 Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, trong khi còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...

Ở Việt Nam, hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở nước ta còn khá nghèo nàn. Theo thống kê, cả nước chỉ có 49/63 tỉnh thành có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa. Cả nước hiện có 106 khoa lão khoa được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh thành và bệnh viện Trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Có tới 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/ chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi ly hôn, ly thân có tỷ lệ cao gấp 2,2 lần so với nam giới. Đã cao tuổi, già yếu, ít thu nhập lại phải sống một mình là điều rất khó khăn đối với người cao tuổi bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi người khi về già… Đặc biệt, trong môi trường đô thị, những người già cô đơn luôn phải cận kề với nhiều nguy cơ bị tổn thương nhất.

Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.

Chính vì thế, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải ý thức về xu hướng già hóa và đảm bảo người cao tuổi tiếp tục đóng vai trò tích cực trong cộng đồng để tránh bị cô lập. Bởi vì, cô lập có tác động tiêu cực đến sức khỏe và giải quyết nó thực sự quan trọng.

Mong muốn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là hướng tới xây dựng những đô thị bền vững. Nhưng để đạt được mong ước này, chắc còn cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm sức. Bởi lẽ, trong một đô thị được coi là phát triển bền vững thì mọi người phải được bình đẳng trong khi tiếp cận các cơ hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống, cư trú. Những người thuộc nhóm yếu thế hay "dễ tổn thương" như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, đông con, người tật nguyền… cần phải được quan tâm đúng mức.

Những thách thức của già hóa dân số là những điều mà Việt Nam không thể bỏ qua. Do đó, thích với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề của người cao tuổi mà cần có chính sách tiếp cận toàn diện, theo vòng đời để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load