Thứ sáu 29/03/2024 12:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghĩ về niềm tin trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

12:40 | 27/08/2019

(Xây dựng) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Ðảng cộng sản, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho Ðảng, nhân dân ta những tài sản vô cùng quý giá: Di chúc Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn đại biểu Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng thăm Lăng Bác tháng 4/2019.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết có dịp nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn những giá trị trong Di chúc của Bác, mới cảm nhận hết tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng được thể hiện rất rõ trong Di chúc đề ngày 10/5/1969 bằng 2 chữ “Nhất định”: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… dù khó khǎn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn ác liệt, nhưng với niềm tin sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “Nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” đã truyền ngọn lửa niềm tin vào mỗi con người và tạo nên sức mạnh to lớn - sức mạnh của niềm tin, của ý chí cách mạng của toàn dân tộc Việt Nam tạo nên Đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử.

Niềm tin Hồ Chí Minh không phải ngẫu nhiên, sau khi đất nước ta được độc lập năm 1945 chưa được bao lâu thì nền độc lập có nguy cơ bị tước đoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không! Chúng ta thà hy tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Qua kinh nghiệm thực tế, bằng niềm tin vào sức mạnh dân tộc, sức mạnh tinh thần, vật chất, trong quá khứ và hiện tại, Chủ tịch Hồ Chí Minh quả quyết: “Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Đúng là như vậy, sau 9 năm trường kỳ chiến đấu với một dân tộc anh hùng, chúng ta đã dành chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống dân tộc “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, chấm dứt ở Việt Nam “nỗi buồn nhược tiểu”, và trang bị cho những người dân Việt Nam bình thường niềm tự tin khả năng “Đào núi lấp biển - Quyết chí cũng làm nên”. Khi “dân ta đã quyết, chí ta đã bền” thì không có gì ngăn cản được. Bởi đó là niềm tin của cả một dân tộc “Ai có súng dùng súng/ Ai có gươm dùng gươm/ Không có súng có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc”.

Trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, chúng ta phải đối mặt với những yếu kém, bất cập của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chính trong hoàn cảnh đó, Đảng ta lại chứng tỏ bản lĩnh khoa học, niềm tin Hồ Chí Minh, niềm tin cách mạng “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Đào núi lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên”, đã khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.

Tại Đại hội IV, Đảng ta đã “nhìn thẳng vào sự thật”, thực hiện tự phê bình và phê bình, nghiêm túc rút ra những bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam: “lấy dân làm gốc”, “tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”, “đoàn kết toàn dân” phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Công cuộc đổi mới đất nước sau hơn 30 năm đã đạt được “…những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, điều đó cho thấy niềm tin, sự khao khát bao năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang trở thành hiện thực.

Người viết tự đặt ra cho mình một câu hỏi, vậy niềm tin Hồ Chí Minh bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời theo quan điểm cá nhân cội nguồn niềm tin Hồ Chí Minh ở chỗ “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Có được lòng dân ta không sợ gì hết và sẽ có tất cả”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ nhân dân, sống và làm việc giữa lòng dân và cuối cùng lại trở về với nhân dân. Người thấu hiểu và thấu cảm nỗi đau của dân, thân phận người dân, đập cùng nhịp đập trái tim của dân “là những người chịu đựng cái kết quả lãnh đạo của ta”. Người phát hiện ra sức mạnh của dân, dạy cán bộ, đảng viên phải ghi tạc vào đầu cái chân lý “dân rất tốt”; dân là chủ chứ không phải quan chủ; quyền hành trong tay dân; lực lượng ở nơi dân; dân như nước, cán bộ như cá, dân nuôi sống bộ máy nhà nước bằng chính mổ hôi, nước mắt, “suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chúng ta phải hiểu rằng “dân như nước, cán bộ như cá”, không có nước thì cá chết, nhưng không có cá thì nước vẫn trong, đây chính là yếu tố quan trọng kết tinh thành niềm tin Hồ Chí Minh, sức mạnh ở nhân dân.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 10 (khóa XII) tiếp tục bàn những công việc hệ trọng của đất nước, đặc biệt tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 - 2021) thực hiện Cương lĩnh; tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2020 để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới để tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 – 2030) và 100 năm thành lập nước (1945 – 2045) sẽ đặt ra cho Đảng ta không ít những khó khăn phía trước.

Từ những bài học Đảng ta đúc kết lại sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng, cùng với đó là niềm tin vô hạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc tiếp tục là cơ sở để mỗi chúng ta có thêm niềm tin những mục tiêu chiến lược về xây dựng Đảng, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, phồn vinh sánh vai với các cường quốc năm châu “Nhất định” thắng lợi.

Ths. Nguyễn Xuân Ngọc
Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo
Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load