Thứ bảy 20/04/2024 15:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Người chuyên vẽ tranh trâu

20:11 | 17/04/2014

Trong khi nghệ thuật đương đại đang tìm cách thách thức xã hội tiêu thụ bằng cách tạo ra các “nốt nghịch” cho khác biệt, mới lạ với truyền thống, thì họa sỹ Nguyễn Văn Cường vẫn chung thủy với phong cách vẽ trước đây của mình. Anh là người hát lên những giai điệu mượt mà, ấm áp của đồng quê, những khúc hoan ca trong trẻo, duyên dáng tụng ca vẻ đẹp của đất trời và con người.

Trông trẻ hơn so với tuổi, song nếu trò chuyện lâu lâu với Nguyễn Văn Cường, sẽ thấy phía sau sự trẻ trung của gương mặt và giọng nói, phía sau dáng vóc phong vận ấy, là một người họa sỹ có quá nhiều ưu tư. Tôi tự hỏi có gì mâu thuẫn không giữa con người anh và những bức vẽ dường như lúc nào cũng sáng trong, cũng thơ trẻ kia? Rồi tôi chợt hiểu ra rằng, có lẽ anh đã lấy chính sự thơ trẻ và hồn nhiên ấy để ứng xử với cuộc đời cũng như với nghệ thuật.

Sinh năm 1962 tại Hà Nội đến nay Nguyễn Văn Cường đã có hơn ba mươi năm gắn bó với nghiệp vẽ, 13 cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, cùng khá nhiều giải thưởng. Nổi tiếng trong giới mỹ thuật với biệt danh “Cường trâu”, anh làm hài lòng công chúng nghệ thuật bởi những bức vẽ “lãng mạn”, “đáng yêu”, “nhiều chất thơ”, với một bút pháp “phóng khoáng trong quết trát, chấm phá, mịn màng trong vờn nét, vờn mảng, hoặc gồ ghề, gân guốc qua nhát cọ diễn biến đầy tâm trạng cảm hứng”.

Khởi đầu với tranh đồ họa, được biết đến nhiều hơn khi dấn thân vào lĩnh vực hội họa với những bức sơn dầu vẽ trâu và đồng quê, gần đây Nguyễn Văn Cường lại thử nghiệm một hướng đi mới nhiều hứa hẹn, đó là vẽ và khắc nổi với kỹ thuật sơn mài tổng hợp. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, dù sáng tác trên chất liệu gì, và dù bút pháp có biến đổi, vẫn là một sự dịu dàng ngây ngất hiển hiện trong các bức vẽ của anh.

Họa sỹ nói: “Nhiều khi tôi cố quên đi tất cả, quên đi những kỹ thuật được học một cách bài bản, quên đi cách mà mình đã chọn để vẽ, quên đi mọi thứ xung quanh nữa, để coi như làm lại từ đầu. Tôi muốn vẽ như lần đầu tiên được vẽ”. Và với tâm thức sẵn sàng lột bỏ tất cả để sáng tạo một cách mới mẻ, nồng nhiệt, có lẽ Nguyễn Văn Cường đã ở trong trạng thái “ngây ngất” mà Milan Kundera có lần diễn tả, đó là “trạng thái mù quáng và điếc đặc trong đó mọi thứ đều bị quên bẵng đi hết, trong đó người ta quên mất cả chính mình”, cảm xúc chạm đến cực điểm của nó, đồng nhất hóa tuyệt đối với khoảnh khắc hiện tại.

Tôi nghĩ, đấy cũng là lúc anh đắm mình vào một giấc mơ lớn, giấc mơ anh đã mơ suốt cả cuộc đời, giấc mơ giải mã cho nỗi nhớ, nỗi quên và cho cả những ưu tư…

Trong giấc mơ đó, những ngư dân đang miệt mài lao động bên bờ sông, gần đó là những nhà mái lá, mái ngói bình yên bên dòng nước (Cảnh ven sông, khắc gỗ), những người nông dân đội nón mê, đội nắng đội mưa và đội cả ánh chiều tà bên cạnh con trâu lầm lũi (Đi bừa, khắc gỗ). Trong giấc mơ đó, những thôn nữ với vẻ mặt hiền hậu, ngây thơ đang cúi xuống hái những bông hoa sen (Hái sen, khắc thạch cao), đôi bạn thả diều hay ngồi chơi trên một triền đê đầy cỏ dại (Thả diều, sơn dầu, Tình bạn, sơn dầu)…

Đó còn là giấc mơ về “con đường mây trắng”, về một ngày mùa rộn ràng lúa chín, về những khoảnh khắc êm đềm nằm trên lưng trâu thả hồn mơ mộng, suy tư… Được vuốt ve bởi những cảm giác quá đỗi thân thuộc khi xem tranh Nguyễn Văn Cường, người ta thấy xao xuyến, bối rối nhưng ấm áp vô cùng bởi hội họa của anh đã đánh thức điều gì đấy tưởng đã bị lãng quên trong họ. Anh khiến người ta mỉm cười bởi giấc mơ của anh đẹp và trong trẻo quá, như chính tuổi thơ ngọt ngào của họ vậy.

Thậm chí ngay cả khi anh vẽ ánh mắt nhức nhối của con trâu, lột tả sự điên loạn, dã thú vốn vẫn có dù chút ít trong bản thân mỗi con vật, tranh của anh vẫn đăm đắm một niềm trìu mến với cuộc sống xung quanh. Tôi tin rằng có những giây phút người họa sỹ ấy muốn nổi loạn: Anh muốn bứt phá ra khỏi những rào cản tư duy thông thường để có thể thăng hoa trong sáng tạo hoặc muốn cạn kiệt để lại có thể khởi đầu.

Giống như những con “trâu điên”, có vẻ hiền lành là vậy, nhưng đôi lúc chúng lồng lên, gầm rú, ánh mắt long sòng sọc dữ tợn, điên rồ… Và tranh của Nguyễn Văn Cường vì thế mà không mang cái vẻ hiền lành thông thường, chúng hấp dẫn bởi chứa đựng cảm xúc và được vẽ bằng những nét cọ biến ảo.

Ở tranh của họa sỹ Nguyễn Văn Cường, sự êm đềm, yên ả của đồng quê như làm cho thời gian ngưng lại. Chỉ còn đó bóng con người neo lại trên cánh đồng, trên lưng trâu, trên những triền đê bạt ngàn hoa cỏ, trên những tư thế đã khắc tạc vào chiều dài lịch sử bao nghìn năm nay.

Dường như người họa sỹ không vẽ đồng quê, mà vẽ sự lắng đọng của thời gian ở đó. Ngay cả các bức sơn dầu đầy tâm trạng và mơ hồ, siêu thực của anh như Thả diều, Cõi mơ, Suy tư… cũng dẫn dắt người ta vào một cõi không có thời gian. Tất cả những gì hiện tồn ở đấy chỉ là một dáng hình, một nét cảnh thân thuộc đến nao lòng. Chúng gợi về kỷ niệm, gợi về giấc mơ, gợi về niềm vui hay nỗi buồn chứ không thật tình kể về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chúng là những trải nghiệm chứ không phải là sự mô tả.

Chung thủy với lối vẽ của mình, nhưng ở mỗi bức tranh, mỗi giai đoạn, họa sỹ Nguyễn Văn Cường vẫn nỗ lực khai thác sự mới mẻ của chất liệu, của kỹ thuật. Được biết đến như một họa sỹ chuyên vẽ tranh trâu, nhưng thực ra Nguyễn Văn Cường cũng rất thành công ở những đề tài khác như tĩnh vật, phong cảnh, và một mảng tranh khá ấn tượng trong sáng tác của anh là tranh khỏa thân.

Anh có hàng trăm bức vẽ khỏa thân, có những bức, theo anh kể, khiến nhiều người xem phải đỏ mặt. Nhưng với tôi, tranh khỏa thân của Nguyễn Văn Cường vẫn rất đẹp, đẹp theo cách của anh, trong sáng, mơ màng. Người họa sỹ ấy luôn kiếm tìm vẻ đẹp giản dị và nguyên sơ nơi con người, con vật hay phong cảnh.

 Lúc thì là cái tĩnh mịch yên bình của làng quê, khi là sự ngây ngô trong ánh mắt thơ trẻ, vẻ hiền lành mà hoang dại của con trâu, con bò, đôi khi là con mèo, con ngựa, và lần này nữa là vẻ đẹp nguyên bản, không điểm trang nơi người phụ nữ. Anh thích thú tìm đến cái đẹp ở cội nguồn của nó, khi thời gian, cuộc đời với bao rối rắm cùng sự vận hành trăm hình vạn trạng của nó chưa thể hay ít nhất trong khoảnh khắc đó không tác động tới.

 Anh say đắm trong vẻ đẹp ban đầu nguyên sơ ấy, như thể giấc mơ này đã chập chờn suốt cả cuộc đời anh, và nghệ thuật chính là câu trả lời vừa thực vừa hư ảo. Người họa sỹ đã chọn nó, nghệ thuật, để giải đáp và cũng là để lưu giữ giấc mơ của mình.

Ngôi nhà cao tầng của Nguyễn Văn Cường được họa sỹ thiết kế riêng một gian trên cùng dùng làm phòng vẽ. Đó là một căn phòng tràn ánh sáng, nơi anh có thể quên hết tất cả để hóa thân vào từng nét cọ, bày tỏ chính mình trên mặt toan, mặt vóc.

Anh chỉ cho tôi xem bức sơn dầu vẽ một kẻ đang chạy tá hỏa, trông rất ngộ nghĩnh nhưng tràn đầy cảm xúc. Họa sỹ chia sẻ: “Nhiều lúc con người rơi vào những trạng thái như thế: chạy nhưng không hướng về đâu cả, chỉ là chạy, một cách vô thức, vô định”. Tôi chợt hiểu vì sao tranh của anh được nhiều người yêu mến đến vậy. Nó đã chạm được đến những điều mỏng manh nhất trong cung bậc cảm xúc, những điều nằm ở ranh giới nhòe mờ của ý thức và vô thức, những điều mà nếu thiếu nó, cuộc sống sẽ không còn bí ẩn và kỳ diệu nữa.

Theo Vietnamnet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load