Thứ năm 25/04/2024 05:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Người dân miền Tây Nghệ An sử dụng nước sạch nhiễm kim loại nặng

21:03 | 08/09/2019

(Xây dựng) - Vừa qua, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường có Văn bản 225/QTMT ngày 26/08/2019 về việc báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước thô đầu vào cấp cho một số nhà máy nước trên địa bàn tỉnh.

Văn bản 225/QTMT ngày 26/08/2019  của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chất lượng nước thô cấp nước cấp cho trạm cấp nước Quỳ Hợp lần 2.

Tại Văn bản số 4829/STNMT-NBHĐ ngày 30/8/2019 về chất lượng nguồn nước thô cấp nước cho Trạm cấp nước Quỳ Hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:  Kết quả quan trắc nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp (nguồn nước mặt sông Dinh lấy tại bản Luôm, cách điểm đầu vào hệ thống cấp nước 500m, phía thượng nguồn thuộc xã Châu Quang, Quỳ Hợp) cho thấy thông số kim loại nặng Asen vượt 2 lần, TSS (tổng chất rắn lơ lửng) vượt 20,3 lần so với quy chuẩn QCVN 08 MT:2015/BTNMG cột A2.

Đây không phải lần đầu tiên trong năm 2019 Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra thông tin kết quả quan trắc nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp bị nhiễm kim loại nặng Asen. Lần trước, tại Văn bản 3891/STNMT-NBHĐ ngày 17/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố nguồn nước thô đầu vào Trạm cấp nước Quỳ Hợp bị nhiễm kim loại nặng Asen gấp 1,3 lần; bên cạnh đó, các thông số TSS và Crom cũng vượt ngưỡng cho phép.

Tháng 8/2019, ngay sau khi tiếp nhận được Văn bản 3891/STNMT-NBHĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quỳ Hợp có Văn bản số 651/UBND-TN gửi UBND tỉnh.

Tại Văn bản 651/UBND-TN, UBND huyện Quỳ Hợp bày tỏ sự lo lắng trước việc nguồn nước thô nhiễm kim loại nặng Asen sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của khoảng 11.000 nhân khẩu/2.300 hộ dân ở thị trấn Quỳ Hợp. Qua đó kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cty CP Cấp nước Nghệ An di dời cửa lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp đến địa điểm đã được các sở, ngành xác định.

Ông Quang Cảnh Duy - cán bộ môi trường, địa chính xã Châu Cường (Quỳ Hợp) cho biết: “Tuy các mỏ thiếc nằm trên thượng nguồn suối Nậm Huống, cách xã này trên 10km nhưng có những thời điểm, khi các mỏ hoạt động hết công suất, nước thải chảy xuống đỏ quạch, đặc quánh. Nguồn nước ô nhiễm gần như không thể sử dụng được cho việc gì, ngay cả tưới ruộng”.

Có những thời điểm, nước suối Nậm Tôn đỏ và đặc đến mức người dân gọi những bản nằm dọc con suối này là “bản nước đỏ”. Chính quyền địa phương từng ghi nhận hiện tượng trâu bò chết sau khi uống nước suối Nậm Tôn. Ông Võ Xuân Thanh - một người dân xã Châu Quang cho biết: “Trước đây hai con suối này rất nhiều tôm cá nhưng nay rất ít, thậm chí có thời điểm đã “sạch bóng” cá tôm”.

Bên dòng Nậm Huống, người dân xã Châu Quang (nằm phía dưới xã Châu Cường) cũng là nạn nhân của hoạt động khai thác quặng thiếc. Hai con suối Nậm Tôn và Nậm Huống chảy qua địa bàn, cung cấp nước cho 20 bản của xã từ khi hoạt động khai khoáng bắt đầu rầm rộ đều biến thành suối “chết”.

Đứng bên dòng Nậm Huống nước chảy xiết một màu nâu vàng, đặc quánh bùn đất, một cán bộ thị trấn Quỳ Hợp bức xúc cho hay: “Năm nay, ngay cả khi nắng hạn mà kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước suối Nậm Huống chảy về sông Dinh, nơi Trạm Cấp nước Quỳ Hợp khai thác sản xuất nước sinh hoạt vẫn nhiễm kim loại nặng. Giờ mưa lũ liên tục thế này thì chỉ thêm lo, bao nhiêu thứ độc hại ở các mỏ quặng thiếc ở Châu Thành, Châu Hồng lại dồn xuống… và người dân phải lãnh đủ”.

Trong văn bản đề nghị di dời vị trí lấy nước đầu vào Trạm cấp nước Quỳ Hợp của UBND huyện Quỳ Hợp ngày 7/8/2019 có đưa ra kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Cty CP cấp nước Nghệ An di dời địa điểm nguồn nước đầu vào. Cụ thể, UBND huyện Quỳ Hợp kiến nghị thay nguồn nước đầu vào từ suối Nậm Huống sang lấy nguồn nước tại vị trí hạ nguồn dòng suối Nậm Choọng chảy từ các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái, (thượng nguồn không có khai thác, chế biến quặng thiếc). Vị trí này đã được UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan xác định.

Tuy nhiên, từ đó đến nay kiến nghị của địa phương vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, nhiều hộ dân sống trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp đã phải chuyển sang sử dụng nước mưa, bỏ kinh phí khoan giếng, hoặc mua các thiết bị để lọc lại nước máy.

Trạm cấp nước huyện Quỳ Hợp thuộc Cty CP cấp nước Nghệ An đi vào hoạt động năm 2001, với công suất 1.500m3/ngày đêm, chiều dài đường ống khoảng 35 km, cung cấp cho hơn 2.000 hộ khách hàng. Trong thời gian gần đây, dư luận và các hộ dân sử dụng nước sạch ở TP Vinh và vùng phụ cận đang “nóng”  câu chuyện liên quan đến hoạt động cấp nước của Cty CP cấp nước Nghệ An. Theo đó, dư luận gần đây đang phản ánh về tình trạng đánh tráo nguồn nước đầu vào của Cty Cấp nước Nghệ An. Người dân trả tiền với giá nước thô Sông Lam nhưng lại sử dụng nước Sông Đào được cho là bị ô nhiễm.

 

Trà Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load