Thứ sáu 29/03/2024 14:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghĩ về các đô thị thông minh

13:46 | 21/11/2019

(Xây dựng) - Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng 4.0 đã bắt trúng dòng chảy thời đại. Việc xây dựng bằng được ba trọng điểm đô thị thông minh là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng làm trụ cột trọng điểm cho ba vùng kinh tế để tạo ra sức bật, sự lan tỏa ra cả vùng là việc phải lo tính sớm.

nghi ve cac do thi thong minh

Chủ động vào cuộc sẽ tạo ra tâm thế đi trước đón đầu trong cuộc cách mạng toàn cầu này? Nghĩ xem thế giới với công nghệ số đang thay đổi từng giờ. Nhìn xem những bứt phá ngoạn mục của công nghệ số đang thay đổi tư duy cách nhìn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thì một Việt Nam đổi mới hội nhập sâu rộng, sao có thể đứng ngoài, sao có thể chậm chân? Hãy nhìn từ chủ trương xây dựng ba đô thị thông minh ở ba vùng trọng điểm sẽ là đột phá mới trong tư duy cách nhìn đô thị.

Đô thị thông minh với tư duy mới này sẽ phác thảo ra sao, quy hoạch đất đai, dân số, mô hình quản lý, cung cách quản lý cũng phải khác đi. Khi công nghệ số ùa vào cuộc sống với sức mạnh không thể cưỡng, thì rõ ràng con người phải vượt lên để hội nhập. Quản lý một Thủ đô 8-9 triệu dân, quản lý một TP.HCM 9-10 triệu dân, quản lý một đô thị trung tâm của cả dải đất miền Trung như Đà Nẵng rất cần một chiến lược bài bản xa dài và cách làm cụ thể. Trước hết vẫn là vấn đề quy hoạch cho đô thị thông minh phải đi trước. Nhìn xem quy hoạch ba thành phố lớn này hiện nay ra sao? Rõ ràng quy hoạch vẽ ra là chuẩn chỉ, nhưng thực hiện quy hoạch ấy không nghiêm nên băm nát, uốn chỉnh qua nhiều nhiệm kỳ nên trở thành bức tranh đô thị lộn xộn méo mó. Nhìn thẳng và nói thẳng như thế mới có thể có kế sách, quốc sách để thoát ra. Chính từ vĩ mô các bộ, ngành cho đến chính quyền ba thành phố này rất cần tư duy nhìn thẳng để khắc phục những bất cập đô thị hiện nay. Đó chính là việc tuân thủ kỷ cương pháp luật quản lý đô thị chưa nghiêm, chưa bài bản. Đó chính là những tư duy nhiệm kỳ, khi mỗi nhiệm kỳ lại uốn chỉnh, nắn vuốt đi một tý nên mới thành hình ảnh những đô thị nhiều nơi bị băm nát, quy hoạch bị méo mó như hiện nay.

Cần chỉ rõ khi cách nhìn chưa chuẩn nên quy hoạch còn như bị cuốn theo chiều gió. Chính vì thế mới đẻ ra con đường đô thị lẽ ra phải thẳng, lại biến thành cong, nhưng vẫn cố vỗ về khen là “đường cong mềm mại”(?) Chính vì thế mới đẻ ra những cách làm tình thế. Khi giao thông nghẽn tắc, Thủ đô tính đến làm xe buýt nhanh đổ cả ngàn tỷ ra, nhưng rồi xe buýt nhanh cũng đi vào “vỡ trận”! Cũng từ tư duy “đất vàng đất ngọc”, nên chung cư cho xây vút cao mọc lên ở những vị trí trung tâm Hà Nội, TP.HCM càng dồn ứ thêm nghịch lý nhỡn tiền: Chống nghẽn tắc lại càng thêm nghẽn tắc. Nhìn lại thì Nhà nước đầu tư cho ba thành phố này không ít bạc tiền, nhưng dự án cứ dàn trải ra, rồi quản lý các dự án lớn đều có vấn đề thì bạc tiền “cả núi” ấy cũng đâu có được hiệu quả như mong muốn. Chính cái cách làm kiểu “tình thế” càng làm cho các đô thị chồng chéo gây ra nhiều cát cứ kéo theo hết bất cập này sang bất cập khác mà chả ai chiụ trách nhiệm cá nhân. Câu chuyện đường sắt trên cao ở Hà Nội, các dự án Metro ở TP.HCM đội vốn quá khủng thi công ì ạch là minh chứng cho tư duy xây dựng và quản lý đô thị còn quá nhiều lỗ hổng. Rõ ràng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị đang phơi ra những yếu kém đến khó tin. Cứ hở ra miếng đất công nào là những con mắt “cú vọ” của lợi ích nhóm chĩa vào ngay. Những cái “bắt tay ngầm”, nói thẳng ra là những giao kèo kiểu “đi đêm” chia chác trong các dự án phê duyệt xây cao ốc chung cư vút tầng ở những khu “đất vàng” đừng cao giọng nói là vô tư khách quan, mà dự án nào cũng sặc “mùi” bạc tiền trong đó cả. Quy hoạch bị băm nát, bị uốn nắn chỉ đạo theo các nhà đầu tư, theo ý của các DN đại gia tư nhân không phải các bộ ngành không biết. Nhưng vì sao biết mà vẫn như lờ đi như không biết? Có chuyện phong bì phong bao dày mỏng để mua sự lờ ấy không? Dư luận đặt thẳng câu hỏi ấy để chỉ thẳng: Quy hoạch băm nát là do ai, là vì đâu? Vì sao các bộ, ngành chuyển trụ sở ra ngoài vẫn cố “ôm” trụ sở cũ không chịu rời ra? Sự mặc cả phần trăm hoa hồng trong những ký tá phê duyệt các dự án có không? Ai hay có lãnh đạo tỉnh thành khi họp bàn hội thảo nói rất mạnh sẽ kiên quyết “lắc đầu” không cho xây cao ốc, chung cư cao tầng ở các quận trung tâm. Nhưng khi các đại gia DN tư nhân tìm đến “thì thọt to nhỏ” lại vung bút trình lên Chính phủ xin được xây cao ốc 30 - 40 tầng, và nói không ảnh hưởng gì sao có thể lọt tai? Thanh tra, kiểm tra nếu quyết liệt vào cuộc giám sát, thanh tra các dự án trái luật này sẽ lộ ra những chuyện cũng đủ cả khóc cười trong đó! Khuynh đảo “làm xiếc” trong những khu “đất vàng” ở TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt… đang biến tướng nhiều chiêu trò, lách luật và né luật rất tài. Nhiều trường hợp bỏ qua cả Luật, cứ liều ký, liều mở dự án. Đó chính là tình trạng vượt quyền, lộng quyền đang làm cho phép nước không nghiêm. Có hay những ồn ã về nhà máy nước Cầu Đuống là có lợi ích nhóm, là có chuyện lấy đất xây cả sân tập gofl trong đó, mà ông Chủ tịch Hà Nội vẫn cố biện minh khẳng định một hai như “đóng đinh”: Không có lợi ích nhóm nào trong đó! Vậy thanh tra, dư luận nếu chỉ ra là có chống lưng, có lợi ích nhóm, thì không biết ông Chủ tịch Hà Nội sẽ rút lại cái lời như “đóng đinh” ấy thế nào?

Chưa xa những vụ đất vàng ở TP.HCM bị thao túng vào tay tư nhân, các cựu quan chức quyền uy của thành phố này cũng cãi bay cãi biến là không tư túi, vô tư, giờ đang phơi cả ra đủ chuyện bi hài kia?

Từ những bất cập của quy hoạch và quản lý xây dựng các đô thị đang bật ra nhiều vấn đề nóng.

Vậy việc xây dựng ba đô thị thông minh trọng điểm này sẽ mở lối ra thế nào trong bức tranh đô thị còn quá nhiều bất cập và nghẽn tắc như hiện nay. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã từng tạo nhiều cơ chế đặc thù để ba đô thị lớn này vượt lên, nhưng xem ra việc sử dụng quyền năng của “cơ chế đặc thù” được trao vẫn chưa được lãnh đạo ba đô thị này hóa giải cho có bài, có bản. Lúng túng và loay hoay trong quản lý đô thị vẫn lộ ra cả trong những quy định không đi vào cuộc sống. Nói phải giãn dân, nhưng chung cư mấy chục tầng cứ phê duyệt ký tá cho xây ở trung tâm nội đô thì rõ ràng nói xuôi, nhưng làm lại ngược? Chỉ một con phố Lê Văn Lương đoạn dài chưa đến 2km mà vút cao hơn 50 chung cư cao tầng thì Hà Nội nói gì? TP.HCM cứ loay hoay với chống ngập đã bỏ tới 10.000 tỷ đồng đầu tư chống ngập mà vẫn chưa đâu vào đâu, hỏi sao không ngẫm ngợi?

Nhìn ra các nước họ xây dựng đô thị bài bản, quản lý đô thị theo kỷ cương phép nước, chứ không có chuyện nhà xây không phép, sai phép rồi phạt cho tồn tại? Càng không có chuyện nhiệm kỳ này lên căn chỉnh uốn nắn lại quy hoạch của nhiệm kỳ trước, rồi vẽ ra các dự án theo ý tưởng của riêng mình? Xây dựng đô thị thông minh phải hướng tới xanh - sạch - đẹp, văn minh. Công nghệ số chính là công cụ quản lý đô thị một cách minh bạch công khai. Từ các tiêu chí đô thị thông minh phải là những đô thị đặt lên hàng đầu “xanh - sạch - đẹp và thông minh”. Vậy cái gì không xanh, không sạch, không đẹp, không văn minh dứt khoát phải biết “lắc đầu”.

Mục tiêu để trở thành ba đô thị thông minh ở ngay phía trước! Vậy việc cần làm ngay là gì? Chính phủ và các bộ, ngành hãy cùng ba thành phố này rà soát lại quy hoạch tổng thể để có quyết sách trúng và đúng. Không thể chần chừ chậm trễ trong xây dựng chính quyền điện tử coi ứng dụng công nghệ số là hướng mở cho tư duy mới. Vậy thì đội ngũ cán bộ các ban, các sở và người đứng đầu các thành phố phải nâng tầm lên là những “công bộc” điện tử. Khi quy hoạch chuẩn, chọn đúng người đứng đầu, người thực thi am tường từng lĩnh vực, thì có gì khác là phải tuân thủ kỷ cương phép nước. Tư duy tình thế phải bớt đi dành chỗ cho tầm nhìn xa dài. Nói tăng cây xanh cho đầu người dân thì càng không thể cứ di dời trụ sở, DN ra bên ngoài là nhà cao tầng vút lên mà phải là công viên cây xanh. Nói sạch thì phải lo xử lý nước thải, rác thải với công nghệ và cách làm hiện đại đi. Nói đẹp thì không thể có chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo. Nói sạch thì nơi dành cho cộng đồng sao lại thiếu nhà vệ sinh. Nói đẹp càng không thể hè phố cứ đào lên lấp xuống, đường dây điện, cáp thông tin buộc bó như thừng chão, như mạng nhện giăng? Đô thị thông minh sao chấp nhận những hình ảnh như thế? Rồi phong cách “công bộc” của chính quyền đô thị thông minh, tác phong của người dân trong một đô thị thông minh cũng phải thay đổi nhanh. Đến các cơ quan công quyền mà người dân còn phải lo phong bao phong bì “bôi trơn” liệu có nên? Tư duy sạch nhà mình nên coi cửa sổ nhà hàng xóm như cái thùng rác liệu có nên? Tất cả những việc tưởng nhỏ ấy, nhưng không hề nhỏ cho những thành phố muốn hướng đến đô thị thông minh của thời hội nhập! Phải từ quy hoạch tổng thể được xây dựng một cách trí tuệ khoa học cứ thế mà làm. Nhiệm kỳ sau tiếp tục nhiệm kỳ trước, không uốn chỉnh, nắn vuốt. Phải coi tuân thủ quy hoạch là kỷ cương bất di bất dịch, chứ không thể “quyền uy uy quyền” ngẫu hứng làm theo ý riêng, quyền riêng của những ông vua con được!

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ thẳng, chỉ rất rõ những bất cập về đô thị hiện nay. Vậy, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các thành phố khác trong cả nước đã sẵn sàng tâm thế vào cuộc để xây dựng đô thị thông minh như chỉ đạo từ vĩ mô chưa?

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load