Thứ năm 28/03/2024 20:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghệ An: Thách thức dư luận nhà máy nước Nghệ An vẫn hút nước bẩn bán cho dân

14:03 | 15/06/2019

(Xây dựng) - Sau khi Báo điện tử Xây dựng có các bài phản ánh về hiện tượng “Cty nước Nghệ An lén lút hút nước từ sông Đào ô nhiễm” đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng nước sạch tại Nghệ An nói riêng và khắp cả nước nói chung và có thêm rất nhiều phản ánh của người dân về các sai phạm của Cty cấp nước Nghệ An.

Cận cảnh điểm bơm nước tại trạm bơm Cầu Mượu.

 “Mục sở thị” sông Đào ô nhiễm

Phóng viên trực tiếp đến các trạm bơm, nhà máy của các Cty sản xuất nước thô và nước sạch để lấy tư liệu. Nhận thấy, hàng đêm vào khung giờ từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau, tiếng chạy bơm của Cty cấp nước thô từ sông Lam ngừng thì tiếng bơm từ trạm bơm Cầu Mượu của Cty cấp nước sạch Nghệ an lại bắt đầu hoạt động. Sự việc này kéo dài hàng tháng nay, người dân xung quanh các trạm bơm này vô cùng bức xúc. Trong khi đó, rác thải, xác động vật vẫn hàng ngày trôi nổi trên dòng sông. Điều nhận thấy đầu tiên khi đặt chân đến đây là mùi hôi tanh, nước có màu vàng đục…

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ chỉ đạo liên tiếp của tỉnh Nghệ An, phía Điện lực Nam Đàn đã cắt điện trạm bơm Cầu Mượu nhưng sau đó Cty CP Cấp nước Nghệ An lại chuyển được sang lấy điện từ Điện lực Hưng Nguyên duy trì trạm bơm này để hút nước sông Đào.

Tài liệu phóng viên có được thì từ tháng 12/2018 tới nay, bình quân tiền sử dụng điện của trạm bơm Cầu Mượu đều trên dưới cả trăm triệu đồng (đỉnh điểm là vào khoảng ngày 19/03/2019 - 19/04/2019 tiền điện là: 135.508.700 triệu đồng) trong khi trước đó chỉ chưa tới 10 triệu đồng.

Xác động vật trôi nổi trên sông Đào. (Ghi nhận lúc 17h ngày 11/06/2019)

Cty CP Cấp nước Nghệ An cho rằng nước sông Đào không ô nhiễm. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm mẫu nước thô Cầu Mượu (ngày nhận mẫu 4/2/2019) do chính Trung tâm Y tế Dự phòng Nghệ An thực hiện cho thấy NO2 vượt ngưỡng giới hạn (0,089/0,05).

Chưa kể, cả Cty CP Cấp nước Nghệ An lẫn Cty Cấp nước Sông Lam (Cty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) bị kết luận là có nhiều sai phạm khác.

Những nội dung vi phạm này đều được ghi rất rõ trong báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với Cty Cấp nước Sông Lam (Cty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) và Cty CP Cấp nước Nghệ An số 1302 ngày 13/3/2019 vừa qua.

Cty CP cấp nước Nghệ An có tới 9 trạm bơm trong tổng số 13 trạm bơm chưa hề được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của pháp luật cụ thể là Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 201/2013 của Chính phủ.

Cty này cũng chưa có Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật quy định về phương pháp, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Chưa xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường (Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9/9/2016) xác định công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, anh Nguyễn Văn Quang - một hộ dân ở xóm 12, xã Nam Giang ngay cạnh trạm bơm Cầu Mượu cho biết: “Chúng tôi trả tiền nước để được dùng nước sạch từ dòng sông Cả. Chúng tôi trả cao hơn mấy huyện khác vậy mà sao đêm nào họ cũng bơm nước sông Đào để bán cho dân, lừa dân chúng tôi. Việc này diễn ra từ lâu rồi, trước cả Tết dương lịch. Dân ở đây cứ tưởng chỉ trạm Cầu Mượu lấy nước sông Đào bán cho TP Vinh thôi, còn chúng tôi được ăn nước sạch từ nhà máy nước Cầu Bạch lấy từ sông Lam nhưng không phải. Cháu tôi làm ở đó (trạm Cầu Bạch) nó nói bơm cả ngày chứ đâu bơm có lúc như trạm này”.

Năm 2018, tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND quy định giá tiêu thụ nước sạch cấp cho TP Vinh và vùng phụ cận được tính giá cao hơn nước sạch tại huyện thành khác từ 1.700đ/m3 đến 3.400đ/m3 nước sạch. Lý do là người dân TP Vinh và các huyện lân cận được sử dụng trực tiếp nguồn nước sông Lam để sản xuất nước sạch, bởi nước sông Đào bị ô nhiễm khi chảy qua các khu dân cư.

Ông Trần Hữu Vạn - Nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nói: “Bà con nhân dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng bơm nước sông Đào tại Cầu Bạch, chúng tôi chấp nhận trả với giá 8.300 đồng để được dùng nước thô sạch của sông Lam. Thế nhưng bơm nước từ sông Đào là một sự lừa dối dân trắng trợn, tôi mong các cấp chính quyền vào cuộc xử lý triệt để, nếu dùng nước sông Đào thì phải tính tiền theo giá nước của sông Đào, sắp tới họp hội đồng các cấp, chúng tôi nhất định phải có những phản ánh yêu cầu làm rõ”.

“Sông Đào đi qua 10 xã và có rất nhiều khu công nghiệp nằm hai bên, bao nhiêu rác thải xả xuống đó, nếu dùng nước sông Đào thì cần phải dùng một lượng calo rất lớn để xử lý, như vậy là nguồn nước cũng không đảm bảo”, ông Vạn nói thêm.

Người tiêu dùng đã trả tiền, với kỳ vọng được sử dụng nguồn nước sạch hơn khi nguồn nước thô được lấy thẳng từ sông Lam bằng đường ống kính dài 22km, thay cho việc bơm nước ở kênh hở có nguy cơ ô nhiễm cao tại Cầu Mượu và Cầu Bạch. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, Cty Cấp nước sạch Nghệ An đã thay thế nguồn nước, bơm nước từ sông Đào để sản xuất nước sạch, trong khi người dân đang phải trả số tiền chênh lệch lớn để đổi lấy một nguồn nước chưa sạch, chưa đảm bảo mà không hề hay biết. Với số tiền chênh lệch cho sự thay thế giữa hai nguồn nước thô là sông Lam và sông Đào, công suất thiết kế trạm bơm Cầu Mượu là 60.000m3/ngày đêm và công suất thiết kế của trạm Cầu Bạch là 20.000m3/ngày đêm thì Cty Cấp nước Nghệ An đã trục lợi của người tiêu dùng một số tiền không hề nhỏ.

Tại Công văn số 261/TB-UBND ngày 26/4/2019 nêu rõ “thực hiện nghiêm túc Văn bản 02/UBND-CN 03/01/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động cấp nước trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận và chỉ đạo của Tỉnh uỷ tại Văn bản số 460-CV/TU ngày 03/03/2016, UBND tỉnh tại Văn bản số 6923/UBND-CN ngày 11/09/2017 (không sử dụng nguồn nước từ sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt)”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch huyện Nam Đàn (Nghệ An) nói: “Đã hợp đồng dùng theo giá đầu vào của nước thô sông Lam thì phải thực hiện đúng theo quy định, bây giờ nhà máy nước tự tiện chuyển đổi mà người dân không được bàn bạc thì chúng tôi thấy không đồng tình. Sông Đào hiện tại nguồn nước không đảm bảo, dọc trên hai bờ sông có một trang trại chăn nuôi, vùng Nam Giang, vùng thị trấn có các hộ dân sinh sống từ lâu đời thì kiểu gì cũng có xả thải nhưng không qua xử lý xuống môi trường.

Dọc tuyến sông đó có nhiều khu sản xuất cây trồng của người dân, đặc biệt vụ hè thu này không tránh khỏi các loại thuốc bảo vệ thực vật trôi xuống sông nên chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng nước đầu vào sẽ không bằng nước sông Lam. Còn nhà máy cấp nước Nghệ An đã hợp đồng với dân là lấy nước thô từ sông Lam thì phải thực hiện cho đúng, bởi người dân đã phải trả tiền giá nước cao hơn nhiều lần so với nước sông Đào. Chúng tôi mong muốn nhà máy cấp nước Nghệ An phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng quy định”.

Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với giám đốc Cty Cấp nước thô sông Lam và Cty cấp nước sạch Nghệ An để đặt lịch làm việc nhưng đều không liên hệ được.

Phớt lờ hay cố tình chống đối?

Thực tế, thời gian qua, trước nhiều ý kiến bức xúc của nhân dân và dư luận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều chỉ đạo với nội dung xoay quanh việc yêu cầu dừng lấy nước từ sông Đào có biểu hiện đang ô nhiễm và phải lấy nước từ Cty nước Sông Lam (chủ đầu tư là Cty Tuấn Lộc) theo đúng như cam kết giữa Cty CP cấp nước Nghệ An với Cty nước Sông Lam như trước, trong, sau khi Cty Tuấn Lộc đầu tư vào nhà máy nước sông Lam.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Cty Cấp nước Nghệ An thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết trong thỏa thuận đầu tư ký ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh Nghệ An với Cty CP Cấp nước Sông Lam ngừng ngay việc bơm nước thô đang bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào sử dụng toàn bộ nước từ Cty CP cấp nước Sông Lam (Tuấn Lộc) cung cấp”, Công văn số 1315/UBND-ĐTXD của UBND tỉnh Nghệ An.

Hóa đơn điện từ ngày 19/3/2019 đến ngày 19/04/2019.

“UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người đại diện phần vốn Nhà nước tại Cty CP cấp nước Nghệ An (ông Hoàng Văn Hải - PV) thực hiện nghiêm túc các nội dung cam kết trong Thỏa thuận (ngày 28/1/2015) và hợp đồng (04/2015/HĐ-MBNT ngày 4/2/2015)”, Công văn 5318 ngày 17/7/2017.

“UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Cty Cấp nước Nghệ An thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết trong thỏa thuận đầu tư ký ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh Nghệ An và Cty CP cấp nước sông Lam, ngừng ngay việc bơm nước thô đang bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào, sử dụng toàn bộ nguồn nước thô do Cty nước Sông Lam cấp”, Công văn số 460 ngày 3/3/2016 của Tỉnh ủy Nghệ An.

“Ngừng hoạt động hoàn toàn các trạm bơm nước thô Cầu Mượu, Cầu Bạch từ ngày 1/1/2016 để tiếp nhận nguồn nước từ sông Lam do Cty CP Cấp nước Sông Lam (Tuấn Lộc) cung cấp”, Công văn số 9657 của UBND tỉnh Nghệ An ngày 30/12/2015.

“UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Cty CP cấp nước Nghệ An nghiêm túc thực hiện đúng nội dung cam kết giữa UBND tỉnh với Cty CP Cấp nước sông Lam, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để xử lý và cung cấp cho nhân dân sử dụng”, Công văn số 1315 ngày 10/3/2016 của UBND tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, thông báo Kết luận số 261/TB-UBND ngày 26/4/2019 vừa qua của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh nêu: “Thực hiện nghiêm túc Văn bản số 02/UBND-CN ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động cấp nước trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận và chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Văn bản số 460-CV/TU ngày 3/3/2016, UBND tỉnh tại Văn bản số 6923/UBND-CN ngày 11/9/2017 - không sử dụng nguồn nước từ sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt”.

Kết luận số 261/TB-UBND tỉnh Nghệ An, ngày 26/04/2019.

Trong khi đó, Cty CP Cấp nước Nghệ An lại lý giải rằng UBND tỉnh mới chỉ thống nhất về nguyên tắc “không sử dụng nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt”, chứ không phải đã kết luận nước sông Đào ô nhiễm.

Tuy nhiên, các văn bản của tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Cty CP Cấp nước Nghệ An phải “nghiêm túc thực hiện đúng nội dung cam kết giữa UBND tỉnh với Cty CP Cấp nước sông Lam, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để xử lý và cung cấp cho nhân dân sử dụng”. Đồng thời, “ngừng ngay việc bơm nước thô đang bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào, sử dụng toàn bộ nguồn nước thô do Cty nước Sông Lam cấp”.

Video ghi nhận 24h ngày 11/6/2019 trạm bơm nước Cầu Mươụ vẫn bơm nước tại sông Đào.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Tuyết Mây - Trà Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load