Thứ bảy 20/04/2024 15:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghệ An: Phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các chuỗi giá trị, tạo sự liên kết vùng

10:16 | 09/07/2019

(Xây dựng) - Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc hình thành các vùng nguyên liệu, tạo sự liên kết vùng, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, tạo đà cho các lĩnh vực khác cùng đi lên.


Vườn ươm keo tràm ở Tân Kỳ cung cấp cây nguyên liệu cho các huyện miền núi Nghệ An

Hiệu quả từ việc thực hiện triển khai các đề án

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Để nông nghiệp phát triển thành công bền vững thì phải cần đến 5 yếu tố. Đó là sự tham gia của người nông dân; sự hiện diện của các doanh nghiệp; sự hỗ trợ của chính quyền bằng các cơ chế, chính sách; phải có vốn đầu tư và cuối cùng là thị trường tiêu thụ các sản phẩm làm ra.

Nhằm triển khai các nghị quyết, theo đó, nhiều đề án, giải pháp đã được đề ra để phát triển hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu gắn với cơ chế quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các loại cây, con chủ yếu tùy vào lợi thế của từng địa phương để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương cũng không ngừng khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, thuê đất để xây dựng các trang trại sản xuất hàng hóa tập trung, từ đó mở rộng việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng giá trị trên đơn vị diện tích.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã tiến hành rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương và nhu cầu thị trường; trong đó, chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, xây dựng kế hoạch phát triển các cây trồng chủ lực gắn với cơ chế chính sách của tỉnh. Kết quả đã hình thành và phát triển các loại cây trồng gắn với từng vùng, miền, cụ thể như: Cam với diện tích hơn 5 nghìn ha tập trung tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Yên Thành, Con Cuông…; chanh leo tại huyện Tương Dương với diện tích đạt gần 140 ha…

Trên địa bàn Nghệ An cũng đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến và xuất khẩu như: Vùng cao su, mía nguyên liệu ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn; vùng nguyên liệu chè tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương; vùng cây ăn quả có múi tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn…; vùng sản xuất chế biến thủy sản, vùng lạc tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc…


Nông dân Nghĩa Đàn làm giàu từ cây mía

Bên cạnh việc chú trọng vào phát triển các loại cây, con chủ lực, hình thành các vùng nguyên liệu để phục vụ cho các nhà máy chế biến, thì việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi để phục vụ công tác tưới, tiêu cũng được tỉnh quan tâm triển khai, tăng khả năng ứng phó với bất lợi của thời tiết, đặc biệt đối với địa phương hay phải chịu nhiều thiệt hại về thiên tai như Nghệ An. “Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu” được phê duyệt và triển khai, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể về cấp nước tưới và sinh hoạt, tiêu úng, phòng chống lũ được ưu tiên hàng đầu.

Ngành Nông nghiệp Nghệ An cũng đã triển khai nhiều dự án thủy lợi lớn, với tổng mức đầu tư đạt 20.563 tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm được thực hiện như: Hồ chứa nước Bản Mồng với tổng mức đầu tư 4.455 tỷ đồng; dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An với tổng mức đầu tư 5.205 tỷ đồng; tiểu dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Hoàng Mai… cùng nhiều dự án nâng cấp đê sông, đê biển như đê Bãi Ngang, đê Nghi Yên…

Quy hoạch 4 vùng phát triển chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết: Dự án hợp tác kỹ thuật quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp Nghệ An được thực hiện năm 2016 và kết thúc vào năm 2019. Sau 3 năm thực hiện, đội ngũ tư vấn dự án đã xây dựng được kế hoạch tổng thể và kế hoạch hành động để phát triển ngành Nông nghiệp của địa phương.

Vì vậy, để ngành Nông nghiệp Nghệ An thực sự phát triển phải thực hiện 3 chính sách và 4 vùng chiến lược quy hoạch phát triển chuỗi giá trị. Trong đó, nhóm 3 chính sách bao gồm: Thành lập hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin thị trường; nâng cao dịch vụ hành chính nông nghiệp và cơ sở hạ tầng để phát triển chuỗi giá trị; phát triển năng lực của các đơn vị và nhân lực liên quan đến phát triển chuỗi giá trị.

Nhóm 4 vùng chiến lược phát triển chuỗi giá trị, gồm: Vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn ở Vinh, Cửa Lò (rau an toàn, trứng gà). Vùng sản xuất nguyên liệu thô cho chế biến thực phẩm, xuất khẩu: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (lạc, vừng, gạo); vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản có giá trị gia tăng cao: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa; và vùng thúc đẩy sản xuất nông sản đặc dụng: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu (gừng, tỏi, cây ăn quả, chè, bò mông, lợn đen, gà đen).

Trong thời gian qua, dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản nói chung cùng đội ngũ hỗ trợ cũng như các kỹ thuật được chuyển giao công nghệ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng kế hoạch hành động để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản xuất - chế biến - thương mại - tiêu thụ nhằm tối đa hóa giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Chăn nuôi cũng được Nghệ An đặc biệt chú ý. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò là người dẫn dắt của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã, chú trọng đầu tư các trang trại chăn nuôi lớn. Địa phương cũng không ngừng tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp; mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với những định hướng rõ ràng, bước đi cụ thể, quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp Nghệ An sẽ từng bước hiện thực hóa; nhờ đó, góp phần cải thiện đời sống của 75% dân số đang phụ thuộc vào nông nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An cũng như kết hợp với hai đơn vị là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trở thành các đầu mối, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đưa các kế hoạch hành động phát triển ngành nông nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Được biết, giai đoạn này Nghệ An sẽ quan tâm thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nông nghiệp nông thôn; duy trì và định hướng tương lai về thị trường nông nghiệp.

Uyên Uyên - Thanh Tâm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load